Thị Trường

Indonesia dùng đất hiếm làm chìa khóa đàm phán thương mại với Mỹ?

19 giờ trước
Nguồn: Strait Times

Từ đầu tháng 7, Indonesia tăng cường đàm phán và vận động hành lang với Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp ký hợp đồng mua nhiều hàng hóa hơn. Chiến lược khoáng sản cũng được đưa ra, nhưng hiệu quả có vẻ chưa như mong muốn.

Trung Quốc vừa ngưng xuất khẩu nhiều khoáng sản quan trọng sang Mỹ - Ảnh: Scientifique-en-chef

Share
this:

Vài giờ sau khi Tổng thống Trump thông báo từ tháng 8 mức thuế với Indonesia là 32%, Bộ trưởng Kinh tế Airlangga Hartarto của xứ vạn đảo đã có mặt tại Washington để gặp giới chức chủ nhà.

Ông Airlangga nói họ sẽ tiếp tục đàm phán đến ngày 1.8, trước khi thuế mới có hiệu lực. Nền kinh tế số 1 Đông Nam Á đề nghị giảm thuế nhập khẩu với hàng Hoa Kỳ về gần 0%, nhất là nông sản và máy móc công nghiệp. Indonesia cũng mua thêm nhiều máy bay Boeing, khí đốt tự nhiên và tạo cơ hội cho doanh nghiệp Hoa Kỳ đến đầu tư khai thác khoáng sản hiếm, ví dụ đồng và niken.

Trung Quốc vừa ngưng xuất khẩu nhiều khoáng sản quan trọng sang Mỹ - Ảnh: Scientifique-en-chef
Đất hiếm có thể trở thành nhân tố mặc cả trong đàm phán thương mại Mỹ – Indonesia. Ảnh: Scientifique-en-chef

Theo giới phân tích, thuế mới của ông Trump với Indonesia được thúc đẩy bởi chiến lược kéo nhà sản xuất trở lại xứ cờ hoa. Thuế sẽ bù khoảng cách lương tối thiểu giữa Hoa Kỳ và các nước đang phát triển.

Tiến sĩ Nasir Tamara từ viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore lưu ý, Indonesia vừa gia nhập BRICS cũng ảnh hưởng đến quá trình thương lượng. Ông Trump từng cho rằng, BRICS là nhóm đi ngược lợi ích nước Mỹ, đe dọa tăng thêm 10% thuế với các thành viên.

Một quan chức chính phủ ở thủ đô Jakarta chia sẻ với Strait Times rằng, họ có kế hoạch đưa trữ lượng đất hiếm lớn chưa khai thác lên bàn thương lượng, nhằm giảm mức thuế 32% đang bị đe dọa. Đây là đề xuất quan trọng thứ 3 của Indonesia, và 20 ngày còn lại không phải nhiều.

Năm 2024, Hoa Kỳ thâm hụt thương mại 17,9 tỷ USD với Indonesia. Con số này ít hơn nhiều so với thâm hụt với Việt Nam (123 tỷ USD), Thái Lan (45,6 tỷ USD) và Malaysia (24,8 tỷ USD).

Trong các đề xuất mới, công ty Mỹ như Apple sẽ dễ bán sản phẩm ở Indonesia hơn. Trước đây xứ vạn đảo yêu cầu mọi sản phẩm phải đáp ứng tỷ lệ nội địa nhất định, mới được bán ngoài thị trường. Indonesia có trữ lượng niken lớn, dùng sản xuất pin xe điện. Công ty Mỹ được tạo điều kiện khai thác và tinh chế.

Theo giới quan sát, ngành công nghiệp đất hiếm của Indonesia khá non trẻ và chưa phát triển. Tuy nhiên tiềm năng rất cao và trữ lượng dồi dào.

Đất hiếm được sử dụng trong lĩnh vực công nghệ, cần thiết với gần như mọi sản phẩm từ quốc phòng, viễn thông, dân dụng đến hàng không vũ trụ.

Trung Quốc hiện chiếm 70% nguồn cung toàn cầu, sử dụng khoáng sản này như vũ khí hiệu quả trong đàm phán với Nhà Trắng.

Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu đất hiếm vào tháng 4. Đến tháng 6.2025, nhiều doanh nghiệp Mỹ và châu Âu không chịu nổi, lên tiếng kêu gọi chính phủ hành động khẩn cấp để nối lại nguồn cung. Đây là lý do Mỹ – Trung nhanh chóng đạt được thỏa thuận khung vào tháng 6 vừa qua. Trung Quốc đồng ý xuất khẩu đất hiếm bình thường, đổi lại Hoa Kỳ dỡ bỏ hạn chế bán chip, động cơ phản lực và linh kiện hàng không vũ trụ.

(Biên dịch: NVP)