ByteDance đã âm thầm ra mắt bốn ứng dụng AI tạo sinh gồm Cici AI, Coze, ChitChop và BagelBell trong ba tháng qua.
ByteDance, công ty mẹ của nền tảng mạng xã hội TikTok, âm thầm ra mắt bốn ứng dụng AI tạo sinh mới gồm Cici AI, Coze, ChitChop và BagelBell trong ba tháng qua, với mỗi ứng dụng đều ghi nhận hàng triệu người dùng.
Cici AI, ChitChop và Coze là các ứng dụng về sáng tạo, cho phép người dùng tạo và chia sẻ chatbot của riêng mình. Trong khi đó, BagelBell được dùng để viết các tác phẩm, tiểu thuyết viễn tưởng và có thể điều chỉnh tùy theo lựa chọn của người đọc. Theo chia sẻ của người phát ngôn Jodi Seth, ByteDance đã sử dụng công nghệ GPT của OpenAI, thông qua giấy phép trên Microsoft Azure, làm nền tảng phát triển bốn ứng dụng AI này thay vì xây dựng mô hình ngôn ngữ riêng (LLM).
Trong trang web chính thức của các ứng dụng trên và điều khoản sử dụng dịch vụ không đề cập đến việc ByteDance là chủ sở hữu. Ba trong ứng dụng này hiện do Spring (SG) Pte. Ltd., công ty con mới thành lập của ByteDance, vận hành. Một công ty con khác của ByteDance là Poligon Pte. quản lý ứng dụng còn lại.
Cici AI và ChitChop tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giải trí, tạo ra các bot dựa trên nhân vật thể loại giả tưởng và lãng mạn, trong khi bot trong Coze giúp đơn giản hóa các tác vụ công việc thường ngày. Trong bốn ứng dụng này, Cici AI có sức hút lớn nhất với hơn 10 triệu lượt tải trên cửa hàng Google Play.
Sự xuất hiện từ những ứng dụng này, kết hợp với việc ra mắt công cụ AI hỗ trợ sáng tạo video ngắn và được đưa tin xây dựng nền tảng AI tạo hình ảnh tương tự như Midjourney và Dall-E, là động thái của ByteDance để tạo sức cạnh tranh trong thị trường AI tạo sinh. Vào tháng 9.2023, Facebook đã trình làng chatbot dựa theo hình mẫu của những người nổi tiếng và Snap tích hợp chatchot vào Snapchat trong tháng 4.2023.
Toàn bộ các hãng công nghệ lớn đều đang phát triển nền tảng AI tạo sinh cho riêng mình. Trong đó, Microsoft phát triển trợ lý AI tích hợp vào phần mềm của tập đoàn này, với lực đẩy từ khoản đầu tư 10 tỉ USD vào OpenAI. Google ra mắt mô hình ngôn ngữ mới lấy tên gọi Gemini để cạnh tranh với GPT-4 và Amazon tích hợp AI tạo sinh vào các sản phẩm của hãng, bao gồm cả loa Alexa.
Hiện tại, chỉ mỗi Coze đã có mặt tại thị trường Mỹ và Bytedance chưa ra mắt bốn ứng dụng ở châu Âu. Dẫu vậy, việc các tập đoàn công nghệ thử nghiệm sản phẩm tại những thị trường nhỏ hơn với quy định quản lý ít nghiêm ngặt hơn trước khi tiến vào Mỹ và châu Âu là điều thường thấy trong lĩnh vực công nghệ.
Trả lời câu hỏi về những dự định của ByteDance, Jodi Seth cho biết bốn ứng dụng AI này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và từ chối cung cấp thêm thông tin. Hiện chưa rõ về việc liệu ByteDance có tích hợp các ứng dụng này vào TikTok hay không. Ngay trong tháng 1 này, ByteDance đã thử nghiệm một chatbot AI có tên gọi Tako trong TikTok.
ByteDance từng không ít lần thử nghiệm các ứng dụng mới và dừng phát triển ứng dụng nào không đạt hiệu quả. Trước TikTok, công ty đã ra mắt các ứng dụng về đố vui, tạo ảnh gif và tổng hợp tin tức. ByteDance vẫn đang phát triển và thay đổi nhiều ứng dụng khác nhau trên thế giới, cạnh tranh với WhatsApp ở châu Phi, Spotify và Twitter lần lượt tại Đông Nam Á và Brazil.
Bên cạnh thị trường quốc tế, ByteDance cũng phát triển ứng dụng AI tạo sinh tại “quê nhà” Trung Quốc, bắt đầu từ Dou Bao ra mắt hồi tháng 8.2023 sau khi được cơ quan quản lý cấp phép. Các cơ quan quản lý Trung Quốc đã ra dự luật yêu cầu chatbot AI hoạt động tại quốc gia này “phải có nội dung phù hợp với giá trị xã hội và tuân thủ theo chỉ dẫn về kiểm duyệt.”
Việc ByteDance đưa các ứng dụng AI tạo sinh đến những nước phương Tây không phải điều bất ngờ, xét đến việc nhu cầu sử dụng chatbot AI tăng cao và thành công mà công ty có được với TikTok. Nhưng điều này có thể gây ra lo ngại về bảo mật thông tin, với người dùng thường tin tưởng cung cấp thông tin cá nhân cho các chatbot. Và chatbot thường không giải thích về phản hồi đưa ra.
Toàn bộ ứng dụng AI mới của ByteDance đều có thể chia sẻ thông tin người dùng với các bộ phận hoặc công ty con trong tập đoàn này. Jodi Seth xác nhận nhân viên ByteDance có thể truy cập vào dữ liệu người dùng từ những ứng dụng này, thực hiện theo việc kiểm soát truy cập nội bộ và quy trình phê duyệt.
Các cơ quan quản lý cũng tỏ ra lo ngại về bản quyền trí tuệ. Hồi tháng 12.2023, Verge đưa tin ByteDance đã sử dụng LLM của OpenAI để phát triển mô hình ngôn ngữ lớn cho riêng mình, vi phạm điều khoản sử dụng dịch vụ của OpenAI. Điều này đã dẫn đến việc OpenAI từng cấm ByteDance truy cập vào giao dịch lập trình ứng dụng (API) của công ty này.
Jodi Seth cho biết ByteDance sử dụng OpenAI thông qua giấy phép trên Microsoft Azure, giúp công ty tiếp cận công nghệ GPT. OpenAI chưa phản hồi yêu cầu đưa ra bình luận.
5 tháng trước
Kỳ lân AI Baichuan huy động thành công 693 triệu USD1 năm trước
Google công bố tính năng mới trong Google Meet1 năm trước
Spotify dùng AI để phiên dịch giọng nói