Ông trùm giáo dục Trung Quốc Michael Minhong Yu giành lại vị trí tỉ phú trong năm nay nhờ bán hàng livestream.
Michael Minhong Yu, người sáng lập công ty cung cấp dịch vụ gia sư New Oriental Education ở Trung Quốc, lọt vào danh sách xếp hạng tỉ phú trên thế giới một lần nữa sau một năm chính phủ nước này thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt lĩnh vực giáo dục tư nhân, làm suy yếu lĩnh vực từng phát triển và khiến khối tài sản ròng của các ông trùm giáo dục bị thổi bay hàng chục tỉ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, thành công giúp người đàn ông 60 tuổi lọt vào danh sách tỉ phú lần này không phải là nhờ vào hoạt động kinh doanh giáo dục. Nỗ lực để kiếm thêm thu nhập sau khi các nhà quản lý bắt buộc tất cả các công ty gia sư dạy thêm các môn học sau giờ học trở thành tổ chức phi lợi nhuận vào năm ngoái, Yu đã chuyển sang thực hiện những chương trình bán hàng trực tiếp qua mạng xã hội.
Vị doanh nhân này, cùng với một số giáo viên tiếng Anh cũ của mình, hiện đang livestream (phát video trực tiếp trên mạng xã hội) bán nhiều loại hàng hóa như thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu hàng ngày khác. Khi số lượng người xem đột ngột cao, kéo theo doanh số bán hàng tăng lên và làm cho giá cổ phiếu của New Oriental được niêm yết tại Hong Kong tăng hơn 80% so với mức giá thấp trong tháng Năm.
Yu, sở hữu 11,6% cổ phần của công ty, hiện trị giá 1,1 tỉ USD, theo danh sách Tỉ phú theo thời gian thực. Tài sản của ông cũng bao gồm cổ tức được chi trả bằng cổ phiếu và khoản tiền thu được trước đó từ việc bán cổ phiếu của New Oriental.
Chương trình bán hàng của công ty thu hút người xem nhờ vào một nét độc đáo. Sau khởi đầu tẻ nhạt, những người tổ chức chương trình phát trực tiếp kết hợp dạy tiếng Anh trong lúc bán hàng. Bắt đầu từ tuần trước, các cựu giáo viên tiếng Anh thường kéo bảng trắng ra để dạy cho người xem từ vựng liên quan đến hàng hóa đang quảng cáo. Ví dụ, người dẫn chương trình viết các cụm từ như “dễ nấu” và “thực phẩm chức năng” trên bảng trong khi quảng cáo về lợi ích sức khỏe của một loại bí ngô mới.
“Các giáo viên bán hàng rất giỏi!” khách hàng nhận xét trên Sina Weibo của Trung Quốc giống như Twitter. “Họ nói rất lưu loát và rõ ràng. Thậm chí tôi ghi chú được những từ tiếng Anh mới trong khi xem.”
Nhưng Kenny Ng, chuyên gia phân tích chiến lược chứng khoán của Everbright Securities International ở Hong Kong, khuyến cáo cần thận trọng. Trong lĩnh vực thương mại điện tử siêu cạnh tranh ở Trung Quốc, vẫn còn phải xem liệu New Oriental có thể duy trì đà tăng trưởng hiện tại hay không.
Theo nhà cung cấp dữ liệu Huitun tại Hàng Châu, chuyên cập nhật xu hướng phát triển thương mại điện tử phát trực tiếp, công ty bán được khối lượng hàng hóa trị giá gần 68,8 triệu CNY (10,3 triệu USD) vào ngày 16.6, tăng gần 20 lần so với 600.000 USD trong ngày 9.6, ngày đầu tiên thử nghiệm dạy tiếng Anh trong khi bán hàng.
“Còn quá sớm để nói rằng New Oriental đạt được thành công sau khi chuyển đổi hoạt động kinh doanh,” Ng nói. “Cần có thời gian để chứng minh lượng người xem tăng mạnh sẽ giúp công ty cải thiện doanh thu.”
New Oriental từ chối bình luận liệu livestream có phải là chiến lược lâu dài của công ty không. Trên thực tế, công ty vẫn đang chịu lỗ lớn. Công ty niêm yết tại New York lẫn Hong Kong báo lỗ 122,4 triệu USD trong quý tài chính thứ ba kết thúc vào tháng 2, trái ngược hoàn toàn so với khoản lợi nhuận 151,3 triệu USD trong cùng kỳ năm trước.
Công ty gần như giảm một nửa doanh thu do công ty không còn có thể cung cấp các buổi dạy kèm theo ý muốn. Đầu năm nay, New Oriental thông báo sa thải 60.000 nhân viên. Ngoài ra, cổ phiếu của công ty giao dịch tại Hong Kong vẫn ở mức thấp hơn so với giá cao 151,5 HKD lập đỉnh hồi đầu năm ngoái.
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
GoStudent huy động 340 triệu USD để tiến vào thị trường Mỹ
Ứng dụng giáo dục Byju’s phát triển trong giai đoạn bình thường mới
Định giá của Fenbi giảm, giáo dục trực tuyến của Trung Quốc tiếp tục gặp thử thách
Startup công nghệ giáo dục MindX huy động 3 triệu USD vòng series A
2 năm trước
Nhà sáng lập Haidilao Trương Dũng từ chức CEO