Khi CEO Tony Hsieh của công ty Zappos qua đời ở tuổi 46 vào năm 2020 sau một vụ hỏa hoạn bí ẩn, Forbes đã tiết lộ rằng sự việc có liên quan đến ma túy. Nhưng quá trình tự hủy hoại của ông đã thể hiện rõ từ vài tháng trước đó, trong cộng đồng không tưởng mà ông cố gắng xây dựng ở Park City, Utah. Trong giai đoạn kỳ lạ này, Hsieh đã chi trả hàng triệu đô la Mỹ cho một nhóm người xu nịnh, với niềm tin vô vọng rằng điều đó có thể mang lại cho ông hạnh phúc trong những tuần cuối cùng của cuộc đời.
Sau khi Tony trải qua giai đoạn hưng cảm và nhập viện vào tháng 6.2020, cha mẹ ông đã đến thị trấn cùng hai em trai Dave và Andy. Dẫu vậy, Tony dành rất ít thời gian cho họ và nhờ bạn bè cố gắng giúp ông không bao giờ phải ở một mình với họ.
Trong những khoảnh khắc Hsieh dành cho gia đình, ông khiến họ phải chật vật để trò chuyện với mình. Khi ở cùng mẹ Judy, ông nói mình sẽ trò chuyện với bà nếu bà cư xử như người bạn. Nếu bà hành xử bề trên, ông sẽ không kể gì cho bà nghe.
Sau khi Judy nói với Tony rằng ông cần gặp bác sĩ trị liệu, ông bảo sẽ đồng ý, với điều kiện mỗi phút ông trị liệu, bà sẽ phải ngâm trong bồn nước đá. Khi bà nói thêm lần nữa về việc ông đang gặp vấn đề nghiêm trọng, rất cần phải trị liệu, Tony đã tức giận ra khỏi nhà.
Andy đã cân nhắc hai lần trước khi cả gia đình thực sự rời đi. Dù xa cách nhiều năm, nhưng khi gặp nhiều người mới, anh thấy hứng khởi, muốn ở lại Park City và để ý đến Tony.
Mười ngày sau, anh quay lại và nhanh chóng nhận ra rằng mình vừa bước vào một thế giới mà mọi người đều tranh nhau tiền của anh mình, bằng những dự án vô nghĩa và họ sống trong những ngôi nhà mà sẽ không bao giờ có thể mua được nếu không làm như vậy.
Có một quy tắc đã trở thành nguồn cơn của nhiều cách hành xử đáng ngại trong Park City: Đừng bao giờ nói với Tony rằng bạn lo lắng về cách hành xử của ông. Làm như vậy có nghĩa là bạn có thể bị hình phạt “vạ tuyệt thông” vì đã vi phạm trầm trọng quy định.
Andy nghĩ ra giải pháp mời những người mà anh có thể tin tưởng đến để trông chừng Tony. Tình cờ, Andy biết rằng anh trai mình từng muốn làm việc với người bạn lâu năm tên là Lee. Đó là người dẫn dắt các khoản vay Wells Fargo của Zappos vào năm 2003 khi công ty sắp phá sản.
Sau đó, Lee đã làm việc tại một số ngân hàng nhỏ hơn trước khi định cư ở Texas để quản lý tài chính của gia đình Bass, gia tộc dầu mỏ trị giá hơn năm tỉ đô la Mỹ. Lee và Andy vẫn là bạn thân trong nhiều năm; Andy từng mời Lee làm phù rể trong đám cưới của anh (lễ cưới không diễn ra).
Vào thời điểm việc chi tiêu của anh trai anh vượt khỏi tầm kiểm soát, Andy nghĩ việc gia đình có người quen là nhà quản lý tài chính chuyên nghiệp sẽ giúp họ thuận lợi tiến hành một số hoạt động thẩm định.
Lee cảm thấy do dự khi phải từ bỏ cuộc sống ở Texas và công việc thoải mái của mình để tham gia thế giới cuồng nhiệt của Tony Hsieh, nhưng ông đồng ý gặp mặt.
Trong bữa tối cuối tháng bảy tại một nhà hàng trên phố Main, Hsieh nói với Lee rằng mình đang biến Park City thành một cộng đồng tương tự như cộng đồng mà ông đã xây dựng ở trung tâm thành phố Las Vegas vài năm trước đó, nhưng tốt đẹp hơn.
Lee sẽ giám sát về phương diện tài chính trong các dự án kinh doanh của Park City. Như đã làm với những người khác, Hsieh đề nghị trả gấp đôi mức lương hiện tại của Lee, nghĩa là ông sẽ kiếm được 1,5 triệu đô la Mỹ một năm.
Cảm nhận được sự do dự của Lee, Hsieh quay sang một trong những người có mặt tại bữa tối và nói nếu thuyết phục được Lee ở lại, anh này sẽ nhận được 10% hoa hồng, tương đương 150 ngàn đô la Mỹ.
Sau bữa tối, Andy kéo Lee sang một bên. Anh giải thích rằng có nhiều lý do để chuyển đến Park City. Nếu Lee giám sát tài chính, ông cũng có thể giúp Andy loại bỏ những người đang lợi dụng anh trai mình.
Andy đưa ra lời mời đó trong tâm trạng cấp bách, vì tiền đã bị rút khỏi tài khoản của Tony trong nhiều tháng nay. Mọi người chỉ chăm chăm bòn rút tiền từ Tony, một người đang ngày càng xa rời thực tế do sử dụng ma túy quá liều và có các hành vi thất thường.
Dường như có rất ít người nhận thức được rằng họ đang ký kết “thỏa thuận với quỷ dữ” – khi Hsieh tìm thấy niềm đam mê mang tính hủy diệt khác.
Trong nhiều tuần sau khi xuất viện, Hsieh tập trung nghiên cứu về thay đổi cơ chế sinh học để gia tăng năng lực cá nhân của mình. Ông tin rằng hít khí oxit nitơ (N20) là cách để tăng nồng độ oxy trong máu và loại bỏ nhu cầu ngủ.
N20 được biết đến rộng rãi với tên gọi “khí gây cười,” sử dụng tại các phòng khám nha khoa, và có bán trên thị trường dưới dạng vật dụng nhà bếp hằng ngày: các ống khí nằm trong máy đánh kem, được gọi là WhipIt.
Mặc dù hít khí cười là bất hợp pháp, nhưng chuyện này đã phổ biến suốt hàng chục năm qua đối với các thanh thiếu niên không đủ tuổi mua rượu và những người tham dự tiệc tùng cần hưng phấn nhanh và ít tiền.
Nhưng như thế thì bộ não phải xử lý rất nhiều. Sử dụng oxit nitơ quá mức có thể dẫn đến tổn thương não và một số thanh thiếu niên đã chết vì ngạt hóa chất. Ngoài thuốc lá, Hsieh còn hít những hộp WhipIt giống như uống nước. Ước tính, ông đã sử dụng hơn 50 ống khí mỗi ngày.
Việc hít khí N20 gần như liên tục khiến ông có những hành vi kỳ lạ. Một lần, ông giẫm phải thủy tinh bị đứt chân rồi đi quanh trang trại của Park City và để lại những vệt máu trên sàn. Ông nói các dấu vết đó sẽ giúp tìm ra ông dễ hơn. Lần khác, ông nhịn ăn và uống nước để không cần đi vệ sinh. Dần dần, ngoại hình của ông thay đổi và cân nặng giảm xuống dưới 45kg.
Chứng hoang tưởng cũng xuất hiện. Vào một buổi sáng, Hsieh tin chắc rằng giám đốc điều hành của Zappos tên là Tyler Williams ở trong thị trấn đang cố gắng can thiệp vào mọi việc. Nỗi sợ hãi đã thôi thúc ông thuê một đội bảo vệ mặc đồ đen để tạo thành hàng rào bằng người thật xung quanh trang trại. Những khách đến gặp Hsieh gặp phải bảo vệ ở tứ phía, như thể họ đang bước vào một khu vực kiên cố.
Ban đầu, người ta còn nhìn thấy Hsieh vào giờ ăn và ông tổ chức các cuộc họp ở nhiều phòng khác nhau tại trang trại để thảo luận về loạt dự án mà nhân viên đưa ra. Dần dà, ông ở trong phòng ngủ nhiều hơn và họp khi ngồi trên giường, xung quanh là ống đựng N20.
“Căn phòng của anh ấy trông giống như một nơi trú ẩn dành cho người vô gia cư,” em trai Andy kể lại. “Có phân trên mặt đất. Cây trong nhà vệ sinh. Kính vỡ, đĩa vỡ khắp mặt đất. Thức ăn ôi thiu dưới gầm giường, ở trên tường… thật kinh tởm.”
Quá trình Hsieh nghiện ngập khí N20 bắt đầu vào thời điểm mọi người tìm thấy được cách mới để moi tiền của ông và Hsieh dường như rất sẵn lòng tiêu xài hoang phí, với kế hoạch khuyến khích vô nghĩa mà ông nghĩ ra, mang tên 10X.
Phiên bản đầu tiên của 10X ra mắt với mục tiêu cao cả: giúp Park City mở cửa trở lại giữa đại dịch. Kế hoạch của dự án là dạo quanh trung tâm thành phố và bán thẻ thành viên trị giá 10 đô la Mỹ cho mọi người, cấp cho họ thẻ ăn uống thoải mái ở các nhà hàng địa phương; những người tham gia được tặng áo thun và hàng hóa có logo 10X.
Nghe có vẻ giống mục đích từ thiện, vì dự án này không mang ý nghĩa về mặt tài chính, nhưng bang Utah gặp rắc rối với việc bán đồ uống theo kiểu buffet trên toàn bộ thị trấn và dừng dự án này sau tuần thứ hai.
Tuy nhiên triết lý của 10X vẫn tồn tại và chuyển thành một thứ khác vào mùa hè, khi Hsieh bắt đầu yêu cầu mọi thứ phải đạt kết quả theo bội số của mười: nhanh hơn mười lần, lớn hơn mười lần, gấp mười lần.
Ngoài việc cung cấp cho những người mới đến các ưu đãi như lương cao gấp đôi mức mong muốn, ông còn thề rằng bất kỳ ai tiêu tiền của ông sẽ được hưởng 10% hoa hồng trên số tiền họ đã chi tiêu. Ví dụ nếu ai đó đặt trước một nhà hàng và chi một ngàn đô la Mỹ để ăn uống phủ phê, họ sẽ kiếm được 100 đô la Mỹ.
Nếu họ lôi kéo được ai đó đến sống ở Park City, họ sẽ hưởng 10% hoa hồng trên mức lương hằng năm của người đó. Và nếu ai đó có thể tìm được một hợp đồng bất động sản và chi một triệu đô la Mỹ mua bất động sản đó, thì người ấy sẽ kiếm được 100 ngàn đô la Mỹ.
Lúc bấy giờ, Tony Lee đảm nhận vai trò giám sát tài chính và quan sát kỹ khi tiền rời khỏi tài khoản ngân hàng của người bạn cũ. Thay vì chú tâm đến biểu đồ hiệu suất cổ phiếu thông thường như khi làm cho gia đình Bass, Lee chuyển sang các biên lai đầu tư vàng và bất động sản, khinh khí cầu và các đề xuất cho các công ty tổ chức du lịch bằng trực thăng.
Lee cũng chứng kiến những kẻ trục lợi tiền của Hsieh bắt đầu tranh giành nhau, thường là do bị chương trình 10X kích thích. Ví dụ, trợ lý cá nhân lâu năm của Hsieh, Mimi Pham, trong những năm gần đây đã được Hsieh trả mức lương cố định chín ngàn đô la Mỹ/tháng, ngoài chi phí đi lại.
Nhưng sau khi chương trình Park City bắt đầu, cô đã thương lượng để tăng lương thành 30 ngàn đô la Mỹ/tháng. Thu nhập này rất nhanh trở thành con số nhỏ so với khoản tiền hoa hồng mà cô kiếm được từ 10X.
Tổng cộng, thông qua một công ty trách nhiệm hữu hạn do cô kiểm soát, Pham đã gửi cho 10X các hóa đơn lên tới hơn 20 triệu đô la Mỹ. Có trường hợp, cô “quản lý” một nhà thầu được trả 83.333,33 đô la Mỹ/tháng để “hỗ trợ và quản lý các dự án khác nhau” – cô nhận hoa hồng 8.333 đô la Mỹ mỗi khi anh này được thanh toán.
Khi Hsieh mua một đội xe buýt và yêu cầu Pham trang bị thêm cho xe với chi phí 3,7 triệu đô la Mỹ, cô đã lấy 10% phí. Tiếp đó là thương vụ mua lại câu lạc bộ Big Moose Yacht trị giá bảy triệu đô la Mỹ, không gian tổ chức sự kiện ở vị trí đắc địa ngay dưới chân đồi trượt tuyết của Park City, mang lại cho cô khoản hoa hồng 700 ngàn đô la Mỹ.
Nói chung, cơ chế khuyến khích của Hsieh đang hoạt động theo đúng những gì ông hình dung; mọi người đang ganh đua để thực hiện mọi ý thích của ông. Khi ông có ý tưởng thành lập một xưởng phim chuyên sản xuất phim tài liệu, Pham đã nhận dự án này.
Trên một mảnh giấy ghi chú, cô và Hsieh viết các điều khoản của hợp đồng thành lập một công ty trách nhiệm hữu hạn (LLC) với số tiền 10 triệu đô la Mỹ để tài trợ cho các dự án phim tài liệu do hãng phim mang tên XTR sản xuất. LLC sẽ chịu sự quản lý của Hsieh, Pham và bạn trai của cô, Roberto Grande, cựu luật sư và nhà sản xuất phim đầy tham vọng.
Theo thỏa thuận, Pham và Grande được hưởng 55% lợi nhuận từ liên doanh này, dù họ không tự bỏ tiền túi ra. Và theo quy định của 10X, Grande sẽ được hưởng khoản hoa hồng trị giá một triệu đô la Mỹ để thành lập LLC. Sau đó Pham còn lấy thêm của Hsieh 10% phí thuê luật sư để thu xếp khoản thanh toán hoa hồng một triệu đô la Mỹ cho Grande.
Hai tháng sau, Grande nói với XTR rằng Hsieh đã phê duyệt thêm 7,5 triệu đô la Mỹ cho liên doanh này. Không rõ liệu số tiền này có được chuyển khoản hay không, nhưng ngay sau đó, các luật sư soạn thảo các điều khoản để thanh toán hoa hồng một triệu đô la Mỹ cho anh này đã sửa đổi hợp đồng, biến con số đó thành 1,75 triệu đô la Mỹ.
Những nỗ lực của Pham thường đối lập với Suzie Baleson, một người bạn của Hsieh, từng tham dự các sự kiện với ông trong vai trò cộng sự và hiện giám sát nhiều hoạt động trong thế giới Park City.
Có lúc, Pham còn đưa ra đề xuất “hình phạt Suzie” và được Hsieh chấp nhận – cứ mỗi ngày Baleson xuất hiện tại một trong những bất động sản của ông, Pham sẽ phạt ông 30 ngàn đô la Mỹ.
Nghe có vẻ thái quá, nhưng Hsieh đã bị phạt đến 1,83 triệu đô la Mỹ theo hình phạt này và cũng nhận được hóa đơn từ Grande. Cuối cùng ông phải trả 420 ngàn đô la Mỹ.
Một người khác mà Pham có vẻ thù hận là Andy Hsieh. Đầu năm, Tony gặp Paula Abdul và muốn mời bà đến Park City để biểu diễn – bà có thời gian rảnh rỗi vì các chuyến lưu diễn đã bị hủy do đại dịch.
Vì vậy, Hsieh đề xuất rằng Abdul sẽ biểu diễn 180 buổi tại một địa điểm tổ chức sự kiện địa phương có tên là Yellowstone với hợp đồng trị giá chín triệu đô la Mỹ.
Bất cứ ai có thể chốt giao dịch này sẽ nhận được khoản hoa hồng 900 ngàn đô la Mỹ. Andy tuyên bố rằng anh đã dàn xếp thỏa thuận, trong khi Pham nói rằng trên thực tế, cô là người được hưởng hoa hồng. Nhưng giao dịch này không thành công.
Ngoài ra, Andy và Pham còn tranh nhau thuyết phục Tony về người được hưởng 10% hoa hồng cho trang trại trị giá 15 triệu đô la Mỹ mà ông đang sống.
Trong những tháng điên cuồng cuối cùng trước khi Hsieh qua đời vì hỏa hoạn trong nhà kho (xung quanh đầy ống đựng oxit nitơ, nến và bình khí propane), Andy cũng đã cố gắng kêu gọi sự ủng hộ từ những người khác tham gia các giao dịch liên quan tới tiền của anh trai mình.
Có lần, anh thúc giục một người bạn khác, Janice Lopez, thuyết phục Hsieh đầu tư 10 triệu đô la Mỹ vào một tổ chức sở hữu công ty rượu tequila, cuối cùng đề nghị cô này đòi 50 triệu đô la Mỹ cho liên doanh. Nhưng Lopez đã từ chối và thương vụ chẳng đi đến đâu.
Về phần mình, ban đầu dường như Tony Lee khuyến khích Andy tận dụng các khoản hoa hồng 10X. “Hoan nghênh em làm người môi giới hợp đồng cho anh,” Lee gửi tin nhắn cho Andy, đề cập đến hợp đồng tiền lương của ông. “Đi nói chuyện với anh ấy đi.”
“Vậy được, em sẽ nói chuyện với anh ấy,” Andy trả lời. “Hãy nói với anh ấy rằng em là người môi giới của anh.”
Lee có vẻ phấn khích. “Em phải lấy hoa hồng ngay và thuyết phục được anh ấy. :)) hi vọng tony trả tiền cho em.”
“Em sẽ thuyết phục Tony! Còn anh thuyết phục anh ấy rằng em là người môi giới của anh :),” Andy trả lời.
“Con số của anh càng cao, bất kể là 1,4 hay 1,5 triệu đô la Mỹ, em sẽ nhận được hoa hồng càng lớn hơn. Đi chiến đấu cho anh ngay. :))”
“Giành chiến thắng nào!” Andy nhắn lại. “Chủ yếu là thấy hứng khởi vì anh ở đây và chúng ta có thể đi chơi với nhau.”
Về sau, Lee tuyên bố rằng ông không biết Hsieh bị bệnh như thế nào cho đến khi ông quyết định nhận vai trò đó. Sau khi bắt đầu làm việc, ông nhanh chóng thấy nản với Andy và tin rằng anh đang tìm cách lợi dụng anh trai mình hơn là bảo vệ anh mình.
Lee cho biết, có lần Andy yêu cầu ông chuyển 100 triệu đô la Mỹ vào một tài khoản mà anh kiểm soát, để dành cho việc “nghỉ hưu” của Tony, nhưng ông đã từ chối. Andy bác bỏ thông tin này.
Những nỗ lực của Andy nhằm lấy được khoản hoa hồng 10% trên lương của Lee, trị giá hơn một trăm ngàn đô la Mỹ, đã thất bại khi chính Tony từ chối lời đề nghị.
Tuy nhiên, điều đó dường như không thành vấn đề vì Andy đã thương lượng được hợp đồng lương của chính mình với anh trai – ở mức một triệu đô la Mỹ một năm.
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43