Kinh doanh

Thương mại 10 tháng lần đầu vượt mốc 500 tỉ USD

3 năm trước
Tác giả Linh Chi

Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng với mức 22,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 537,31 tỉ USD, đưa tổng kim ngạch thương mại lần đầu vượt mốc 500 tỉ USD, theo báo cáo Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng nay 29.10.

Share
this:

Đây là lần đầu tiên tổng kim ngạch thương mại của nền kinh tế vượt mốc 500 tỉ USD trong vòng 10 tháng. Hai năm 2019 và 2020 đều ghi nhận vượt mốc này trong vòng 12 tháng.

Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hoạt động xuất nhập khẩu tháng 10 giảm nhẹ so với tháng trước, nhưng vẫn tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong cán cân thương mại, xuất khẩu đạt 267,93 tỉ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ và nhập khẩu tăng 28,2%, đạt 269,38 tỉ USD.

Tăng trưởng nhập khẩu cao hơn xuất khẩu đã đưa mức nhập siêu 10 tháng lên 1,45 tỉ USD, so với cùng kỳ năm ngoái nền kinh tế xuất siêu hơn 19 tỉ USD.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 500 tỉ USD trong vòng 10 tháng. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Khối FDI tiếp tục dẫn dắt xuất khẩu với tỷ trọng 74%, phần còn lại thuộc về kinh tế trong nước. Tổng xuất khẩu từ khu vực FDI ghi nhận tăng hơn 20% – gấp ba lần mức tăng của khu vực kinh tế trong nước.

Trong 10 tháng đầu năm, 6 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỉ USD vẫn tiếp tục là chủ lực trong xuất khẩu. 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD chiếm tới 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt 75 tỉ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ. Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản là những thị trường chủ lực tiếp theo cũng đều ghi nhận tăng trưởng mức xuất khẩu từ Việt Nam.

5 thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Ở chiều ngược lại, hàng hoá nhập khẩu trong tháng 10 giảm nhẹ so với tháng trước. Nhưng luỹ kế 10 tháng vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Việt Nam ghi nhận 39 mặt hàng nhập khẩu có giá trị trên 1 tỉ USD, chiếm hơn 90% tổng nhập khẩu.

Nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nhập khẩu, giá trị ước tính là 252 tỉ USD (khoảng 93,6% tổng nhập khẩu). Trong nhóm tư liệu sản xuất, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng và nguyên, nhiên, vật liệu là hai nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất.

Với kim ngạch nhập khẩu xấp xỉ 90 tỉ USD, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, EU lần lượt là 4 thị trường nhập khẩu tiếp theo nằm trong tốp 5 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.