Nhà đồng sáng lập Eric Cheng cho biết Carsome đặt mục tiêu đạt điểm hòa vốn vào cuối năm 2023 và bắt đầu có lãi từ năm 2024.
Vào giai đoạn dòng vốn đầu tư mạo hiểm tăng mạnh trong năm 2021, Eric Cheng đã lấy đó làm sức bật để giúp Carsome trở thành kỳ lân công nghệ đầu tiên của Malaysia. Giờ đây, trong bối cảnh lãi suất tăng cao và xuất hiện lo ngại về nguy cơ suy thoái, Eric Cheng đang chuyển hướng tập trung vào lợi nhuận thay vì mở rộng quy mô “thần tốc” để thích ứng với tình hình kinh tế hiện nay.
Chia sẻ trong buổi phỏng vấn bên lề sự kiện Forbes Global CEO lần thứ 21 diễn ra tại Singapore, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Carsome cho biết công ty kỳ vọng sẽ đạt điểm hòa vốn vào cuối năm 2023 và bắt đầu có lãi từ năm 2024.
“Hiện tại, chúng tôi tập trung vào lợi nhuận thay vì theo đuổi mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng hai chữ số mỗi năm. Điều này bao gồm công ty cải thiện tỉ lệ khách chấp nhận lời mời chào từ mọi giao dịch trên nền tảng của Carsome bằng cách tối ưu giá bán và quản lý đội ngũ nhân sự, bên cạnh tận dụng mức độ nhận diện thương hiệu mà chúng tôi đã xây dựng,” Cheng cho biết.
Lộ trình phát triển lợi nhuận của Carsome có động lực từ mảng bán lẻ, bao gồm bán những chiếc xe đã qua tân trang và cung cấp các dịch vụ như tài chính, bảo hiểm và hậu mãi cho ô tô. Hoạt động từ năm 2020, mảng bán lẻ đóng góp 35% trong tổng doanh thu 1,5 tỉ USD của Carsome trong năm 2022. Cheng cho biết, lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bán lẻ, trừ khi các khoản phí vận hành liên quan, tăng 13%, gấp đôi so với mảng bán buôn.
Quyết định chuyển hướng tập trung vào lợi nhuận được Carsome đưa ra khi công ty đang đối mặt với sức ép cạnh tranh gay gắt trên thị trường thương mại điện tử về xe đã qua sử dụng ở Đông Nam Á. Hoạt động tại Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore và Philippines, Carsome cho biết công ty là nền tảng bán xe cũ trực tuyến lớn nhất khu vực tính theo doanh thu và khối lượng giao dịch. Trong năm 2022, Carsome đã bán hơn 150.000 chiếc, nắm 3% thị phần thị trường thương mại điện tử giao dịch xe cũ Đông Nam Á, Cheng cho biết.
Trên thị trường, Carsome đang cạnh tranh với Carro, nền tảng nhận hậu thuẫn tài chính từ quỹ Vision Fund 2 của tập đoàn SoftBank có quy mô kinh doanh tại Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Gân đây, Carro đã tiến vào thị trường Nhật Bản. Carro, công ty tuyên bố là nền tảng thương mại điện tử về xe cũ trực tuyến có lợi nhuận lớn nhất Đông Nam Á, cho biết doanh thu trong năm tài khóa tính đến tháng 3.2023 đã vượt mốc 800 triệu USD từ việc bán hơn 120.000 chiếc.
“Vị thế dẫn đầu thị trường về khối lượng giao dịch cho thấy công ty có thể áp dụng thành công chiến lược kinh doanh tại nhiều quốc gia khác nhau. Khối lượng giao dịch của Carsome cao hơn bất kỳ công ty cùng lĩnh vực nào khác tại Đông Nam Á. Thành công này nhờ vào chiến lược kinh doanh độc đáo và sự am hiểu, hai yếu tố quan trọng giúp công ty tăng tỉ lệ chuyển đổi và đưa ra quyết định hiệu quả,” Cheng cho biết.
Không chỉ lợi nhuận, Carsome cũng sẽ duy trì việc gia tăng thị phần. Vào tháng 6.2023, Carsome đã huy động số vốn không tiết lộ giá trị từ các nhà đầu tư gồm 65 Equity Partners, công ty con của quỹ đầu tư quốc gia Singapore Temasek, quỹ đầu tư quốc gia Qatar (QIA) và quỹ đầu tư mạo hiểm Gobi partners có trụ sở tại Kuala Lumpur, Malaysia. Công ty cũng có khoản vay từ EvolutionX Debt Capital, một quỹ về nợ mạo hiểm do DBS và Temasek đồng sáng lập.
Eric Cheng cho biết Carsome đã huy động thành công 290 triệu USD trong vòng gọi vốn series E vào tháng 1.2022, định giá công ty ở mức 1,7 tỉ USD. Theo Cheng, khoản đầu tư mới nhất, nâng vị thế thanh khoản của Carsome lên khoảng 200 triệu USD, sẽ giúp công ty thực hiện nhiều kế hoạch tăng trưởng. Việc này bao gồm mở rộng dịch vụ tài chính, bảo hiểm và hậu mãi sang các thị trường khác ngoài Malaysia.
“Trong năm 2024, chúng tôi đặt mục tiêu duy trì đà tăng trưởng, nâng thị phần từ 3% lên 5% và chạm ngưỡng 10% trong những năm tiếp theo. Nhưng chúng tôi cũng cần giữ cho công ty có lãi để theo đuổi những mục tiêu này,” Cheng cho biết.
3 năm trước
Carro – siêu kỳ lân tương lai của Singapore?