Các nhà nghiên cứu kinh tế đánh giá việc tăng trưởng kinh tế hai con số trong những năm tiếp theo sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình nhưng mục tiêu này có nhiều thách thức.
Chia sẻ tại hội thảo Kinh tế vĩ mô Việt Nam 2025 với chủ đề “Vùng Đông Nam Bộ đột phá cho tăng trưởng hai con số” diễn ra hôm 14.1, GS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, tăng trưởng kinh tế hai con số là chủ đề nóng được bàn luận rất nhiều trong thời gian qua với nhiều quan điểm trái chiều. Bản thân ông cho rằng, tăng trưởng hai con số nên được diễn nghĩa là mức tăng trưởng Việt Nam chưa bao giờ đạt được và là cách để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số, những lợi thế trước đây như dân số trẻ, lao động giá rẻ không còn. Bên cạnh đó, “cỗ xe tam mã” – ba động lực của tăng trưởng GDP là tiêu dùng nội địa, đầu tư công và xuất khẩu cũng “đã đuối”. Vì vậy, dựa vào những động lực này thì không thể tăng trưởng hai con số.
Với Đông Nam Bộ, khu vực kinh tế quan trọng của khu vực phía Nam và cả nước, TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đánh giá, vai trò đầu tàu dẫn dắt về kinh tế đã suy giảm trong những năm gần đây khi tăng trưởng kinh tế vùng chậm lại và chậm hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước; hiệu quả sử dụng vốn của vùng luôn thấp nhất và đều thấp hơn so với bình quân của cả nước.
Đây cũng là khu vực có tỷ lệ tăng năng suất lao động, tỷ lệ giữa tốc độ tăng trung bình của số lao động có trình độ và tốc độ tăng của tổng số lao động; tỷ lệ tăng trưởng đầu tư hạ tầng trung bình hàng năm và tỷ lệ tăng trưởng tổng mức đầu tư trung bình hàng năm thấp hơn tỷ lệ bình quân của cả nước và của khu vực Đông bằng Bắc Bộ.
Những yếu tố trên cùng với việc thiếu cơ chế liên kết vùng hiệu quả đã trở thành những điểm nghẽn cho tăng trưởng của khu vực. “TP.HCM và Đông Nam Bộ đã từ lâu lắm rồi không tăng trưởng được 10%, có chăng là từ năm 2001, 2002, 2003,” ông Vũ nói.
TS. Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Đại học Fullbright đánh giá, tăng trưởng hai con số là một mục tiêu khó. Trên thế giới chỉ mới Trung Quốc làm được, đạt mức tăng trưởng bình quân 10,2% trong giai đoạn 1982 – 2011. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đạt mức 6,8% trong giai đoạn 1989 – 2018, thấp hơn nhiều so với những nền kinh tế Đông và Đông Nam Á trong giai đoạn mà họ có tốc độ tăng nhanh nhất.
Cũng theo ông Thành, động lực duy nhất để các nước có thể tăng trưởng cao trong vài chục năm là đẩy mạnh năng suất của lao động trong nước.
PGS. TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cũng nhìn nhận, để đạt được mức tăng trưởng cao, Trung Quốc đã đầu tư vốn khổng lồ vào bất động sản, cơ sở hạ tầng, công nghiệp nặng và xuất khẩu. Kết quả là họ vọt lên vị trí thứ hai kinh tế toàn cầu nhưng phải trả giá về môi trường, dư thừa công suất và biểu hiện là những thành phố ma.
Với mục tiêu tăng trưởng hai con số, các nhà khoa học đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó, cần phát triển và đẩy mạnh các liên kết vùng, loại bỏ tư duy dàn hàng ngang giữa các địa phương, tập trung cho những ngành thế mạnh, đầu tư cho giáo dục để tạo ra nhân lực chất lượng cao…
“Gia tăng đầu tư công, có chính sách đặc thù cho 10 địa phương phát triển nhất, tháo gỡ thể chế để tăng cường sức mạnh đầu tư tư nhân,” ông Trung đề xuất.
6 ngày trước
Xe hơi Nhật bán ở thị trường Trung Quốc giảm mạnh3 năm trước
Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2022 lên 6,5%