Thị Trường

Các nước quan sát đàm phán Mỹ – Nhật để hoạch định chiến lược riêng?

13 giờ trước
Tác giả Gearoid Reidy

Phái đoàn quan chức Nhật Bản đã đến Washington, để đàm phán vấn đề thuế. Nhật Bản được cho là có quan hệ kinh tế đôi bên cùng có lợi chặt chẽ với Mỹ.

Tổng thống Trump (trái) và Thủ tướng Ishiba - Ảnh: Asia Times

Share
this:

Mỹ – Nhật là đồng minh cần nhau trên rất nhiều lĩnh vực. Xứ hoa anh đào còn là nhà đầu tư lớn nhất vào nền kinh tế số 1 thế giới. Do đó, nếu Nhật Bản không thể đạt thỏa thuận hài hòa với Mỹ, thì những quốc gia khác sẽ có ít cơ hội.

Ông Ryosei Akazawa, Bộ trưởng phụ trách phục hồi kinh tế, cũng là đồng minh lâu năm của Thủ tướng Shigeru Ishiba, là người dẫn đầu phái đoàn Nhật. Ông cho biết mục tiêu cuối cùng là hiệp định 2 bên cùng có lợi, cùng thúc đẩy mối quan tâm song phương.

Tổng thống Trump (trái) và Thủ tướng Ishiba - Ảnh: Asia Times
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba đã điện đàm về vấn đề thuế quan. Ảnh: Asia Times

Hiện nay, căng thẳng với Trung Quốc được cho khiến Mỹ hướng về đồng minh nhiều hơn. Vì vậy, các đồng minh khác của Mỹ như Anh, Úc, Hàn Quốc và cả Ấn Độ, đang theo dõi chặt chẽ.

Phát biểu gần đây của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent, rằng Nhật Bản là đồng minh quan trọng và toàn diện nhất của Hoa Kỳ, cho thấy 2 bên đang có sự khởi đầu tích cực. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đàm phán không chỉ thuế quan, còn về hàng rào phi thuế quan, tiền tệ cùng với trợ cấp chính phủ, cho thấy 1 chặng đường dài khó khăn phía trước.

Nhật Bản từng bị chỉ trích là quốc gia theo chủ nghĩa bảo hộ những năm 1980, hiện đi đầu trong thúc đẩy thương mại tự do. Tokyo nỗ lực cứu vãn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Hoa Kỳ rút năm 2017. Hiệp định đã được chuyển sang cơ chế mới, với tên gọi CPTPP.

Câu hỏi hiện giờ, liệu Bộ trưởng Akazawa có thể thành công hay không? Giới chức Nhật đang nhìn thấy chính sách của ông Trump khá giống với người tiền nhiệm Joe Biden và Barack Obama.

Trong hồi ký của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, ông kể khi ăn tối với Tổng thống Barack Obama tại nhà hàng nổi tiếng Sukiyabashi Jiro ở thủ đô Tokyo, lãnh đạo Nhà Trắng hỏi: “Tôi không thấy một chiếc xe hơi Mỹ nào trên đường tới đây. Ông cần phải làm điều gì đó chứ?”

Thủ tướng Abe giải thích, Nhật Bản không áp thuế với xe hơi Hoa Kỳ. Tổng thống Obama không hài lòng, nói có rào cản phi thuế quan.

Xe hơi Nhật Bản lại rất thành công tại Hoa Kỳ, có thời điểm phần lớn ô tô chạy trên đường phố xứ cờ hoa là từ công ty của đất nước mặt trời mọc. Bên cạnh đó, xe hơi cũng chiếm phần lớn thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với đồng minh châu Á.

Trong hồi ký, ông Abe giải thích tiếp, nhà sản xuất xe hơi Mỹ không chịu thay đổi để bán được hàng tại Nhật, như thay đổi vị trí vô lăng nhằm phù hợp với đường sá hay thậm chí không thèm quảng cáo trên các kênh truyền hình Nhật Bản. Tổng thống Obama sau đó im lặng 1 hồi lâu.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cố Thủ tướng Shinzo Abe đã chứng minh rằng, có thể đặt lợi ích quốc gia lên đầu nhưng vẫn duy trì mối quan hệ đồng minh chặt chẽ. Phương Tây chắc chắn hưởng lợi trong giai đoạn ông ấy lãnh đạo Nhật Bản.

Nhật Bản hiện là bên mua khi đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ 4 thế giới. Tokyo cũng quan tâm tới dự án LNG 44 tỷ USD ở Alaska, rất hoan nghênh nếu có thể nhập khẩu LNG từ dự án này. Ngoài ra, Nhật Bản còn mong muốn mua thêm thiết bị quân sự của Hoa Kỳ.

Một số nhượng bộ khác Nhật Bản có thể đưa ra trong thương thảo, như điều chỉnh tiêu chuẩn an toàn, để xe hơi Hoa Kỳ dễ tiến vào thị trường hơn; giảm thuế để tăng nhập khẩu gạo từ Hoa Kỳ nhằm hạ giá bán đang cao ngất ngưởng trong nước.

Nhật Bản là quốc gia nắm giữ trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ nhiều nhất. Điều này cũng có thể là đòn bẩy trong thương lượng.

Nhiều ý kiến nhận xét, đàm phán Mỹ – Nhật được quan sát chặt chẽ, bởi các quốc gia nhìn vào đây nhằm rút ra chiến lược phù hợp. Ví dụ phòng thủ hay trả đũa, trước đòn thuế quan của Hoa Kỳ.

(Biên dịch: NVP)