Số liệu kinh tế xã hội tháng 10 cho thấy sự suy giảm đã chạm đáy, kinh tế dự báo sẽ nhanh chóng phục hồi. Tuy nhiên WB dự báo Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức để tái khởi động nền kinh tế sau nhiều tháng giãn cách xã hội.
Bản tin kinh tế vĩ mô tháng 10 của World Bank phân tích chỉ số di chuyển, chỉ số sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã khởi sắc ngay khi nền kinh tế từng bước khôi phục, nhưng vẫn chưa thể quay lại mức trước dịch – tháng 4.2020.
Tăng trưởng tín dụng ổn định trong khi thu chi ngân sách nhà nước ghi nhận thặng dư tháng đầu tiên sau hai tháng giảm mạnh. Riêng vốn FDI đã giảm sau chuỗi ba tháng liên tiếp tăng.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng xấp xỉ 7% so với tháng trước, chỉ thấp hơn 1,6% so với cùng kỳ. Sự phục hồi phần lớn nhờ vào hoạt động sản xuất tại TP.HCM và các vùng lân cận được khôi phục. May mặc, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, sản phẩm cao su và nhựa, kim loại, đồ nội thất là những nhóm ngành ghi nhận tăng trưởng hai con số so với tháng trước.
“Lần đầu tiên sau năm tháng, chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) vượt qua ngưỡng 50 điểm,” báo cáo nhận định.
Ngay khi các biện pháp được nới lỏng, tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng bốn lần so với tháng trước, từ 4,4% lên 18,1%. Dù vậy, tổng doanh thu vẫn thấp hơn mức 19,5% của cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ tiếp tục phục hồi nhanh hơn so với mức doanh thu của hoạt động bán lẻ hàng hoá. Dịch vụ ước tăng 44,1% và bán lẻ hàng hoá tăng 14,5% so với tháng trước. Tuy nhiên, doanh thu của cả hai lĩnh vực vẫn chưa đạt được mức ghi nhận vào tháng 10 năm ngoái.
Sau hai tháng thâm hụt, ngân sách nhà nước tháng 10 ghi nhận thặng dư 28.000 tỉ đồng (1,2 tỉ USD). Lý do là tổng chi giảm xấp xỉ 19%, tổng thu giảm nhẹ 9,3% so với cùng kỳ khi các hoạt động kinh tế chưa khôi phục hoàn toàn. Nhóm nghiên cứu từ WB cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy chính sách tài khóa thắt chặt tiếp tục được thực hiện, không hỗ trợ tổng cầu trong quá trình phục hồi.
Chi tiêu công ghi nhận giảm ở cả khoản chi để đầu tư phát triển lẫn chi thường xuyên. Trong 10 tháng đầu năm, ngân sách thặng dư gần 75.000 tỉ đồng (3,2 tỉ USD). Tổng chi giảm 8,8% trong khi tổng thu tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Với tiến độ giải ngân chậm của vốn đầu tư công, chính phủ chỉ vay mức vốn khiêm tốn 15.600 tỉ đồng trên thị trường trong nước trong tháng 10, nâng tổng vay nợ tính từ đầu năm lên 264.400 tỉ đồng (14,4 tỉ USD), tương đương 75,5% kế hoạch năm.
Báo cáo đề xuất ba vấn đề cần lưu tâm cho chính phủ Việt Nam trong giai đoạn phục hồi sau khi mở cửa, bao gồm đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, chủ động trong việc thực hiện chính sách tài khoá và tiếp tục theo dõi sức khoẻ của khu vực tài chính.
Nhóm nghiên cứu từ WB phân tích thêm, việc triển khai tiêm vaccine nhanh chóng và cách ly là quan trọng nhất khi ca nhiễm dự kiến tăng lên tỷ lệ thuận với sự gia tăng về tần suất di chuyển và tiếp xúc.
Chính sách tài khóa chủ động hơn sẽ hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế. Đặc biệt, các tác giả báo cáo cho biết họ kỳ vọng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong hai tháng cuối năm sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước vốn đang bị suy giảm nghiêm trọng. Cuối cùng, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công sẽ hỗ trợ tổng cầu trong khi đẩy mạnh các chính sách trợ giúp xã hội sẽ kéo cầu từ khu vực tư nhân tăng lên.
1 năm trước
Dò đường đến kỷ nguyên mới2 năm trước
Kinh tế vĩ mô Việt Nam trong bối cảnh mới1 năm trước
Giáo dục là chìa khóa của phát triển3 năm trước
Dự báo tương lai kinh tế Việt Nam hậu đại dịch