Start-up

Jeff Bezos đầu tư vào startup đầu tiên ở Đông Nam Á

Share
this:

Tỉ phú Amazon đã rót tiền vào Ula – một sàn thương mại điện tử của Indonesia thông qua công ty quản lý tài sản gia đình Bezos Expedition.

Nhà sáng lập của Amazon, Jeff Bezos đã tham gia vòng gọi vốn mới nhất của Ula, một startup từ Indonesia, đánh dấu thương vụ đầu tư vào khu vực Đông Nam Á đầu tiên của người giàu thứ hai thế giới.

Bezos tham gia vòng gọi vốn series B của Ula thông qua Bezos Expedition, công ty quản lý tài sản gia đình quản lý những dự án đầu tư cá nhân của vị tỉ phú này, bao gồm Blue Origin.

Trong vòng gọi vốn mới nhất được dẫn dắt bởi Prosus Ventures, Tencent và B-Capital, Ula đã gọi thêm 87 triệu USD, qua đó tăng định giá công ty lên 490 triệu USD, theo Venture Capital Insight.

Những nhà sáng lập của Ula (từ trái sang phải): Riky Tenggara (COO), Derry Sakti (CCO) and Alan Wong (CTO). Ảnh: Courtesy of Ula

Ula có kế hoạch sử dụng nguồn vốn mới để mở rộng khắp Indonesia và khám phá thị trường Đông Nam Á. Công ty cũng có kế hoạch mở rộng hình thức “mua trước trả sau” cũng như xây dựng chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng logistics.

Trước đó, Ula từng gọi vốn thành công 10,5 triệu USD tại vòng hạt giống vào tháng 6.2020 và 20 triệu USD vòng Series A vào tháng 1.2021.

“Năm 2020, chúng tôi thành lập công ty với sứ mệnh đưa công nghệ tới các nhà bán lẻ quy mô nhỏ ở khu vực phụ cận, giúp họ tăng thêm thu nhập. Chúng tôi có hướng tiếp cận dài hạn bằng cách đầu tư vào công nghệ, chuỗi cung ứng và cung cấp dịch vụ tín dụng thông qua dữ liệu để giải quyết những vấn đề cơ bản trong ngành bán lẻ truyền thống”, Nipun Mehra, đồng sáng lập và CEO của Ula cho biết.

Những đồng sáng lập khác gồm Alan Wong, Derry Sakti và Riky Tenggara đã mang đến cho Ula nhiều kinh nghiệm làm việc phong phú từ các doanh nghiệp thương mại điện tử và hàng tiêu dùng như Amazon, Flipkart, Lazada, P&G và Booking.com.

Ảnh: MARK RALSTON/AFP VIA GETTY IMAGES

Trong 20 tháng, Ula đã phát triển và cung cấp hơn 6.000 sản phẩm và hỗ trợ hơn 70.000 cửa hàng bán lẻ truyền thống trên nền tảng.

“Sứ mệnh cốt lõi của chúng tôi là hỗ trợ các nhà bán lẻ truyền thống. Điều này trở nên ngày càng thiết thực trong giai đoạn đại dịch. Chúng tôi đang từng bước củng cố sự hiện diện và các dịch vụ tại nông thôn và vùng hẻo lánh, giúp các nhà bán lẻ địa phương đẩy nhanh quá trình phục hồi hoạt động kinh doanh,” nhà đồng sáng lập và giám đốc thương mại Sakti của Ula cho biết.

Các nhà đầu tư đã rót vốn vào những công ty công nghệ của Indonesia hướng tới mục tiêu hiện đại hóa các cửa hàng tạp hoá (hay còn được gọi là warungs trong tiếng Indo) và dịch chuyển lên nền tảng trực tuyến.

Biên dịch: Minh Tuấn