Từ bỏ theo đuổi ngành khoa học chính trị ở đại học Yale, Leandro Leviste trở về phát triển ngành năng lượng mặt trời của Philippines.
Leandro Leviste, con trai một thượng nghị sĩ nổi tiếng của Philippines, không gặp khó khăn gì khi hoạt động ở Manila, nhưng vị CEO trẻ tuổi người Philippines cho biết đôi khi anh không được coi trọng. Vì vậy anh thấy thích khi chuyển từ họp trực tiếp sang trực tuyến trong thời gian COVID-19.
“Chúng tôi thường đến văn phòng của những người lớn tuổi hơn và họ tỏ vẻ coi thường vì chúng tôi trông giống công ty khởi nghiệp,” ông chủ 28 tuổi của Solar Philippines Power Project Holdings Inc. (SPPPHI) cho biết. “Khi chúng tôi nói chuyện với các nhà đầu tư và đối tác từ xa, sự chênh lệch tuổi tác không còn được chú ý quá nhiều nữa.”
Có một điều vô cùng rõ ràng: Leviste là thanh niên đang nóng lòng gia tăng lượng điện mặt trời mà người dân Philippines sử dụng. Hiện anh sở hữu hai trang trại năng lượng mặt trời đang hoạt động, với tổng công suất 163 megawatt (MW). Tuy nhiên, anh có giấy phép ưu tiên và đặt mục tiêu hoàn thành tất cả các bước chuẩn bị cơ bản bao gồm huy động vốn để đạt được công suất 10 gigawatt (GW) vào năm 2025. Con số đó gấp 60 lần công suất hiện tại của anh và gần 7,5 lần tổng công suất năng lượng mặt trời cho cả nước.
Cũng như nhiều quốc gia khác, Philippines muốn nhảy vào cuộc đua năng lượng tái tạo, đặc biệt khi đất nước này có nhiều ánh nắng. Quy định của chính phủ yêu cầu đến năm 2030, các công ty điện lực phải cung cấp ít nhất 35% nhu cầu điện năng của họ từ năng lượng tái tạo, so với 21% vào năm 2020. Cho đến nay, năng lượng mặt trời chỉ chiếm 3%.
Kế hoạch mở rộng của Leviste sẽ cần rất nhiều vốn – ước tính tiêu tốn tổng cộng khoảng tám tỉ đô la Mỹ. Nhưng anh cho rằng các mục tiêu đầy tham vọng này khả thi và để làm được, Leviste sẽ cần sự trợ giúp đáng kể từ các mối quan hệ đối tác. Cho đến nay, anh đã hợp tác với tỉ phú Philippines Enrique Razon Jr. và tập đoàn Ayala của Jaime Zobel de Ayala.
Ngoài ra, Korea Electric Power (Kepco) đã chi gần 40 triệu đô la Mỹ mua 38% trang trại năng lượng mặt trời đầu tiên đang hoạt động của anh ở tỉnh Batangas, nơi cha của Leviste từng là thống đốc. Trang trại này do Solar Philippines Calatagan Corp. (SPCC) điều hành và tính đến tháng 6.2022, công ty mẹ SPPPHI sở hữu 62% trong SPCC.
Leviste không chỉ lưu ý đến việc mở rộng ở quê nhà. Anh cũng dự định phát triển ở Indonesia thông qua hợp tác với công ty Medco Energi của gia đình Panigoro. Vào tháng 3.2022 công ty này đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với công ty tiện ích nhà nước PLN từ hai trang trại có công suất dự trù 25MW ở Bali.
Việc gia tăng năng lượng mặt trời trên quy mô lớn đòi hỏi ba điều: diện tích đất cho các trang trại, nguồn vốn đầu tư lớn và hợp đồng mua bán điện để đảm bảo bán dài hạn cho các công ty điện lực sẽ phân phối điện mặt trời. Philippines không giống như Indonesia và nhiều nước đang phát triển khác, họ không có nhà phân phối điện độc quyền thuộc sở hữu nhà nước.
Leviste có đất và hi vọng việc này sẽ mang lại cho anh lợi thế của người đi trước trong một số lĩnh vực. Suốt hơn bảy năm, Leviste đã mua hoặc thuê các khu đất nông nghiệp và đồng cỏ tương đối bằng phẳng gần các đường dây tải điện, phần lớn ở Luzon, hòn đảo đông dân nhất.
Doanh nhân này đặt mục tiêu nắm quyền kiểm soát 10 ngàn héc ta, cho biết gia đình bên nội anh, sở hữu một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, đã mua đất ở Makati vào những năm 1970 với giá khoảng 100 peso (khi đó khoảng bảy đô la Mỹ)/m2. Anh nói: “Trong quá trình trưởng thành, tôi được dạy rằng: “Đừng chờ để mua đất, hãy mua đất và chờ đợi.’”
Một phần tài chính sẽ do công ty Solar Philippines Nueva Ecija Corp. (SPNEC) đã niêm yết cung cấp và anh kỳ vọng có được nguồn vốn lớn hơn từ các quan hệ đối tác. Leviste rất coi trọng mối quan hệ đối tác với Razon, người sở hữu công ty Prime Infrastructure Capital nắm giữ 50% trong hai dự án năng lượng mặt trời mà hai bên cùng sở hữu. Solar Philippines Tarlac, với công suất 100MW, đã đi vào hoạt động, trong khi Solar Philippines Tanauan, với hai địa điểm có công suất tổng cộng 170MW, dự kiến sản xuất từ đầu năm 2023.
Hai doanh nhân này nhắm đến công suất lớn hơn nhiều. Năm 2021, thông qua SPPPHI và Prime Infrastructure, họ thành lập một liên doanh có tên Terra Solar Philippines, trong đó Razon sở hữu 50,01% và Leviste nắm giữ 49,99%. Trong tương lai gần, họ hi vọng sẽ thành công hoàn tất các cuộc đàm phán về hợp đồng mua bán điện (PPA) 20 năm để bán điện từ các trang trại năng lượng mặt trời được phát triển với Razon cho công ty Điện lực Manila (Meralco), nhà phân phối duy nhất ở Metro Manila.
Các trang trại này, nằm rải rác năm tỉnh ở Luzon, sẽ có tổng công suất ít nhất 2.500MW, và có thể là nơi vận hành điện mặt trời lớn nhất trên thế giới. PPA 20 năm sẽ tạo điều kiện thuận lợi để vay ngân hàng hỗ trợ cho dự án.
Cuối tháng 6.2022, sau cuộc đấu thầu đầy cạnh tranh của bộ Năng lượng, Solar Philippines giành được năm hợp đồng dài hạn, bán điện cho thị trường bán buôn điện giao ngay. Sự kiện đấu thầu đó đã tạo ra thị trường cho một số dự án với công suất tổng hợp 2.000MW. Công ty cũng đề xuất cung cấp năng lượng cơ bản cho Meralco trong 24 giờ một ngày trong 20 năm kể từ năm 2024 bằng cách xây dựng một trang trại năng lượng mặt trời với tổng công suất 1.800MW, được bổ sung bằng pin – dù không được yêu cầu.
Để hiện thực hóa các kế hoạch tổng thể của mình, công ty niêm yết của Leviste là yếu tố quan trọng. Một phần trong số tiền 2,7 tỉ peso (hơn 48,6 triệu đô la Mỹ) được huy động trong đợt IPO vào tháng 12 sẽ dùng để xây dựng giai đoạn đầu của trang trại năng lượng mặt trời 500MW, cách thủ đô Manila 100km về phía bắc, dự kiến sẽ là công trình lớn nhất của Philippines tính đến nay.
Sắp tới, SPNEC kỳ vọng sẽ tung ra đợt chào bán đặc quyền mua để huy động từ ba tỉ đến 3,3 tỉ peso (hơn 54 đến hơn 59,4 triệu đô la Mỹ). Cổ phiếu của SPNEC, bắt đầu giao dịch ở mức một peso (0,018 đô la Mỹ), tăng lên mức khoảng 1,65 peso (0,03 đô la Mỹ) vào cuối tháng 6.2022.
Hồi tháng 3.2022, SPNEC thông qua kế hoạch mua số cổ phần của công ty mẹ trong hơn 20 dự án phát điện năng lượng mặt trời dự trù trên khắp Philippines. SPNEC đang phát hành 24,4 tỉ cổ phiếu mới dưới dạng khoản thanh toán. Phần sở hữu của công ty mẹ đối với SPNEC dự kiến sẽ giảm từ 66,8% xuống 54,2% sau đợt chào bán đặc quyền mua.
Trong sáu tháng kết thúc vào tháng 3.2022, SPNEC báo cáo khoản lỗ 48,3 triệu peso (gần 870 ngàn đô la Mỹ). Công ty chưa niêm yết SPPPHI cho biết, lợi nhuận ròng của họ trong năm 2021 tăng gấp sáu lần lên 806,4 triệu peso (hơn 14,5 triệu đô la Mỹ), dù chủ yếu là nhờ việc công ty bán cổ phần của mình trong một công ty con. Doanh thu giảm 19% xuống 1,23 tỉ peso (hơn 22,15 triệu đô la Mỹ).
Leviste bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng doanh nghiệp về năng lượng mặt trời ở Philippines vào năm 2013. Lúc ấy anh đang thực tập tại Meralco trong kỳ nghỉ hè của đại học Yale, nơi anh theo học ngành khoa học chính trị. Leviste say mê các công ty Tesla và SolarCity của Elon Musk và cảm thấy mình sẽ có cơ hội tại quê nhà, cung cấp năng lượng mặt trời với giá rẻ hơn số tiền mà người Philippines đang trả cho điện năng được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch.
Năm thứ hai tại Yale, Leviste bỏ học và quay trở lại Manila. Sau đó, cha của anh phá bỏ một vườn xoài trĩu quả cùng nhiều loại cây khác ở Batangas và sử dụng khu đất này làm tài sản đảm bảo để vay vốn cho dự án năng lượng mặt trời. SPCC, công ty mà anh thành lập năm 2015 để xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời, đã cam kết tất cả cổ phiếu phổ thông của mình cho ba ngân hàng.
Leviste dành nhiều tháng tại khu đất rộng 106 héc ta, giám sát việc lắp đặt hơn 200 ngàn tấm pin quang điện (PV). Anh nói: “Giống như chúng tôi đang lắp ráp lego.”
Leviste nói anh đã “tất tay” vào năng lượng mặt trời. Sau khi công ty của anh xây xong nhà máy điện theo quy mô lưới điện đầu tiên đúng thời hạn quy định vào năm 2016 và đủ điều kiện nhận trợ cấp thuế quan thiết yếu, anh cho dựng một tấm biển ghi chữ “Bia tưởng niệm cho quan niệm ‘Điều đó không thể thực hiện được’” – thông điệp dành cho những người hoài nghi, nghĩ rằng anh sẽ không hoàn thành đúng thời hạn.
Alberto Dalusung III, cựu giám đốc bộ phận năng lượng và hiện là thành viên của ủy ban Năng lượng tái tạo quốc gia, cảm thấy lạc quan về những gì có thể làm được với năng lượng tái tạo. Ông cũng lưu ý rằng một nghiên cứu do USAID tài trợ đã xác định chín khu vực năng lượng tái tạo mang tính cạnh tranh ở Luzon với ước tính công suất năng lượng mặt trời 35GW và công suất năng lượng gió 54GW. Ông nói: “Chúng tôi đang thực sự hướng tới năng lượng tái tạo. Tiềm năng lớn hơn rất nhiều so với những gì Solar Philippines đã hình dung.”
Tuy nhiên, theo Joey Roxas, CEO của Eagle Equities tại Manila, nếu việc sử dụng điện mặt trời của Philippines tăng lên đáng kể, Leviste có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt và chi phí cao hơn. “Giá đất có thể tăng nhưng khi số lượng nhà sản xuất năng lượng mặt trời tăng lên, sự cạnh tranh cũng có thể làm giảm giá điện,” ông lưu ý.
Eduardo Francisco, chủ tịch của BDO Capital & Investment, công ty con của công ty cho vay lớn nhất đất nước, lưu ý rằng chi phí cung cấp năng lượng mặt trời đã giảm nhờ các tấm pin PV rẻ hơn và mô tả mô hình kinh doanh của Leviste “về cơ bản là khả thi.” Tuy vậy, ông cũng cho biết thêm: “Vẫn còn phải xem liệu có đủ số lượng PPA được đấu thầu từ nay đến năm 2025 để đáp ứng kế hoạch 10GW của Solar Philippines hay không.”
Leviste tích cực tranh giành các hợp đồng dài hạn cung cấp năng lượng mặt trời cho Meralco, công ty cung cấp điện lớn nhất nước. Anh đã giành được hợp đồng đầu tiên vào năm 2017 bằng cách đề nghị bán điện với giá chỉ 2,999 peso (0,054 đô la Mỹ) mỗi kWh vào thời điểm chi phí điện năng trung bình của Meralco khoảng 4,6 peso (0,083 đô la Mỹ) mỗi kWh.
“Tôi đã hi sinh lợi nhuận tương lai cho thương vụ đó, nhưng nếu coi đó là chi phí tiếp thị để giành được các hợp đồng trong tương lai, thì đó là khoản đầu tư tốt nhất mà chúng tôi từng thực hiện,” Leviste giải thích.
Mặc dù việc kinh doanh năng lượng mặt trời của anh đang mở rộng đáng kể, nhưng Leviste thừa nhận rằng nhiều ván cược ban đầu của anh không mang lại hiệu quả như mong đợi, khiến công ty phải ngừng sản xuất pin mặt trời và ngưng lắp đặt trên mái nhà của các tòa nhà dân cư và thương mại. Anh thu nhỏ mục tiêu lại thành một công ty con cung cấp năng lượng mặt trời cho các khu vực không đấu vào lưới điện và không được phục vụ điện năng trên khắp cả nước. Công ty này đã nhận được nhượng quyền không độc quyền từ quốc hội vào năm 2019.
“Lưới điện siêu nhỏ cùng việc lắp tấm pin trên sân thượng tòa nhà thương mại và dân cư sẽ chỉ chiếm 1/10 việc sử dụng năng lượng mặt trời. Phần còn lại sẽ đến từ các trang trại năng lượng mặt trời kết nối với lưới điện,” anh cho biết. “Chúng tôi vẫn muốn thực hiện điện khí hóa không đấu vào lưới trên cơ sở CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) từ lợi nhuận mà chúng tôi kiếm được từ các trang trại năng lượng mặt trời.”
Leviste cho biết nguồn giá trị lớn nhất cho hoạt động kinh doanh năng lượng mặt trời của anh sẽ không nằm ở cổ tức từ việc nắm giữ tài sản hoạt động trong 25 năm. “Giá trị nằm ở chỗ, chúng tôi mua đất với giá 200 peso (3,6 đô la Mỹ) mỗi mét vuông và định giá lại khi đất công nghiệp tăng đến 1.000 peso (18 đô la Mỹ) mỗi m2 và chuyển chúng thành vốn cổ phần cho một liên doanh, hiện có giá trị 2.000 peso (36 đô la Mỹ) mỗi m2.
Đó là cách chúng tôi có thể dần biến một peso thành mười peso,” anh cho biết. Nhận thức được những trở ngại đối với việc mở rộng quy mô, anh nói nửa đùa nửa thật: “Chúng tôi đang tích lũy đất đai từ trái sang phải, nhưng có thể cuối cùng sẽ chuyển sang kinh doanh chăn nuôi gia súc.”
BẤT ĐỘNG SẢN VÀ CHÍNH TRỊ
Dù Leandro Leviste chứng tỏ thành công của mình trong vai trò nhà phát triển lớn về năng lượng mặt trời ở Philippines, nhưng tên tuổi gia tộc anh đã được nhiều người biết đến từ lâu. Một con phố ở khu thương mại trung tâm Makati được đặt theo tên của ông nội quá cố Lauro P. Leviste, nhà môi giới bất động sản, để ghi nhận vai trò của ông trong việc phát triển khu vực gần Manila sau Thế chiến thứ hai. Khi Leandro tiến vào thị trường đất đai cho các dự án năng lượng mặt trời, anh trở thành thế hệ thứ ba của gia tộc Leviste tham gia vào lĩnh vực bất động sản. Cha của Leandro, ông Antonio Leviste, 82 tuổi, là nhà phát triển bất động sản thành công ở tỉnh Batangas, nơi ông làm thống đốc từ năm 1972-1980. Năm 2009, Antonio bị kết tội giết người vì bắn chết một phụ tá lâu năm vào năm 2007 và ở tù đến năm 2013. Antonio nói rằng đó là hành động tự vệ nhưng tòa án bác bỏ lời khai của ông, nhấn mạnh rằng người phụ tá đã bị bắn năm phát. Mẹ của Leandro, Loren Legarda, 62 tuổi, là một trong những chính trị gia nổi tiếng nhất đất nước. Trong cuộc bầu cử hồi tháng 5.2022, bà có số phiếu cao thứ hai trong số 64 ứng cử viên tranh các ghế thượng viện mở. Cựu nhà báo phát thanh truyền hình trước đó đã là thượng nghị sĩ trong hai nhiệm kỳ. Bà và chồng ly thân vào năm 2003, và cuộc hôn nhân của họ sau đó bị hủy bỏ. Năm 2019, Leandro gặp sự cố trong quá trình cân nhắc về nhượng quyền hợp pháp cho một công ty con của Solar Philippines nhằm cung cấp năng lượng mặt trời cho các khu vực ngoài lưới và không được phục vụ. Họ gặp phải sự phản đối của các công ty tiện ích, vì lo ngại điều này sẽ vi phạm điều lệ độc quyền của họ, nhưng được lãnh đạo của các khu vực thiếu điện ủng hộ. Anh bị chỉ trích là được ưu ái nhờ mẹ mình khi đó là chủ tịch ủy ban Tài chính thượng viện đầy quyền lực. “Không hề,” Leandro nói với các phóng viên vào tháng 12.2018. “Tôi làm được điều này hoàn toàn nhờ thành tích đã có.” Legarda đã bỏ phiếu trắng về dự luật và từ chối vận động hành lang để được thông qua. Dự luật cuối cùng được phê chuẩn sau khi các giới hạn rõ ràng hơn được thêm vào phạm vi kinh doanh của công ty con. Vào năm 2022, quốc hội thông qua luật cho phép các nhà cung cấp dịch vụ lưới điện siêu nhỏ khác kinh doanh trong các cộng đồng thiếu điện mà không cần có nhượng quyền của quốc hội, tạo ra nhiều cạnh tranh hơn.