Chủ tịch Lương Quang Thi dẫn dắt ABACooltrans trở thành công ty cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh tích hợp hàng đầu tại Việt Nam.
Người sáng lập ABACooltrans luôn nhìn trực diện vào phóng viên Forbes Việt Nam trong suốt cuộc phỏng vấn tại văn phòng công ty ở quận 5 vào trung tuần tháng 10. Mặc áo Lacoste sọc xanh sậm, đeo kính gọng chữ nhật đen, dáng người tầm thước, phong thái trò chuyện sôi nổi trong chất giọng còn phảng phất âm hưởng Quảng Nam dù ông đã vào Sài Gòn lập nghiệp từ những năm tuổi 20.
“Đứt gãy và tắc nghẽn chuỗi cung đã khiến chúng tôi phải thay đổi 80% kế hoạch vận hành, nếu không chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 ABACooltrans đã có thể ghi nhận lãi ròng (net profit) từ năm 2020,” người đứng đầu công ty cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh tích hợp cho biết.
Cũng như mọi doanh nghiệp ngành logistics, họ phải chịu áp lực từ loạt “ổ khóa” phòng dịch: lái xe phải được xét nghiệm, xe vận chuyển phải được nhận diện luồng xanh, hàng hóa phải thuộc diện thiết yếu theo quy định của bộ Công Thương và phải được thông luồng từ các chốt phòng dịch địa phương. Việc đáp ứng các yêu cầu thường xuyên thay đổi này đã ảnh hưởng tới thời gian giao hàng, thiếu hụt lái xe và nhân sự tại kho cũng như việc vận hành của toàn công ty.
Quan trọng hơn, dịch bệnh khiến nhu cầu của thị trường thực phẩm dịch chuyển: khi người tiêu dùng phải thu mình tại nhà vì giãn cách, họ tìm đến những kênh bán lẻ trực tuyến. Thay đổi này đã ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực lên các kênh khách hàng doanh nghiệp chính của ABACooltrans: “Các khách hàng vận hành chuỗi nhà hàng có thể nói là gần lùi về số 0, nhưng nhu cầu của các nhà bán lẻ tăng cao, nhờ đó chúng tôi cân bằng được doanh thu và may mắn vẫn đang vận hành ổn định,” ông Thi chia sẻ.
“May mắn vận hành ổn định” nói trên là kết quả của hành trình 13 năm đầu tư vào công nghệ, con người và xác định rõ tầm nhìn doanh nghiệp từ những ngày đầu. Xuất thân từ một gia đình nông dân miền Trung, tốt nghiệp đại học sư phạm, ông Lương Quang Thi thành lập ABACooltrans năm 2008 sau hơn bốn năm làm việc tại Cora Đồng Nai (sau này là Big C) và có sáu năm giữ vị trí giám đốc thương mại của công ty xe tải đông lạnh Lamberet Việt Nam. Trăn trở về thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm và nhận ra chuỗi cung lạnh vẫn đang bị bỏ ngỏ đã trở thành động lực dấn thân vào thị trường với nhà sáng lập 48 tuổi này.
“Khi gặp khách hàng đầu tiên là Unilever, trong tay tôi chưa có xe, đội ngũ lẫn phần mềm công nghệ. ABACooltrans khi ấy chỉ có khả năng quản lý của cá nhân tôi cùng một quy trình dịch vụ rõ ràng,” ông Thi nhớ lại. Thị trường chuỗi cung lạnh Việt Nam những năm 2000 còn rất non trẻ, với phần lớn nhà cung cấp dịch vụ còn thiếu khả năng vận hành và chiến lược bài bản. Vậy nên sự xuất hiện của một doanh nghiệp đề ra quy tắc vận hành A be A (A là A), hướng tới cam kết “đúng nhiệt độ, đúng giờ, đúng hàng”, nói không với chở hàng quá tải đã thuyết phục được Unilever cùng những cái tên lớn khác của thị trường bán lẻ Việt Nam như Metro, Vinamilk, Vissan…
Năm 2016 là cột mốc có tính bước ngoặt với ABACooltrans khi công ty nhận đầu tư từ quỹ Mekong Capital. Từ cuối năm 2014, thị trường bán lẻ ghi nhận sự nổi lên của hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện lợi Vinmart+ với tốc độ mở trung bình khoảng hai cửa hàng mới mỗi ngày và vượt con số 700 cửa hàng chỉ trong hơn một năm. Số vốn nhận được đã giúp ABACooltrans tăng tốc đuổi kịp nhu cầu của ngành bán lẻ, trở thành đối tác logistics đầu tiên và độc quyền của Vinmart trong thời gian đầu.
Quan trọng hơn, cũng trong năm 2016, ABACooltrans sở hữu kho lạnh đầu tiên với khoảng 15.000 vị trí pallet ở khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) thông qua hoạt động sáp nhập. Theo đó công ty tái định vị thành nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh tích hợp, trở thành một trong số ít các công ty Việt Nam có thể giải quyết nhu cầu logistics từ đầu tới cuối cho khách hàng doanh nghiệp chuyên sản xuất thực phẩm tươi sống, hạt giống, hàng nông nghiệp, dược phẩm và hàng hóa đông lạnh khác.
Sau 13 năm phát triển, ABACooltrans hiện sở hữu ba trung tâm phân phối tại Hà Nội và TP.HCM với tổng cộng khoảng 40.000 vị trí pallet, 262 xe tải lạnh, hơn 800 nhân viên, phục vụ cho hơn 150 khách hàng doanh nghiệp với những cái tên quen thuộc như Bách Hóa Xanh, Masan Meatlife, C.P Group, Big C, Mega Market, Golden Gate Restaurant Group, Vĩnh Hoàn…
“ABACooltrans không phải là doanh nghiệp mang tới dịch vụ có giá cạnh tranh nhất cho khách hàng nhỏ lẻ. Thông thường họ chọn chúng tôi vì dịch vụ tích hợp đầu cuối, tính ra kinh tế hơn so với việc thuê nhiều đơn vị cung cấp từng khâu riêng lẻ như chuyên chở hàng hóa hay dịch vụ kho,” ông Thi cho biết. Hiện mảng dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh tích hợp đang đóng góp 65% doanh thu cho công ty, trong khi mảng dịch vụ kho và vận chuyển đóng góp lần lượt 25% và 10%.
Đối với các doanh nghiệp logistics, chuỗi cung ứng lạnh là “miếng ngon khó xơi” vì chi phí đầu tư kho lạnh thường cao gấp hai đến ba lần so với nhà kho thông thường và quá trình xây dựng có thể lâu hơn đến sáu tháng. Bên cạnh đó, thời hạn thuê thường kéo dài 15-20 năm khiến nguồn cung đã khan hiếm nay càng ít ỏi, theo nhận định của bà Trang Bùi, giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam của JLL. Tương tự, việc đầu tư vào xe tải lạnh cũng đắt đỏ hơn so với xe tải khô do đòi hỏi phải trang bị các công cụ bảo quản, phương tiện theo dõi, kiểm soát nhiệt độ và nhân sự vận hành phải có đủ chuyên môn.
Thị trường Việt Nam những năm gần đây trở nên sôi động hơn với sự tham gia của các tay chơi nước ngoài như Lineage (mua lại Emergent Cold và Preferred Freezer), Panasato, Meito, Maersk, Sojitz , K’line, FM Logistics… bên cạnh các doanh nghiệp trong nước như Hoàng Phi Quân, Phan Duy, An Việt Cold Storage… Trong đó các doanh nghiệp nước ngoài đa số tập trung vào phân khúc kho lạnh, trong khi doanh nghiệp nội địa thiên về phát triển mảng vận tải lạnh.
“Tuy vậy thị trường chuỗi cung ứng lạnh Việt Nam vẫn phân mảnh với rất nhiều doanh nghiệp nhỏ sở hữu hạ tầng chất lượng chưa cao và tiêu chuẩn vận hành còn thấp,” theo đánh giá của bà Megan Benger, giám đốc chuỗi cung ứng của công ty Tư vấn TMX Global.
Theo báo cáo Ngành kho vận lạnh châu Á – Thái Bình Dương của Cushman & Wakefield ra mắt tháng 12.2020, thị trường chuỗi cung ứng lạnh ở Việt Nam đạt giá trị 169 triệu đô la Mỹ năm 2019 và dự báo chạm mốc 295 triệu đô la Mỹ vào năm 2025, tức tăng trưởng khoảng 12% hằng năm. Dữ liệu của ABACooltrans tổng hợp từ Euromonitor, FiinGroup và các đơn vị nghiên cứu khác cho thấy tỉ lệ thâm nhập của chuỗi cung lạnh vào hoạt động vận chuyển các nhóm hàng thực phẩm nội địa cần bảo quản lạnh hiện chỉ đạt khoảng 10%, đồng nghĩa 90% còn lại vẫn chưa được khai thác.
Đáng chú ý, thị trường chuỗi cung lạnh đang hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế, khi người dân dịch chuyển từ “ăn no mặc ấm” sang “ăn ngon mặc đẹp”, nhu cầu thực phẩm tươi sống và đảm bảo chất lượng, đòi hỏi chặt chẽ về an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao hơn. Tuy nhiên ở Việt Nam, đảm bảo an toàn trên cả chuỗi lương thực thực phẩm từ thu hoạch, chế biến, bảo quản đến vận chuyển vẫn đang là vấn đề bức thiết. Theo khảo sát của CEL Consulting, chỉ 8,2% nhà sản xuất cho thị trường nội địa áp dụng chuỗi lạnh, thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ 66,7% của doanh nghiệp xuất khẩu.
Một yếu tố khác hậu thuẫn cho thị trường này là dịch COVID-19 đã khiến không chỉ người dân mà cả chính quyền và doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm nhận ra tầm quan trọng của mảng bán lẻ hiện đại. Báo cáo “Bán lẻ Việt Nam” của Deloitte ra mắt giữa năm 2020 chỉ ra rằng các chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ hiện đại đã “vượt mặt” chợ truyền thống trong giai đoạn đại dịch. Dịch bệnh cũng khiến 84% người dùng tăng chi tiêu cho thực phẩm tươi, 70% khác xác nhận họ chi nhiều hơn cho thực phẩm đóng hộp.
“Xu hướng tiêu dùng này cũng giúp khẳng định vai trò không thể thiếu của chuỗi cung ứng lạnh, trong khi trước đây nhiều người vẫn lầm tưởng chuỗi cung ứng lạnh chỉ là yếu tố giá trị gia tăng,” ông Lương Quang Thi cho biết.
Tựa theo bản in Người xây chuỗi kho lạnh, Forbes Việt Nam số 99 phát hành tháng 11.2021.