Nhà tiên phong trong lĩnh vực điện gió Ấn Độ và chủ tịch của Suzlon Energy, Tulsi Tanti đã qua đời ở tuổi 64 sau khoảng thời gian chống chọi với căn bệnh rối loạn nhịp tim.
Theo hồ sơ gửi lên sàn chứng khoán của Suzlon Energy, Tulsi Tanti, chủ tịch kiêm giám đốc quản lý và người đi tiên phong trong lĩnh vực điện gió Ấn Độ, đã qua đời hôm 1.10 ở tuổi 64 sau khoảng thời gian chống chọi với căn bệnh rối loạn nhịp tim.
Là người mang tinh thần doanh nhân khởi nghiệp, Tulsi Tanti, từng theo học hai ngành thương mại và kỹ thuật, đã không tham gia việc kinh doanh ngành nghề xây dựng của cha ông để cùng ba người anh em lập nghiệp trong lĩnh vực dệt may. Khi giá điện tăng cao, Tanti đã xây dựng hai cối xay gió cho nhà máy dệt may của ông, từ đó nảy ra ý tưởng kinh doanh điện gió.
Năm 1995, ông và những người anh em thành lập Suzlon Energy từ việc bán đi một số tài sản của gia đình để thu về 600.000 USD làm nguồn vốn đầu tiên.
Chia sẻ với Forbes vào năm 2006, Tulsi Tanti cho biết “Ấn Độ cần năng lượng để phát triển kinh tế, và nguồn năng lượng xanh, sạch là giải pháp tốt nhất.” Trong cùng năm đó, Tanti với khối tài sản ròng 1,4 tỉ USD đã trở thành tỉ phú sau khi niêm yết cổ phiếu của Suzlon vào năm 2005.
Vào năm 2007, ông và ba người anh em sở hữu tổng giá trị tài sản ròng 10 tỉ USD, với Suzlon là công ty sản xuất turbine gió có giá trị nhất thế giới. Tanti khi ấy đang vô cùng thành công và vượt qua phiên đấu giá có tính cạnh tranh cao để mua lại đối thủ cạnh tranh Repower (Đức) với giá trị 2 tỉ USD.
Không lâu sau đó, Tanti gặp phải thách thức khi xuất hiện các báo cáo về việc bộ phận cánh quạt của turbine gió có chất lượng kém, khiến giá cổ phiếu lao dốc và đẩy ông ra khỏi danh sách những người giàu nhất Ấn Độ năm 2012. Với gánh nặng nợ nần, Suzlon Energy buộc phải bán một số tài sản để chi trả các khoản vay. Ông tìm được “hiệp sĩ trắng” là tỉ phú ngành dược Dilip Shanghvi, người đã mua lại 20% cổ phần của Suzlon có giá trị 290 triệu USD. Hiện nay, Tantis nắm giữ xấp xỉ 15% cổ phần trị giá 156 triệu USD song toàn bộ được dùng để thế chấp cho các khoản vay.
Là doanh nghiệp đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực điện gió, Suzlon Energy vẫn đứng vững khi Ấn Độ đề ra mục tiêu đầy tham vọng về năng lượng tái tạo. Hiện nay, Suzlon Energy sở hữu 1/3 trụ điện gió trên toàn Ấn Độ với công suất 13,5 GW. Sau khi ông ra đi, gia đình còn lại người vợ và hai người con gái là Nidhi và Pranav.
5 tháng trước
Ambuja Cement mua lại công ty sản xuất xi măng ở Ấn Độ