Các giải pháp công nghệ cho lĩnh vực y tế do Viettel phát triển đã được kích hoạt mạnh mẽ trong đại dịch COVID-19.
Ngày mùng 6 Tết Canh Tý, tám ngày sau khi Việt Nam ghi nhận ca nhiễm virus Sars-Cov-2 đầu tiên, cuộc họp khẩn cấp ứng phó với đại dịch COVID-19 từ điểm cầu ở bộ Y tế được kết nối đến 22 bệnh viện cả nước thông qua hệ thống cầu truyền hình. Bộ phận triển khai hạ tầng của Viettel cũng lần đầu phản ứng thần tốc với đại dịch, trong vòng 36 tiếng họ phải hoàn thành hệ thống này để hỗ trợ bộ Y tế trong tình huống khẩn cấp.
Cầu truyền hình này trở thành kênh quan trọng hỗ trợ bộ Y tế điều phối ngành và đội ngũ bác sĩ tại các cơ sở y tế trên toàn quốc tham gia hội chẩn chuyên môn trong tình hình dịch bệnh. Cùng với 23 điểm cầu từ bộ đến các bệnh viện, Viettel cũng hỗ trợ mở 700 điểm cầu nối đến các tuyến xã – huyện, tỉnh thành để bộ Y tế kịp thời chỉ đạo, các bác sĩ tại các địa phương cập nhật tình hình, chủ động phòng chống dịch bệnh. Tiếp đến, tổng đài 1900 9095 hỗ trợ tư vấn về dịch bệnh COVID-19 cũng được thiết lập theo đề nghị của Bộ Y tế.
Hạ tầng kỹ thuật của ngành y tế đã bị quá tải trong đại dịch cũng là lúc nguồn lực của các công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam được huy động tối đa. VNG, Bkav, Viettel, VNPT… đều cùng chạy nước rút để thực hiện nhiều giải pháp. Có thể nói đại dịch COVID-19 cũng đã “giúp quảng bá” các giải pháp y tế của tập đoàn quân đội vốn chủ yếu được người dùng nhận diện trong lĩnh vực viễn thông. Dữ liệu ghi nhận, đội ngũ Viettel mất sáu ngày để hoàn thiện ứng dụng “Sức khỏe Việt Nam” và mất hai ngày để hoàn thành hệ thống “Tờ khai y tế điện tử” hỗ trợ cho bộ Y tế.
Hệ thống quản lý khai báo y tế phòng chống COVID-19 được Viettel nhanh chóng triển khai đến tất cả các cửa khẩu, đảm bảo toàn bộ khách nhập cảnh vào Việt Nam qua đường hàng không, đường bộ, hàng hải đều được kiểm soát y tế. Tổng lượt tờ khai lũy kế đến nay lên hơn 25 triệu lượt. Trong khi cổng thông tin Sức khỏe Việt Nam đến nay với 43 triệu lượt truy cập và 1,6 triệu lượt tải ứng dụng về di động, đã hỗ trợ cho bộ Y tế cung cấp các thông tin, cập nhật tức thời diễn biến dịch, đồng thời là công cụ tự đánh giá nguy cơ, báo cáo ca bệnh nghi ngờ giúp cơ quan y tế rà soát, cung cấp các khuyến cáo và hướng dẫn tự bảo vệ bản thân.
Trên nền tảng công nghệ sẵn có, từ nguồn quyên góp 19 tỉ đồng của nhân viên, tháng 6.2020, một trung tâm Hội chẩn từ xa phục vụ khám chữa bệnh, phòng chống COVID-19 được Viettel triển khai gồm trung tâm hạt nhân (bộ Y tế và 27 bệnh viện hạt nhân) kết nối đến các trung tâm vệ tinh (gồm 150 bệnh viện tuyến huyện và tỉnh) để tạo thuận tiện trong việc điều trị tại chỗ, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và quá tải do chuyển tuyến. 178 trung tâm hội chẩn từ xa này đã tạo nên một hệ thống giúp huy động được nguồn lực hội chẩn liên viện, giúp các y bác sĩ hội chẩn các ca bệnh kịp thời và lên phương án điều trị hiệu quả.
Một bước tiến quan trọng, đến tháng 9.2020, bộ Y tế chính thức khai trương 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa (Telehealth), kết nối 27 bệnh viện tuyến trên đến các bệnh viện tuyến dưới bao gồm cả vùng núi và hải đảo qua giải pháp Viettel Telehealth. Sự kiện này được đánh giá là một trong những bước tiến đột phá trong quá trình chuyển đổi số của ngành y tế. Nền tảng cung cấp cho bộ Y tế được Viettel cấp tốc triển khai trong gần hai tháng, phổ cập đến tất cả các điểm y tế từ trung ương đến huyện xã, đồng thời cho phép kết nối với nhiều hệ thống phần mềm y tế khác nhau để thúc đẩy hoàn thiện hệ sinh thái y tế Việt Nam.
Cho đến nay hệ thống này được Viettel triển khai đến 1.300 cơ sở, cung cấp giải pháp ứng dụng IT và viễn thông để nhân viên y tế tra cứu lịch sử khám bệnh, hình ảnh phim chụp và các kết quả xét nghiệm, từ đó đánh giá, chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân ở các cơ sở y tế tuyến dưới. Cựu thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám bệnh từ xa lúc đó (ngày 25.9.2020) đã nhấn mạnh: “Mở rộng hoạt động khám chữa bệnh từ xa có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đổi mới của ngành y tế nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh toàn tuyến, hướng tới sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế. Người dân cả nước tại bất cứ đâu đều có cơ hội tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao nhất của tuyến trên.”
Quyền chủ tịch kiêm tổng giám đốc tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng cho biết, những giải pháp tạo ra trong giai đoạn đại dịch COVID-19 nhưng lại là thành quả của cả mười năm Viettel nỗ lực xây dựng hệ sinh thái y tế. Ông nói chiến lược tham vọng của tập đoàn là tiếp tục đầu tư nguồn lực để mở rộng hệ sinh thái các giải pháp Telehealth, ứng dụng các công nghệ mới như 3D trong mổ nội soi, đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào hỗ trợ chẩn đoán, đầu tư cho công nghệ thực tế ảo giúp mô phỏng giải phẫu học, hỗ trợ điều hướng phẫu thuật, ứng dụng chuỗi khối (blockchain) trong xác thực bệnh án hay làm giàu khoa học dữ liệu (DataScience) y tế…
Hiện tại, Viettel đã cùng bộ Y tế hoàn thiện gần 20 hệ thống hướng tới tiếp cận người dân theo cách chủ động theo dõi và quản lý sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật. Các giải pháp nổi bật như hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia triển khai ở 63 tỉnh thành với 14 ngàn cơ sở và hơn 20 triệu người sử dụng… Đây cũng là cơ sở triển khai chương trình tiêm vaccine COVID-19 và cung cấp công cụ giám sát thông tin người đã tiêm chủng.
Thống kê của tập đoàn cho biết đang hỗ trợ quản lý lượng dữ liệu hồ sơ sức khỏe của 19 tỉnh thành với 3.900 cơ sở, trong đó có 4,2 triệu hồ sơ liên thông, 5 triệu hồ sơ tạo lập 5,6 triệu hộ khẩu và 18 triệu nhân khẩu. Viettel cũng xây dựng hệ thống kết nối mạng cung ứng thuốc toàn quốc, quản lý cơ sở dữ liệu dược quốc gia, hệ thống quản lý bệnh viện đến 40 tỉnh thành với hơn 200 bệnh viện và 3.800 cơ sở y tế….
Người điều hành tập đoàn kinh tế chủ lực của quốc gia nói sẽ “cộng hưởng sức mạnh để xây dựng một Việt Nam khỏe mạnh và cường thịnh”. Các cam kết của Viettel được ông Lê Đăng Dũng nhấn mạnh: sẽ cùng ngành y tế xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám chữa bệnh hình thành các bệnh viện thông minh, xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh.
—-
Theo Forbes Việt Nam số 95, phát hành tháng 6.2021.
1 năm trước
2 năm trước
Công nghệ y tế ở Việt Nam: Lạc quan chừng mực10 tháng trước
Forbes Việt Nam số 125 & 126: Cơ hội mới, vận hội mới