Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 4,8% trong năm 2021 và lấy lại mức tăng trưởng 6,5-7% trước dịch từ năm 2022, theo World Bank.
Nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 4,8% trong năm 2021 và hướng dần về mức tăng 6,5-7% từ năm 2022, lấy lại tốc độ tăng trưởng trước dịch, theo báo cáo Điểm lại tháng 8.2021 với tựa đề “Việt Nam số hóa: Con đường đến tương lai” của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm nay, 24.8.
Theo WB, Việt Nam đã tăng trưởng vững chắc ở mức 5,6% trong nửa đầu năm 2021. Động lực chính đến từ khu vực công nghiệp và xây dựng, đóng góp khoảng 53,2% cho tăng trưởng GDP; tiếp theo là khu vực dịch vụ (30,7%) và nông nghiệp (7,6%).
Tăng trưởng của mảng công nghiệp và xây dựng quay lại tốc độ trước đại dịch, khoảng 8%, nhờ các hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo mở rộng. Khu vực nông nghiệp – tương đối ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch – tăng trưởng khoảng 3,85%, nhờ điều kiện khí hậu thuận lợi và dịch tả lợn châu Phi đã chấm dứt.
Khu vực dịch vụ vẫn đi sau, với mức tăng trưởng chỉ 4%, bằng khoảng 60% tốc độ tăng trưởng ghi nhận nửa đầu năm 2019. Khu vực này phục hồi chậm hơn một phần do nhạy cảm với các biện pháp đóng cửa trường học và hạn chế đi lại trong các đợt bùng phát dịch COVID-19 vào tháng 1-2 và tháng 4. Các ngành bán lẻ, giải trí và vận tải bị suy giảm nhiều nhất. Đồng thời việc đóng cửa biên giới khiến khách quốc tế giảm 97,6%, dẫn đến suy thoái sâu trong ngành du lịch và vận tải.
Trong tháng 7.2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đã giảm 19,8% so cùng kỳ năm trước – là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4.2020. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 6.2021 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5.2020. Đáng chú ý, chỉ số PMI của Việt Nam không chỉ giảm đột ngột, mà còn giảm sâu hơn so với mức bình quân của Đông Nam Á. Trong khi chỉ số PMI toàn cầu đang tăng lên nhờ quá trình phục hồi ở nhiều quốc gia lớn.
Kể từ đầu tháng 5, các hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ ngày càng bị “trói chân trói tay” bởi các biện pháp kiềm chế virus lây lan trong cộng đồng. Đến giữa tháng 7, các biện pháp hạn chế đi lại được mở rộng, các tỉnh phía Nam, TP.HCM và sau đó là Hà Nội.
Dù đã đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, Việt Nam vẫn có tỷ lệ tiêm vaccine thấp hơn so với nhiều quốc gia khác, nên khả năng dập dịch trên diện rộng cũng bị ảnh hưởng. Đến cuối tháng 7, chỉ có 5,1% dân số được tiêm mũi vaccine đầu tiên và chỉ có 0,6% dân số được tiêm hai mũi. Hầu hết các quốc gia so sánh ở châu Á đều vượt Việt Nam về nỗ lực tiêm vaccine.
WB nhận định điều này sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, khi các đối thủ có tốc độ tiêm vaccine vượt trội đang tái khởi động hoạt động sản xuất và có khả năng chiếm lại một số thị phần bị mất vào tay Việt Nam do đứt gãy sản xuất vì dịch COVID-19 năm 2020.
2 năm trước
FDA phê duyệt xét nghiệm COVID-19 bằng hơi thở