Giá trị các thương vụ M&A trong nửa đầu năm 2022 tăng mạnh nhưng hoạt động mua bán sáp nhập được dự báo giảm nhiệt trong những tháng tới khi nhà đầu tư giảm niềm tin.
Theo nghiên cứu của EY, tổng giá trị các thương vụ giao dịch trong sáu tháng đầu năm 2022 tại Việt Nam đạt 4,97 tỉ USD, tương đương tổng giá trị giao dịch của cả năm 2021.
Ông Trần Vinh Dự, lãnh đạo bộ phận Chiến lược và Giao dịch tài chính EY Đông Dương trong báo cáo này nhận định, bất chấp những bất ổn trên thị trường vốn và thị trường nợ, giá trị đầu tư từ các quỹ tư nhân (PE) và quỹ mạo hiểm (VC) vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong sáu tháng 2022.
Trên quy mô toàn cầu, hoạt động M&A được đánh giá đã phục hồi tích cực với 2.274 thương vụ, đạt giá trị 2.020 tỉ USD, theo EY.
Nhìn riêng với các nhà đầu tư Nhật Bản, ông Masataka “Sam” Yoshida, giám đốc điều hành cấp cao kiêm giám đốc toàn cầu dịch vụ xuyên quốc gia của RECOF Corporation cho biết, các giao dịch đã được xúc tiến tích cực hơn so với năm 2021.
Việt Nam chỉ xếp sau Singapore về số thương vụ ở khu vực Đông Nam Á mà công ty Nhật Bản tiến hành M&A trong nửa đầu năm 2022. Theo đó, các nhà đầu tư Nhật Bản đã có 11 thương vụ tại Việt Nam, 18 giao dịch tại Singapore, số liệu được cập nhật trên website của RECOF Việt Nam.
“Nhiều giao dịch đã hoàn thành trong năm 2022 sau khi đã xúc tiến từ năm 2020 hoặc 2021 nhưng bị trì hoãn vì hạn chế đi lại do đại dịch,” ông Sam chia sẻ trong email với Forbes Việt Nam.
Bên cạnh yếu tố mở cửa biên giới thì động lực với các nhà đầu tư Nhật Bản là niềm tin kinh tế Việt Nam sẽ sớm phục hồi, các công ty đã thích nghi với trạng thái bình thường mới. Do vậy “họ đang tìm cách giải phóng vốn tích lũy”.
Trên toàn cầu, các công ty Nhật Bản đã thực hiện là 2.203 giao dịch, lập kỷ lục trong những năm gần đây với tổng giá trị đạt 56,742 tỉ USD.
Tuy nhiên, đại diện RECOF cũng cho rằng sự biến động trên thị trường tài chính, áp lực lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng và căng thẳng địa chính trị khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng.
Ông Trần Vinh Dự cho rằng, những yếu tố vĩ mô kể trên sẽ càng tác động đến tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư trong thời gian tới, có thể khiến hoạt động M&A giảm nhiệt. “Dù có nhiều lợi thế, Việt Nam khó tránh những ảnh hưởng tiêu cực khi vốn đầu tư từ các nước phát triển vào các thị trường mới nổi suy giảm, căng thẳng địa chính trị và lạm phát cao. Đây là những yếu tố làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam,” ông Dự nhận định.
Xét về lĩnh vực đầu tư, công nghệ vẫn là điểm thu hút. Tuy nhiên, hoạt động M&A ở lĩnh vực này chưa được như kỳ vọng khi chỉ có bốn thương vụ liên quan so với bảy giao dịch trong cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý trong số này là thương vụ OnPoint, đơn vị cung cấp các giải pháp thương mại điện tử tại Việt Nam, công bố gọi vốn thành công 50 triệu USD từ một quỹ đầu tư thành viên của Temasek Holdings. Đây là thương vụ gọi vốn tư nhân lớn trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển thương mại điện tử tại Đông Nam Á trong 5 năm qua.
Với các nhà đầu tư Nhật Bản, theo ông Sam, khẩu vị là bất động sản, tiêu dùng, dịch vụ tài chính, năng lượng và hậu cần. Các nhà đầu tư là các tập đoàn lớn với các công ty con hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau hiện chiếm ưu thế trong các thương vụ M&A và linh hoạt trong các điều khoản thỏa thuận, từ mua cổ phần thiểu số để đặt quan hệ đối tác chiến lược đến chi phối nhằm nhanh chóng phát triển sự hiện diện của họ trong thị trường.
Xem thêm:
Đàm phán online, tới Việt Nam, nhà đầu tư Nhật chấp nhận cách ly để sớm chốt deal
Dự báo M&A bùng nổ sau đại dịch COVID-19
Bệnh viện FV mua lại hệ thống phòng khám trị liệu ACC
CVS đánh bại Amazon để mua lại Signify Health
OnPoint đứng sau nhãn hàng
1 tuần trước
Thị trường M&A Nhật Bản tăng mạnh năm 20243 năm trước
Dự báo M&A bùng nổ sau đại dịch COVID-191 năm trước