Làm thể nào để tận dụng hội thoại như một giải pháp kinh doanh để đưa thương hiệu lên tầm cao mới? Bà Berina Tanovic – giám đốc kinh doanh Rakuten Viber chia sẻ tại Hội nghị Thương hiệu “Từ sáng tạo đến trường tồn” do Forbes Việt Nam tổ chức ngày 17.10.2023.
Trong bài trình bày chủ đề “Trò chuyện với tương lai”, bà Berina Tanovic chỉ ra các xu hướng sử dụng thiết bị di động và dịch vụ tin nhắn như một giải pháp kinh doanh, đồng thời đề xuất những phương thức tận dụng những công cụ này vào xây dựng thương hiệu.
Đề cập về tương lai của tin nhắn, theo bà Berina Tanovic tin nhắn là cách giao tiếp phổ biến nhất ngày nay. Vì là phương thức giao tiếp phổ biến nên thực chất tin nhắn cũng là công cụ của các thương hiệu thực hiện những giao tiếp kinh doanh, với sự hỗ trợ của công nghệ.
71% dân số Việt Nam đang tích cực sử dụng mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin. Người Việt dành 2 giờ 33 phút mỗi ngày cho việc này, cao hơn so với mức trung bình toàn cầu.
“Tôi cho rằng người dùng trên toàn cầu hay ở Việt Nam, ngay cả khi còn lo ngại về tính bảo mật dữ liệu, vẫn háo hức thể nghiệm những cải tiến mới trong giao tiếp. Việt Nam là một trong những thị trường đang dẫn đầu xu hướng này trên toàn cầu,” đại diện Viber chia sẻ.
Mọi người không chỉ sử dụng các ứng dụng nhắn tin để liên lạc mà còn thực hiện cả những giao tiếp kinh doanh. Nghiên cứu gần đây của Viber cho thấy Việt Nam được xếp hạng là thị trường kinh doanh qua hội thoại (business messaging) lớn thứ hai thế giới. Theo đó, 36% người dùng mua hàng qua mạng xã hội và ứng dụng tin nhắn. Trong đó, 52% sử dụng tính năng kinh doanh qua hội thoại.
Nghiên cứu đưa ra đánh giá, người dùng ở Việt Nam muốn sự giao tiếp liền mạch, muốn đặt câu hỏi nhưng cũng muốn nhận được phản hồi nhanh chóng. Họ cũng thường kiểm tra các hoạt động khuyến mãi hay cập nhật sản phẩm bằng cách hội thoại trực tiếp với nhãn hàng.
Đây là điều rất quan trọng đối với bất kỳ thương hiệu nào, từ bán lẻ cho đến như lĩnh vực ngân hàng. Nhưng thông thường, để đón bắt được hành vi người dùng, các thương hiệu thường nghĩ đến việc phát triển một ứng dụng hay nền tảng riêng, hướng dẫn mọi người cách sử dụng nó.
Thật không may, người dùng thường cảm thấy bối rối với ứng dụng mới và dùng chúng không đúng như cách thương hiệu mong muốn, vậy tại sao không tạo một tài khoản trong ứng dụng nhắn tin mà khách hàng đang dùng?
Ngoài việc có tất cả dữ liệu cần cho vấn đề kinh doanh, các nhãn hàng còn có thể xây dựng nhận thức về thương hiệu bằng thông qua quảng cáo hoặc có thể giao tiếp và gửi các tin nhắn đã được cá nhân hóa với nội dung mới thực sự thú vị cho khách hàng.
Nếu tiếp cận bằng góc nhìn này sẽ giúp cho việc kinh doanh qua hội thoại thực sự thuận tiện và tiết kiệm chi phí, là một công cụ hiệu quả trên toàn thế giới. Riêng đối với Việt Nam, hiện là một trong những thị trường đi đầu trong các xu hướng mới cũng như áp dụng và thực hiện những cải tiến công nghệ mới, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông.
“Người dùng ở Việt Nam có trung bình khoảng 16 ứng dụng được sử dụng hàng ngày và tôi chắc chắn rằng Viber là một trong số đó. Vì vậy, câu hỏi đặt ra cho các thương hiệu, là bạn sẽ làm gì để tận dụng kinh doanh qua hội thoại như một giải pháp kinh doanh và đưa nó lên một tầm cao mới.” bà Berina Tanovic đặt vấn đề tại hội nghị.
1 năm trước
Đuổi bắt xu hướng và xây dựng thương hiệu1 năm trước
Thành tựu đột phá hay thành công tích lũy?1 năm trước
2 năm trước
“Giải mã” sức hút bí ẩn của thương hiệu Nón Sơn