Bức tranh gốc ông Phan Minh Thông, nhà sáng lập, Chủ tịch Phúc Sinh, người được gọi là “vua hồ tiêu” Việt Nam mua cách đây 13 năm hiện tăng giá gấp 11 lần. Ông Thông cho rằng, đầu tư hội họa có lợi nhuận tốt hơn bất động sản.
Share this:
Chia sẻ tại buổi ra mắt cuốn sách mang tên: “Nông sản Việt Nam và thế giới: Những câu chuyện kinh doanh” diễn ra ngày 9.1.2025, ông Phan Minh Thông nói về sở thích sưu tầm tranh và cách biến nó thành một nguồn thu nhập tốt.
Ông Thông cho biết, cách đây 13 năm, ông bắt đầu đến với hội họa khi muốn mua tranh treo ở những mảng tường trống trong nhà. Ông Thông chọn mua một bức tranh gốc với giá 5.500 đô la Mỹ, như cách nhiều khách hàng, đối tác ông quen biết đang làm bấy giờ. Khi chia sẻ bức tranh với nhiều người, ông Thông được họ nhờ tìm chọn cho một bức tranh khác.
“Tôi bán được mấy bức. Bán xong rất thích vì bán tranh dễ hơn bán tiêu, bán cà phê. Tranh thì mình không phải chịu trách nhiệm chất lượng,” ông Thông nói vui.
Những năm tiếp theo, ông Thông trở thành nhà sưu tập, nhà đầu tư tranh và có được nguồn thu nhập tốt từ tranh. Nguyên nhân, theo ông Thông, vì nhiều khách hàng nước ngoài rất thích tranh Việt Nam. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, thị trường tranh tại Việt Nam phát triển khi người giàu gia tăng và có nhu cầu sưu tập tác phẩm hội họa.
“Đầu tư tranh còn tốt hơn bất động sản,” ông Thông đánh giá và cho biết, bức tranh ông mua giá 5.500 đô la Mỹ nay đã tăng lên 60.000 đô la Mỹ.
“Vua hồ tiêu” cho biết, hội họa và viết lách là cách để ông thư giãn, cân bằng sau những giờ làm việc căng thẳng. Sau cuốn sách đầu tiên “Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh” đã bán hết 15.000 bản, đang thực hiện tái bản lần thứ 4.
Cuốn thứ hai “Vượt lên, những con đường kinh doanh” đã được xuất bản ở Đức sau khi phát hành trong nước. Ông Thông vừa giới thiệu cuốn sách thứ ba kể về hành trình đưa nông sản Việt Nam chinh phục những thị trường quốc tế.
Ông Phan Minh Thông sáng lập Phúc Sinh năm 2001 và đã dẫn dắt doanh nghiệp này trở tập đoàn xuất khẩu nông sản hàng đầu Việt Nam với doanh thu hơn 320 triệu USD năm ngoái. Năm 2017, ông Thông “quay về” thị trường nội địa bằng thương hiệu cà phê K Coffee và sản phẩm tiêu sấy lạnh K Pepper.