Thời gian qua, nhiều tập đoàn công nghệ lớn (big tech) của Mỹ, đã tài trợ mạnh tay cho buổi lễ nhậm chức của tổng thống Trump, phản ánh mối quan hệ đang thay đổi giữa thung lũng Silicon và vị cựu tổng thống.
Mặc dù tài trợ cho lễ nhậm chức của tổng thống Trump không phải điều mới mẻ, nhưng sự xuất hiện của hàng loạt công ty công nghệ lớn cộng với các cuộc họp riêng ở Mar-a-Lago, báo hiệu mối quan hệ giữa những tập đoàn này với vị cựu tổng thống, có thể đã bước qua thời kỳ sóng gió.
Ông Todd Belt, chuyên gia chính trị tại Đại học George Washington chia sẻ: “Tổng thống Trump thích sự ưu ái. Các công ty nhận ra rằng, im lặng và đứng ngoài cuộc là chưa đủ. Ông Trump muốn bạn lên tiếng, bảo vệ và tích cực thực hiện những gì ông ấy khao khát.”
Tuần trước, Meta và Amazon đã quyên góp mỗi công ty 1 triệu USD cho lễ nhậm chức của ông Trump. Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman cũng thông báo gửi số tiền tương tự từ tài khoản cá nhân. Đây là sự thay đổi quan điểm đáng kể, vì từ năm 2013, ông Altman nhiều lần chỉ quyên góp cho chính trị gia đảng Dân Chủ.
CEO của OpenAI nói vào ngày 20.12: “Ông Trump sẽ dẫn dắt đất nước chúng ta bước vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo. Tôi háo hức ủng hộ những nỗ lực từ ông ấy, nhằm duy trì lợi thế của Hoa Kỳ so với đối thủ nước ngoài ở lĩnh vực này.”
Trong cuộc phỏng vấn với Fox News đầu tháng 12, CEO Altman cũng khẳng định, ông Trump rất giỏi trong việc giúp Hoa Kỳ xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết, để phát triển trí tuệ nhân tạo.
Ông Daniel Alpert từ công ty đầu tư Westwood Capital thì bày tỏ lo ngại khi nhận định: “Động thái trên là bất thường trong lịch sử. Chính phủ Hoa Kỳ đang bị chi phối. Nhiều cá nhân và tổ chức có quan điểm chính trị khác biệt, đang muốn lấy lòng ông Trump. Có thể họ muốn xóa đi mối quan hệ tiêu cực trong quá khứ.”
Ngoài quyên góp, một số doanh nhân công nghệ hàng đầu cũng đến tận Mar-a-Lago để gặp ông Trump. Ví dụ CEO của Meta là Mark Zuckerberg, CEO của Apple là Tim Cook, CEO của Google là Sundar Pichai, CEO của TikTok là Shou Zi Chew và chủ sở hữu Amazon là Jeff Bezos.
Ông Trump có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ trong nhiệm kỳ đầu. Ông từng gọi Facebook là kẻ thù của người dân, sau khi bị mạng xã hội này đình chỉ tài khoản, do liên quan đến vụ bạo động ngày 6.1.2021. Tài khoản sau đó đã được phục hồi vào năm 2023. Ông Trump thậm chí đe dọa bỏ tù CEO Zuckergerg nếu tái đắc cử. Tuy nhiên ông đã dịu giọng hơn, khi nói vào tháng 10 rằng, họ đã cải thiện góc nhìn về nhau.
Về phần mình, trong cuộc bầu cử vừa qua CEO Zuckerberg không tuyên bố ủng hộ ứng viên nào. Nhìn lại quá khứ, Facebook góp tiền cho các chính trị gia từ cả 2 đảng.
Trong nhiệm kỳ đầu, quan hệ giữa ông Trump và tỷ phú Jeff Bezos liên tục căng thẳng. Năm 2019, Amazon của ông Bezos tố cáo Lầu Năm Góc không chọn họ cho hợp đồng mới, vì tập đoàn thương mại điện tử từng chỉ trích ông Trump trong quá khứ.
Tháng 10.2024, tỷ phú Bezos ngăn tờ The Washington Post do mình làm chủ lên tiếng ủng hộ ứng viên Kamala Harris. Động thái khiến nhiều nhà quan sát đoán nhằm “ve vãn” ông Trump.
Theo chuyên gia Todd Belt, bất chấp rạn nứt trong quá khứ, ông Tổng Thống Trump có thể không giữ hiềm khích nếu đối phương cố gắng hàn gắn. Ông thích câu chuyện về 1 người từng chỉ trích giờ quay sang đứng về phía mình.
Một số nhà quan sát nhấn mạnh mối quan hệ giữa ông Trump và tỷ phú Elon Musk. Điều này có thể thúc đẩy sự tham gia của thung lũng Silicon vào chính trị. Tỷ phú Musk sở hữu mạng xã hội X, công ty xe điện Tesla và công ty không gian SpaceX, đã chi ít nhất 25 triệu USD giúp ông Trump chiến thắng. Nỗ lực được đền đáp, khi ông Trump giao tỷ phú Musk điều hành Bộ phụ trách tính hiệu quả của Chính phủ (DOGE).
Bộ này có nhiệm vụ giảm chi tiêu và quy định không cần thiết trong chính quyền. Vai trò của tỷ phú Musk làm dấy lên vấn đề xung đột lợi ích. Ví dụ ưu ái doanh nghiệp của mình và đối xử bất công với doanh nghiệp khác. Tuy nhiên tỷ phú Musk khẳng định, ông không mang bất kỳ thành kiến nào vào DOGE.
(Biên dịch: NVP)
10 tháng trước
Google ra mắt phiên bản mới cho mô hình ngôn ngữ Gemini