RGE đầu tư hơn 2 tỉ USD để mở nhà máy sản xuất giấy bìa lớn mới đặt tại cơ sở sản xuất tích hợp ở Sumatra, Indonesia.
Anderson Tanoto có một mục tiêu lớn cần hoàn thành cho tập đoàn Royal Golden Eagle (RGE) ở Singapore thuộc sở hữu của gia đình anh, tập đoàn thu lợi nhuận chính từ bột giấy, giấy, dầu cọ và năng lượng.
“Chúng tôi phải tăng gấp đôi tài sản trước khi kết thúc thập niên này,” Tanoto, người Indonesia 33 tuổi, cho biết. “Chúng tôi phải tiếp tục mở rộng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.” Là giám đốc điều hành tại RGE, Tanoto đặt mục tiêu đến năm 2030, giá trị tài sản của tập đoàn sẽ tăng hơn 30 tỉ USD lên mức 60 tỉ USD.
Công ty thành viên giấy và bột giấy Asia Pacific Resources International Holdings (April) của RGE sắp thực hiện một bước tiến lớn để đạt được mục tiêu đầy tham vọng của Tanoto. Công ty đang đầu tư 33,4 ngàn tỉ IDR (2,2 tỉ USD) vào nhà máy sản xuất giấy bìa mới đặt tại cơ sở sản xuất tích hợp ở Sumatra.
Cơ sở mới này là một trong những khoản đầu tư lớn nhất April được thực hiện kể từ khi thành lập vào năm 1993 và dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 6 năm sau. Cơ sở này sẽ được đặt trong cùng khu phức hợp mà April đã có một nhà máy sản xuất giấy lẫn bột giấy lớn. Cơ sở được thiết kế để có công suất sản xuất 1,2 triệu tấn bìa cứng/năm, vật liệu được sử dụng trong nhiều loại bao bì làm từ giấy cũng như hộp.
Điều gì đằng sau động thái táo bạo đó? Tanoto nhìn thấy cơ hội lớn tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng về bao bì có thể tái chế để thay thế bao bì làm từ nhựa.
“Tôi tin quá trình chuyển đổi loại bỏ rác thải từ bao bì nhựa sẽ sớm xảy ra,” Tanoto cho biết. “Cách duy nhất để chúng tôi có thể biến điều đó thành hiện thực sớm hơn là làm cho… bao bì của chúng tôi có thể mở rộng, lớn, chất lượng tốt, và chi phí thấp.” Tanoto đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng cho RGE không chỉ nhanh chóng mà còn đặt ưu tiên hàng đầu về tính bền vững.
Anh khẳng định không có xung đột giữa hai mục tiêu, và nhấn mạnh RGE “hoàn toàn” có thể mở rộng nhanh chóng trong khi thực hiện các chính sách môi trường, xã hội cũng như quản trị (ESG) quan trọng.
Tanoto tự tin rằng nhu cầu về bao bì như thế và vải viscose rayon, nguyên liệu thô để sản xuất hàng dệt may cũng như khăn ướt, sẽ tăng lên. “Nghiên cứu người tiêu dùng luôn chỉ ra rằng một phần ba người tiêu dùng đưa ra quyết định mua hàng dựa vào tính bền vững cũng như tác động môi trường. Ngoài ra, hơn một phần ba người tiêu dùng sẵn sàng trả phí cao cho các lựa chọn thay thế bền vững,” anh cho biết.
Báo cáo của Kenneth Research ở New York nhận thấy một tương lai tốt đẹp cho thị trường bao bì tự hủy sinh học toàn cầu. Báo cáo dự báo doanh thu cho lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng gộp hằng năm là 6% cho đến năm 2031, nâng tổng doanh thu toàn cầu vào thời điểm đó lên 160 tỉ USD.
Yosua Zisokhi, nhà phân tích tại Samuel Sekuritas Indonesia kỳ vọng thị trường bao bì phân hủy sinh học Indonesia sẽ tăng trưởng tốt, cho biết thêm “người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm hỗ trợ tính bền vững.”
Tiền thân của RGE là một doanh nghiệp ván gỗ ép có tên Raja Garuda Mas (RGM) được thành lập vào năm 1973 do Sukanto Tanoto, cha của Tanoto. RGE vẫn thuộc sở hữu tư nhân của gia đình Tanoto. Anderson, con út trong gia đình có 4 người con, gia nhập RGE vào năm 2013, sau khi tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại Wharton School thuộc Đại học Pennsylvania và làm việc tại công ty tư vấn Bain.
Anh chứng kiến sức mạnh tổng hợp trong quá trình phát triển một doanh nghiệp bền vững với môi trường.
“Điều cần thiết là kinh doanh và môi trường phải nằm về một phía trên con đường phát triển chứ không phải theo hai hướng đối lập nhau,” anh cho biết.
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
Ngân hàng số của Simon Loong “cược lớn” vào thị trường Indonesia
Indonesia muốn nhiều doanh nghiệp nhà nước niêm yết cổ phiếu hơn
Tỉ phú Philippines Enrique Razon, Jr. mua lại cảng tàu tại Indonesia
2 năm trước
USPS tăng cường mua xe điện vận chuyển thư tín