Bà Claudia Goldin, giáo sư đại học Harvard, được trao giải Nobel kinh tế nhờ nghiên cứu những tác động đến người phụ nữ tại nơi làm việc.
Bà là người phụ nữ thứ ba trong lịch sử đoạt giải Nobel kinh tế. Trước đây, có 2 phụ nữ từng giành giải là bà Elinor Ostrom vào năm 2009 và bà Esther Duflo vào năm 2019.
Ủy ban trao giải Nobel cho biết nghiên cứu của bà Goldin giúp “chúng tôi hiểu rõ hơn về mức lương cũng như tỉ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động.” Sau khi phân tích dữ liệu về lao động ở Hoa Kỳ trong hơn 200 năm, kết quả nghiên cứu chỉ ra một số quan niệm sai lầm về sự chênh lệch lương theo giới và khả năng tham gia thị trường lao động của phụ nữ.
Tại Hoa Kỳ, phụ nữ chỉ kiếm khoảng 82 xu trong khi nam giới kiếm 1 USD. Bà Goldin nhận thấy rằng sự khác biệt về trình độ học vấn và lựa chọn nghề nghiệp có thể là nguyên nhân dẫn đến chênh lệch thu nhập theo giới trong thời gian trước.
Tuy nhiên gần đây, sự chênh lệch này xảy ra trong cùng một nghề. Điều đó có nghĩa khi phụ nữ và nam giới làm cùng một công việc, nam giới được trả lương cao hơn. Vì vậy, trình độ học vấn và lựa chọn nghề nghiệp không hoàn toàn là nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ.
Thay vào đó, thời gian nghỉ thai sản chính là một phần nguyên nhân. Trong đề tài nghiên cứu do các sinh viên theo học chương trình quản trị kinh doanh, bà Goldin và một đồng nghiệp cùng thực hiện, nam giới có thu nhập cao hơn phụ nữ sau 10 năm tốt nghiệp. Sự chênh lệch chủ yếu liên quan đến thời gian gián đoạn và giờ làm việc mỗi tuần giảm sau khi sinh con.
Ngay cả khi phụ nữ không giảm giờ làm sau sinh con, họ vẫn khó có thu nhập bằng nam giới. Trong nghiên cứu, Goldin giải thích: “Giống như quá trình leo núi, phụ nữ giảm tốc độ, giờ làm việc và thỉnh thoảng nghỉ một khoảng thời gian hoặc chuyển sang công việc cũng như công ty có thời gian làm việc ít hơn để chăm sóc con sau sinh.”
“Nhưng đến thời điểm nhu cầu chăm sóc con giảm, phụ nữ làm việc nhiều giờ hơn và đảm nhận những vị trí đầy thử thách trong sự nghiệp,” bà nói. “Chúng ta có thể liên tưởng đến khoảnh khắc những người mẹ leo lên tới đỉnh rồi chạy xuống phía bên kia đồi núi. Tuy nhiên ngay cả khi họ làm việc nhiều giờ hơn, họ vẫn không bao giờ có thu nhập bằng nam giới.”
Nghiên cứu cũng cho thấy nhiều phụ nữ dùng thuốc tránh thai để không bị việc sinh con ảnh hưởng đến con đường phát triển sự nghiệp. Ngày càng có nhiều phụ nữ kết hôn muộn và theo học các chương trình nâng cao trình độ chuyên môn. Nghiên cứu còn chỉ ra rằng định kiến giới góp phần dẫn đến chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ.
Tuy nhiên, bà Goldin nổi tiếng với những quan điểm về sự tiến bộ của phụ nữ. “Cách đây không lâu, nhiều phụ nữ bị sa thải hoặc giáng chức do kết hôn, mang thai, có con hoặc sắp sinh con. Họ bị từ chối mở thẻ tín dụng và cho vay thế chấp nên buộc phải ghi tên chồng trên thẻ tín dụng.”
“Cơ quan thuế, hệ thống an sinh xã hội, và những quy định nghỉ hưu của chính phủ liên bang lẫn quân đội đối xử bất bình đẳng giữa nam và nữ. Nhiều công việc chỉ tuyển dụng nam,” bà viết trong bài báo được đăng trên trang web của cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia trong tháng 10.
Trong bài báo đó, bà Goldin chỉ ra sự tan rã của phong trào phụ nữ vào những năm 1970 là trở ngại cho sự tiến bộ của phụ nữ. Phong trào nữ quyền tại thời điểm đó không chống lại bất bình đẳng thu nhập.
Nhờ trình độ chuyên môn cao, bà Goldin thường được giao những nhiệm vụ đầy thách thức mà phụ nữ thường gặp phải ở nơi làm việc. Năm 1990, bà đã vượt qua nhiều trở ngại để trở thành nữ giảng viên cơ hữu đầu tiên tại khoa kinh tế của đại học Harvard.
Trong suốt thời gian đó, hiệu trưởng đại học Harvard, Larry Summers, cho rằng phân biệt giới có thể là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ nữ giới trong các ngành khoa học và toán học thấp. Thậm chí tỉ lệ nam giới trong các ngành kinh tế hiện vẫn cao. Trong 51 giảng viên kinh tế tại đại học Harvard, chỉ có 7 giảng viên nữ.
Bà Goldin đoạt giải Nobel nhờ sự xuất sắc trong lĩnh vực kinh tế vốn do nam giới thống trị cùng với nghiên cứu đột phá về sự tiến bộ của phụ nữ tại nơi làm việc. Năm nay, nhiều người đoạt giải Nobel tập trung giải quyết những vấn đề của phụ nữ.
Ngoài Goldin, nhà hoạt động nhân quyền Narges Mohammadi giành giải Nobel Hòa bình năm nay “vì sự nghiệp đấu tranh chống lại sự áp bức phụ nữ ở Iran, thúc đẩy nhân quyền và tự do cho mọi người.”
Biên dịch: Gia Nhi
———————-
Xem thêm:
Forbes vinh danh 20 nữ doanh nhân quyền lực ở châu Á
Lisa Su, người phụ nữ lập kỳ tích cho hãng chip AMD