Nếu hết tháng 9, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, ngừng giãn cách xã hội và các hoạt động trở lại trạng thái bình thường thì khả năng GDP 2021 có thể đạt 3,5-4%.
Nhận định này được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) Nguyễn Chí Dũng đưa ra tại Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và đầu tư công năm 202 hôm 14.9.
Nếu GDP năm nay đạt mức này thì đây là năm thứ hai liên tiếp, Việt Nam không hoàn thành kế hoạch tăng trưởng theo mục tiêu d0e62 ra của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Năm ngoái GDP tăng trưởng 2,92%.
Theo người đứng đầu ngành kế hoạch đầu tư, giãn cách xã hội ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và tình hình lao động – việc làm. Trong khi đó, nguồn lực hỗ trợ cho công tác chống dịch lớn, ảnh hưởng đến thu – chi ngân sách. Dịch cũng ảnh hưởng đến tình hình thành lập doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, năm 2022-2023 là thời gian phục hồi kinh tế của cả nước. Bộ sẽ trình đề án phục hồi kinh tế lên Chính phủ trong tháng 10 tới.
Năm 2022, Việt Nam cũng phải xác định “sống chung với dịch bệnh” và từng bước phục hồi dù mức độ phục hồi có thể không đồng đều. Dự kiến, tăng trưởng GDP năm 2022 từ 6-6,5%.
Trước dự báo này của ngành kế hoạch và đầu tư, một số tổ chức cũng đã liên tục hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam. Hôm 24.8, Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo GDP Việt Nam năm 2021 tăng trưởng khoảng 4,8%, thấp hơn hai điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 12.2020.
Standard Chartered trước đó cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế GDP Việt Nam năm 2021 từ 6,5% trước đó xuống 4,7% và năm 2022 ước tính 7,3% xuống còn 7%.
Mới nhất, HSBC Việt Nam đưa ra kịch bản GDP tăng trưởng 3,5-4% với nếu chương trình tiêm vaccine triển khai chậm, giãn cách còn kéo dài và nền kinh tế chịu thêm nhiều tác động nặng nề. Nếu những vấn đề này được giải quyết thì GDP có thể tăng trưởng lạc quan hơn, mức 5-5,5%.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, các chỉ số kinh tế của Việt Nam vào tháng 8 đã chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội.
Ước tính chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 giảm 4,2% so với tháng trước và giảm đến 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 10,5% so với tháng trước và giảm đến 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 53,7 tỉ USD, giảm 5,8% so với tháng trước.
Trong khi đó, con số doanh nghiệp ngừng hoạt động tiếp tục gia tăng. Tính chung tám tháng có 85.500 công ty rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng TP.HCM có đến 24.000 doanh nghiệp (chiếm hơn 28%) và tăng 6,6% so với cùng kỳ. Tổng số dự án đầu tư nước ngoài tính đến 20.8.2021 đăng ký cấp mới giảm 36,8% so với cùng kỳ năm 2020.
2 năm trước
Nhiều rủi ro tiềm ẩn với tăng trưởng GDP