Agnikul Cosmos sẽ dùng khoản đầu tư mới để thực hiện đợt phóng tên lửa đầu tiên, xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng và tuyển dụng nhân sự.
Agnikul Cosmos, công ty sản xuất hàng không vũ trụ nhận hậu thuẫn tài chính từ quỹ đầu tư Mayfield Fund của Navin Chaddha (thành viên danh sách Forbes Midas), đã hoàn tất vòng gọi vốn Series B với tổng số vốn huy động 26,7 triệu USD. Vòng gọi vốn này cho thấy các nhà đầu tư đang tin tưởng vào tiềm năng phát triển của ngành hàng không vũ trụ Ấn Độ.
Vòng huy động tài chính trên có sự tham gia từ các nhà đầu tư mới gồm Celesta Capital, Rocketship.vc, Artha Select Fund và Artha Venture Fund. Các nhà đầu tư hiện hữu là Mayfield India, Pi Ventures và Speciale Invest cũng tham gia lần gọi vốn này. Khoản đầu tư mới đã nâng tổng số vốn mà công ty khởi nghiệp sáu năm tuổi nhận về lên 40 triệu USD. Agnikul Cosmos từ chối tiết lộ mức định giá mới nhất.
“Việc Agnikul Cosmos phát triển những giải pháp hàng không vũ trụ mới phù hợp với chiến lược đầu tư của Celesta Capital vào các doanh nghiệp công nghệ sâu (deeptech). Chúng tôi vui mừng khi được đồng hành, hỗ trợ tầm nhìn tiên phong và hướng đi mới lạ của công ty trong việc hiện đại hóa cũng như dân chủ hóa ngành hàng không vũ trụ,” Arun Kumar, giám đốc quản lý của Celesta Capital, cho biết trong thông cáo báo chí.
Thành lập vào năm 2017 với trụ sở đặt tại Chennai, Ấn Độ, Agnikul Cosmos thiết kế và sản xuất tên lửa mang theo vệ tinh có trọng lượng dưới 100kg. Tên lửa do công ty phát triển, Agnibaan SubOrbital Technological Demonstrator (SOrTeD) có năm cấu hình khác nhau dựa trên số lượng động cơ và tầng đẩy, cũng như theo nhu cầu của khách hàng. Agnikul Cosmos phát triển động cơ in 3D có tên gọi Agnilet, với công ty tuyên bố đây là động cơ in liền mạch đầu tiên trên thế giới.
Theo Agnikul Cosmos, công ty sẽ dùng khoản đầu tư mới để thực hiện đợt phóng tên lửa đầu tiên, xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng và tuyển dụng nhân sự về sản xuất, vận hành và công nghệ. Agnikul Cosmos có bệ phóng tên lửa đặt tại trung tâm vũ trụ Satish Dhawan và cho biết sẽ tiến hành đợt phóng đầu tiên vào cuối năm 2023.
Srinath Ravichandran, đồng sáng lập và CEO của Agnikul Cosmos, ca ngợi thành công từ sứ mệnh phóng tàu vũ trụ lên mặt trăng gần đây của Ấn Độ đã tạo ra ảnh hưởng tích cực đến người dân và ngành hàng không vũ trụ nước này. Vào tháng 8.2023, tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã hạ cánh an toàn tàu vũ trụ Chandrayaan-3 xuống cực Nam mặt trăng, giúp Ấn Độ trở thành nước đầu tiên làm được điều này. Ấn Độ là quốc gia thứ tư trên thế giới hạ cánh tàu vũ trụ lên mặt trăng sau Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc. Hồi tháng 4.2023, các quan chức Ấn Độ đã công bố chính sách vũ trụ quốc gia đầu tiên, nhấn mạnh sự đóng góp của khu vực tư nhân.
Trả lời Forbes Asia qua email, Srinath Ravichandran cho biết: “Ngành hàng không vũ trụ Ấn Độ đã có được bước phát triển lớn. Ấn Độ gần đây đã phóng thành công tàu vũ trụ lên mặt trăng và còn điều gì có thể tốt hơn thế nữa?”
“Việc ngày càng nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tham gia, hợp tác quốc tế gia tăng và cam kết mạnh mẽ vào ý tưởng công nghệ mới, tôi nhìn nhận ngành hàng không vũ trụ Ấn Độ sẽ có đóng góp đáng kể cho mệnh khám phá không gian của thế giới, cung cấp dịch vụ vệ tinh và thúc đẩy môi trường bền vững,” Ravichandran chia sẻ.
Ngành công nghệ hàng không vũ trụ (spacetech) Ấn Độ đang đón nhận làn sóng khởi nghiệp. Theo báo cáo của Deloitte, cơ quan hàng không vũ trụ Ấn Độ (ISpa) và NASSCOM công bố hồi trong tháng 10.2023, Ấn Độ có 190 công ty khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực spacetech. Nằm trong số này có Pixxel, startup đã huy động 36 triệu USD từ vòng gọi vốn Series B diễn ra vào tháng 6.2023. Tiếp theo là Skyroot Aerospace, công ty huy động thành công 51 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B khác do quỹ đầu tư chính phủ Singapore (GIC) dẫn dắt vào tháng 9 vừa qua.
Một cái tên mới nổi khác là Bellatrix, công ty lọt vào danh sách Forbes Asia 100 to Watch, đang trong thỏa thuận nhận vốn đầu tư từ quỹ BASF Venture Capital, theo các đơn vị truyền thông địa phương.