Startup trong lĩnh vực công nghệ giáo dục (edtech), Marathon Education vừa công bố nhận đầu tư vòng hạt giống từ Vulcan Capital cùng các quỹ khác.
Vulcan Capital là quỹ dẫn dắt vòng vốn hạt giống đầu tư vào Marathon cùng các quỹ khác như Forge Ventures, DSG Consumer Partners, Goodwater Capital…
Số vốn huy động không được hai bên công bố, tuy nhiên đại diện Marathon cho biết nguồn vốn sẽ được dành cho việc phát triển sản phẩm trong năm 2023 cũng như mở các khóa học lập trình và cải tiến công nghệ hiện tại.
Các trung tâm trải nghiệm “từ trực tuyến đến ngoại tuyến” cũng sẽ được đội ngũ Marathon mở rộng đến các địa phương khác bên cạnh các địa điểm tại Hà Nội và TP.HCM hiện nay.
Được thành lập năm 2021 bởi hai đồng sáng lập Phạm Đức và Trần Tùng. Marathon phát triển nền tảng cung cấp các lớp học trực tuyến dành cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 (K-12).
Hồi tháng 8.2021, Marathon cũng đã huy động vòng vốn tiền hạt giống 1,5 triệu USD từ các nhà đầu tư như Forge Ventures, Venturra Discovery, iSeed…
Startup này bắt đầu tuyển sinh đầu năm nay với mô hình lớp học có số lượng mỗi lớp 10-15 học viên hoặc học 1:1 theo lớp gia sư. Hiện nền tảng cũng cho phép người học truy cập tất cả các môn học bổ sung cho chương trình giảng dạy của bộ Giáo dục và cung cấp các khoá học IELTs.
Trong vòng tháng 9 vừa qua, thị trường chứng kiến dòng vốn sôi động vào các edtech tại Việt Nam, như Virtual Internships huy động 14,3 triệu USD, Vui Học nhận đầu tư 2 triệu USD, Jungle Ventures dẫn dắt khoản đầu tư 14 triệu USD vào Edupia… Năm 2021, có 11 thương vụ đầu tư vào lĩnh vực edtech tại Việt Nam với tổng giá trị hơn 108 triệu USD.
Theo Báo cáo của Nextrans, các sản phẩm edtech được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam bao gồm SMS (Hệ thống quản lý trường học), LMS (Hệ thống quản lý học tập) và CLS (Hệ thống học liệu & học tập).
Lĩnh vực công nghệ giáo dục tại Việt Nam được đánh giá còn non trẻ và thu hút khoảng 180 công ty đang hoạt động, bao gồm các startup có trụ sở ở nước ngoài như Duolingo, Elsa Speak, Quizlet…
Dữ liệu từ Bain & Company ước tính, trung bình mỗi gia đình Việt Nam chi khoảng 20% thu nhập vào giáo dục cho con cái, so với 6-15% ở các nước Đông Nam Á khác.
Mặc dù là một thị trường có doanh thu hàng năm 2 tỉ USD, nhưng theo đội ngũ Marathon, mức độ thâm nhập các công cụ trực tuyến vào hoạt động dạy và học tại Việt Nam ở mức thấp, chỉ khoảng 3%. Trong khi đó, thị trường ngoại tuyến còn phân mảnh, người học còn khó tiếp cận các giáo viên hàng đầu hoặc chất lượng không đồng nhất…
Cũng theo báo cáo của Nextrans, hầu hết các dịch vụ edtech tại Việt Nam đang ở công đoạn số hóa học liệu, ghi âm bài giảng, cung cấp ngân hàng câu hỏi cho các kỳ thi… Các ứng dụng công nghệ mới như AI, VR, AR chưa được khai thác để tạo môi trường học tập đa chiều, là một trong các lý do dẫn đến tỷ lệ hoàn thành khóa học và quay lại học còn thấp.
1 năm trước
1 năm trước
Giáo dục là chìa khóa của phát triển2 năm trước