Đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến nhiều doanh nghiệp, khiến trật tự trong từng lĩnh vực sẽ sắp xếp lại. Đây cũng là cơ hội cho các thương vụ M&A diễn ra sôi động hơn, doanh nghiệp cộng sinh để tiếp tục phát triển.
Đại dịch Covid-19 quét qua nền kinh tế cũng làm bộc lộ sự yếu kém của nhiều doanh nghiệp, áp lực tái cấu trúc được dự báo sẽ làm thay đổi chân dung doanh nghiệp Việt Nam. Chủ đề này được các chuyên gia kinh tế chia sẻ tại hội thảo “M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị” do báo Đầu tư và NovaGroup tổ chức sáng 15.10.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, “thời điểm hiện tại và trong vài năm tới là cơ hội thuận lợi cho các hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A)”. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào hoạt động M&A, không chỉ trông chờ vào các đối tác quốc tế như trước đây.
Ông Phan Đức Hiếu, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đồng tình, trong bối cảnh Covid-19, doanh nghiệp không thể gượng dậy theo cách thức cũ mà cần mạnh mẽ tái cấu trúc. M&A là một trong những công cụ có thể sử dụng.
Theo ông Hiếu, khuyến khích M&A theo hướng hợp tác cùng phát triển sẽ có tính bền vững hơn nhiều sự liên kết, liên doanh giữa một nhà sản xuất với một nhà cung cấp. Vì vậy, trong thời tới thể chế sẽ đưa ra các chủ trương, chính sách để định hình, thúc đẩy M&A theo hướng hợp tác, hình thành chuỗi mới, phát huy các điểm mạnh của các doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Ái, phó tổng giám đốc công ty KPMG Việt Nam cho biết, sau năm 2020 “tương đối nhàn” vì số thương vụ tư vấn M&A giảm đi đáng kể thì sang năm 2021, KPMG đã thực hiện thành công nhiều thương vụ qua hình thức trực tuyến. Đó là nhờ các nhà đầu tư nước ngoài đã có thể tự do đi lại, chuẩn bị nguồn lực, nguồn tiền cho chuẩn bị cho các hoạt động M&A. “Chúng tôi tin tưởng từ đầu năm 2022, khi đại dịch được kiểm soát, vaccine đầy đủ, hoạt động M&A sẽ có sự phát triển đột biến như lò xo nén và không có gì ngạc nhiên nếu giá trị tăng 100% so cùng kỳ 2021. Những năm 2023 và sau đó sẽ cất cánh”, ông Ái nhận định.
Ông Vũ Hữu Điền, giám đốc tư vấn đầu tư, công ty Dragon Capital Vietnam (DCVFM) cho biết, đại dịch Covid đã thúc đẩy hai xu hướng lớn là chuyển đổi số và tập trung kinh tế. Trong 18 tháng từ khi đại dịch bùng phát đến nay, Dragon Việt Nam đã làm được hơn 10 thương vụ bán cổ phần cho đối tác, nhiều hơn các năm trước đó. Các thương vụ diễn ra nhanh và có những giao dịch thực hiện qua online. Giá bán được chính Dragon giảm xuống, không còn phải là cao hơn 50% so với thị trường mà chỉ hơn 25 – 30% nên các nhà đầu tư mua ngay, sau nhiều năm đã quan sát.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thái Phiên, phó tổng giám đốc NovaGroup có những lý giải về xu hướng M&A trong thời gian tới. Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) sau những khó khăn về quy mô, khách hàng, sản phẩm, nhân sự, hệ thống… sẽ tính tới việc thay đổi chiến lược, từ bỏ mảng kinh doanh hiện hữu và hướng đến việc cộng sinh với các doanh nghiệp lớn hơn. Trong khi đó, các công ty lớn sau thời gian tích lũy tư bản thì bắt đầu thể hiện trách nhiệm xã hội trong việc tạo ra cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh hơn, đủ sức cạnh tranh. Họ sẽ không thể tự làm tất cả các ngành mà chỉ bơm vốn, đưa nhân sự vào để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. Ông này cho rằng, trong thị trường, các tập đoàn lớn sẽ là các con sếu đầu đàn dẫn dắt cuộc chơi và được hỗ trợ bởi hàng triệu doanh nghiệp SME.
Với xu hướng này, theo ông Ái, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đóng vai trò chính trên thị trường M&A năm 2022. Trong đó, các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan đang thể hiện mối quan tâm nhất. Ông Điền tin rằng, sẽ ngày càng có nhiều hơn các thương vụ doanh nghiệp Việt mua lại doanh nghiệp nước ngoài. Theo thống kê ông Hiếu dẫn ra thì nếu năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam là bên bị mua thì giai đoạn 2019 – 2020, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam đi mua đã chiếm khoảng 30% và hiện đã tăng lên 49%. 70% thương vụ M&A diễn ra ở trong nước và 30% diễn ra bên ngoài lãnh thổ.
Ông Hiếu cho biết, M&A toàn cầu có sự sụt giảm trong 6 tháng 2020 với tổng giao dịch 917 tỉ USD, nhưng 6 tháng cuối năm đã tăng trưởng lại rất nhanh khi được kiểm soát, đạt giá trị 2.200 tỉ USD. Trong năm 2021, giá trị M&A toàn cầu đạt khoảng 2.600 tỉ USD.
Thị trường Việt Nam cũng có những tác đông tương tự. Từ con số 7,2 tỉ USD của năm 2019, giá trị các thương vụ M&A cả năm 2020 chỉ còn 3,5 tỉ USD. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán năm nay giá trị thương vụ sẽ trở lại mức 4,5 tỉ USD và năm sau có thể quay lại con số trên 7 tỉ USD.
1 năm trước
Bain&Co chính thức gia nhập thị trường Việt Nam1 năm trước