Tài chính

VN-Index tiến sát 1.400 điểm: Kỳ vọng vẫn đến từ cổ phiếu ngân hàng

1 ngày trước
Tác giả Gia Lộc

Cổ phiếu ngân hàng, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, tiếp tục được kỳ vọng sẽ dẫn dắt thị trường chinh phục mục tiêu mới của năm nay, dù đã ghi nhận mức tăng nhất định.

Share
this:

Kết phiên giao dịch ngày 1.7.2025, VN-Index tiếp tục tăng điểm và thiết lập mức đỉnh mới tại 1.377,84 điểm. Nhiều công ty chứng khoán nhận định chỉ số này có khả năng tiếp tục chinh phục ngưỡng 1.400 trong ngắn hạn.

Tuy thị trường chung tăng điểm, sắc đỏ vẫn lan rộng ở nhiều nhóm ngành. Sự hồi phục cuối phiên chủ yếu đến từ các cổ phiếu du lịch – giải trí (+2,18%), hóa chất (+1,02%) và ngân hàng (+0,68%).

Đặc biệt, nhóm cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn như VCB, BID, TCB, MBB và HDB tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong việc nâng đỡ VN-Index. Đây được xem là nhóm ngành dẫn dắt thị trường không chỉ trong ngắn hạn mà cả trung hạn.

Xu hướng nợ xấu toàn ngành tăng trong quý I.2025, nhưng các tổ chức tín dụng nhận định tỷ lệ nợ xấu có chiều hướng giảm nhẹ trong quý II.2025. Nguồn: FinSuccess

Trong 6 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng mạnh dưới nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy nền kinh tế. Tính đến ngày 18.6.2025, tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,73 triệu tỷ đồng, tăng 7,14% so với đầu năm và tăng 18,71% so với cùng kỳ năm trước, theo Ngân hàng Nhà nước.

Về lợi nhuận, các báo cáo từ Chứng khoán Vietcombank (VCBS) và Chứng khoán MB (MBS) đều nhận định ngành ngân hàng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong quý II.2025.

Ngân hàng có vốn hóa lớn Vietcombank ước tính tổng tài sản đến hết quý II đạt hơn 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với cuối năm 2024. Dư nợ tín dụng sau hỗ trợ từ nền tảng VCBNeo ước tăng hơn 5% so với cuối năm trước, trong khi tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1%.

Tương tự, VietinBank ghi nhận dư nợ tín dụng ước tăng khoảng 10%, huy động vốn tăng hơn 9% so với cuối năm 2024.

Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III.2025 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho thấy phần lớn các nhà băng nhận định tình hình kinh doanh và lợi nhuận trước thuế trong quý II đã cải thiện rõ rệt so với quý I.

Xu hướng trên được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm nhờ nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng tăng lên, đặc biệt là nhu cầu vay vốn.

Một yếu tố hỗ trợ tích cực khác là tỷ lệ nợ xấu có dấu hiệu giảm nhẹ trong quý II và dự báo sẽ giảm mạnh hơn trong quý III.2025, khi Nghị quyết 42 chính thức được luật hóa, giúp các ngân hàng có thêm công cụ pháp lý để thu giữ tài sản đảm bảo và xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.

Anh Vũ Thành Huy, Quản lý danh mục đầu tư tại Công ty Cổ phần Đầu tư FinSuccess, nhận định cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm hấp dẫn trong thời gian tới. Định giá đang ở mức thấp trong lịch sử, trong khi triển vọng hoạt động kinh doanh dự kiến cải thiện mạnh từ nửa cuối 2025 sang năm 2026.

Anh Huy cho rằng luật hóa Nghị quyết 42 sẽ đặc biệt có lợi cho các ngân hàng bán lẻ có khẩu vị rủi ro cao như VPB, VIB… nhờ giúp thu hồi nợ nhanh hơn và ghi nhận lợi nhuận từ các khoản nợ xấu đã xử lý trước đó.

Tuy nhiên, ngành ngân hàng vẫn đối mặt với một số thách thức. Trong bối cảnh sức mua tiêu dùng còn yếu và nhu cầu vốn chỉ tập trung ở một số nhóm doanh nghiệp, các ngân hàng buộc phải cạnh tranh về lãi suất đầu ra để thúc đẩy tín dụng. Điều này khiến biên lãi ròng (NIM) bị thu hẹp. Trong khi đó, chi phí vốn (COF) tuy đang đi ngang ở vùng đáy, nhưng mặt bằng CASA (tiền gửi không kỳ hạn) giảm nhẹ lại tạo áp lực lên chi phí huy động vốn.

Theo anh Huy, chất lượng tài sản cũng là yếu tố cần theo dõi khi một số ngân hàng buộc phải gia tăng trích lập dự phòng do cải thiện chậm hơn kỳ vọng. Điều này phần nào khiến đà tăng trưởng toàn ngành chưa thực sự bứt phá trong thời gian vừa qua.