Thị Trường

Chuỗi sản xuất của Việt Nam bị đe dọa đứt gãy do COVID-19

3 năm trước
Tác giả Minh Thiên

Đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư tại các tỉnh thành phía Nam khiến vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu bị lung lay.

Cang Cai Mep

Share
this:

Đại dịch COVID-19 bùng phát khiến chuỗi sản xuất toàn cầu dịch chuyển về Việt Nam. Thế nhưng, mắt xích Việt Nam đang bị đe dọa đứt gãy nếu việc sản xuất của doanh nghiệp không được đảm bảo. Mối lo này được các doanh nghiệp nêu ra tại hội thảo trực tuyến về Đảm bảo hàng hóa thông qua cảng chiều ngày 10.8.2021.

Ông Trương Tấn Lộc, giám đốc marketing tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết trong tháng 5 và tháng 6.2021, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia Đông Nam Á hưởng lợi khi một phần khu vực cảng Yantian, một trong những cảng quan trọng nhất của vùng kinh tế Thẩm Quyến ngưng hoạt động do COVID-19 và thời tiết xấu khiến chuỗi sản xuất thế giới dịch chuyển sang Ấn Độ.

Sau đó, COVID-19 bùng phát ở Ấn Độ, chuỗi sản xuất quay ngược lại Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Nhờ vậy, tháng 5.2021 và tháng 6.2021, sản lượng vận chuyển hàng xuất nhập khẩu tại hai khu vực cảng lớn nhất phía Nam là cảng Cái Mép và Cát Lái đã tăng gần 40% và 20% so với cùng kỳ 2020.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư tại các tỉnh thành phía Nam khiến vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu bị lung lay. Ông Lộc trích dẫn số liệu từ hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), 49% doanh nghiệp trong HAWA bị tác động do COVID-19. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, các doanh nghiệp dệt may chỉ hoạt động với khoảng 50% công suất.

70% doanh nghiệp trong hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam phải tạm ngưng sản xuất hoặc hoạt động cầm chừng do COVID-19.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) thống kê, 37% doanh nghiệp không đủ mặt bằng kinh doanh và 25% doanh nghiệp không đủ nguyên liệu đầu vào. Tương tự, 70% doanh nghiệp trong hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam phải tạm ngưng sản xuất hoặc hoạt động cầm chừng do chưa đáp ứng được yêu cầu “ba tại chỗ”.

“Chuỗi cung ứng toàn cầu đang gặp rất nhiều biến động,” ông Lộc nhận xét. Khi nguồn hàng bị biến động, một số hãng tàu quốc tế bỏ chuyến. Tại Cát Lái, nơi chiếm 86% sản lượng container xuất nhập khẩu của khu vực cảng TP.HCM, từ cuối tháng 5 đến ngày 4.8.2021 có 104 chuyến tàu bỏ chuyến. Tại Tân Cảng Cái Mép (TCIT) có 12 chuyến tàu bị bỏ chuyến, theo công ty.

Ông Lộc giải thích, nguồn hàng từ các địa phương sản xuất chính cho xuất khẩu như TP.HCM, Tây Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, TP.HCM bị giảm năng lực sản xuất là một lý do. Ông nhấn mạnh: “Nếu mắt xích sản xuất này giảm hoặc ngưng chắc chắn ảnh hưởng dây chuyển tới hoạt động của các kho ngoại quan và cảng”.

Tại hội thảo, ông Lộc kêu gọi các hãng tàu bắt tay để hàng hóa không bị chuyển dịch từ Việt Nam đi các quốc gia khác. Hiện tại, Cát Lái đã kết nối các hãng tàu với cảng Cái Mép và phối hợp với các sở Giao thông Vận tải cấp mã QR luồng xanh cho hơn 18.000 phương tiện vận chuyển đảm bảo chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu.