multi-media / Megastory

Việt Nam thành điểm tựa xuất khẩu của “ngôi sao” ngành lốp xe Sailun

Nhạy bén với thời cuộc, ngôi sao đang lên của ngành lốp xe Trung Quốc sớm tạo dựng cứ điểm xuất khẩu ở phương Nam, một điển hình thành công và là niềm cảm hứng cho các doanh nghiệp đồng hương.

Năm 2008, hội đồng quản trị tập đoàn sản xuất lốp xe Sailun nổ ra cuộc tranh luận khá gay gắt. Nhiều lãnh đạo cao cấp chuyển từ ngỡ ngàng sang phản đối dữ dội khi nhà sáng lập Tập đoàn Sailun, Chủ tịch Viên Trọng Tuyết, nêu ý tưởng đầu tư hơn một tỉ đô la Mỹ vào Việt Nam.

Nhiều câu hỏi lớn được đặt ra lúc đó: vì sao phải mạo hiểm rót một số tiền lớn trong khi thị trường Trung Quốc vẫn đang phát triển bùng nổ, chuỗi cung ứng sẵn có và đầy đủ? Nếu phải đầu tư ra nước ngoài thì tại sao là Việt Nam mà không phải là một quốc gia đã định hình được ngành công nghiệp xe hơi như Thái Lan hay Malaysia?

“Ông Viên là một nhân vật truyền kỳ của ngành lốp xe Trung Quốc. Từ khi công ty mới thành lập năm năm, ông đã tính tới khả năng Hoa Kỳ sẽ áp thuế nhập khẩu đối với ngành săm lốp,” ông Tào Quốc Cường – Phó chủ tịch phụ trách sản xuất tập đoàn Sailun kiêm Tổng giám đốc Sailun Việt Nam, bình luận trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Forbes Việt Nam.

“Và ông ấy còn đúng thêm một lần nữa khi chọn Việt Nam để làm cứ điểm sản xuất quốc tế quan trọng nhất,” vị CEO sinh năm 1986 nhấn mạnh.

Nhờ quyết tâm của chủ tịch Viên Trọng Tuyết, Sailun không chỉ đại diện cho ngành săm lốp Trung Quốc mà còn là một trong số ít công ty đầu tiên tại quốc gia 1,5 tỉ dân chuyển dịch sản xuất ra nước ngoài năm 2008.

Sau khi khảo sát, Sailun xây dựng nhà máy đầu tiên ở Tây Ninh, là nhà máy lớn nhất của tập đoàn bên ngoài Trung Quốc cho đến nay. Dự án thứ hai là nhà máy lốp toàn thép ACTR nằm kế cận được Sailun góp vốn cùng Tập đoàn Cooper (Mỹ) năm 2020, với tỉ lệ sở hữu 65%.

Sailun hiện đứng thứ 10 về doanh số săm lốp toàn cầu theo bảng xếp hạng của tạp chí chuyên ngành Tire & Accessories (Anh) xuất bản tháng 6.2024. Tại Việt Nam, Sailun là nhà xuất khẩu lốp xe lớn nhất ra thế giới, với hơn 95% sản lượng dành cho thị trường quốc tế, chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành săm lốp.

Với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỉ đô la Mỹ, cụm hai nhà máy tại Tây Ninh là cứ điểm sản xuất lớn nhất của Sailun, với khoảng 7.000 nhân công, đóng góp 25% tổng sản lượng và khoảng 20% doanh thu của tập đoàn mẹ. Thị trường chính của Sailun gồm Mỹ và châu Âu, một số sản phẩm lốp công nghệ mới còn được xuất ngược từ Việt Nam về Trung Quốc.

Mỗi năm, Sailun Việt Nam sản xuất 16 triệu bộ lốp xe hơi dân dụng, 26.000 tấn lốp công trình (OTR) và khoảng 2,6 triệu tấn bánh xích cao su. Trong đó, nhà máy ACTR có diện tích 16,4 héc ta chỉ sản xuất loại lốp toàn thép (TBR) với sản lượng khoảng 2,65 triệu bộ lốp mỗi năm.

Ông Tào Quốc Cường – Phó chủ tịch phụ trách sản xuất tập đoàn Sailun kiêm Tổng giám đốc Sailun Việt Nam.

Sản lượng còn lại tập trung ở nhà máy Sailun Việt Nam, hiện trong quá trình nâng cấp, mở rộng từng phần sau thời gian dài hoạt động. Tổng diện tích nhà xưởng của cả hai nhà máy là khoảng 82 héc ta.

Ông Tào Quốc Cường thoăn thoắt pha vòng trà mới mời khách, vừa nói với giọng điệu hào sảng đặc trưng của doanh nhân Trung Quốc: “Chúng tôi chủ trương trân trọng nhân tài bản địa, chỉ cần có tài năng là sẽ thăng tiến nhanh. Hiện công ty chỉ có 80 nhân sự người Trung Quốc nhưng mục tiêu giảm xuống còn 20 người. Ngay cả các giám đốc cấp cao hiện đã có các nhân sự người Việt đảm trách.”

Không chỉ giới hạn tại Việt Nam, nhân sự người Việt còn sang Campuchia nắm giữ hầu hết các vị trí sản xuất và quản lý quan trọng tại nhà máy lốp toàn thép Sailun mới hoàn tất xây dựng ở tỉnh Svay Riêng.

Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Sailun Việt Nam nằm chung với bộ phận kinh doanh ở tòa nhà số 566 quốc lộ 13, thành phố Thủ Đức (TP.HCM). Đây là trung tâm thứ tư của tập đoàn trên thế giới, bên cạnh cơ sở ở chính quốc, Mỹ và châu Âu. Trung tâm này có nhiệm vụ phát triển các sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và khu vực Đông Nam Á, giúp cho bộ máy của Sailun ở Việt Nam khép kín chu trình từ nghiên cứu đến sản xuất và kinh doanh.

Theo ông Tào Quốc Cường, cơ sở của Sailun Việt Nam là nơi duy nhất ngoài Trung Quốc có thể sản xuất sản phẩm với công nghệ tân tiến nhất của tập đoàn – công nghệ đúc lỏng hoàng kim (liquid gold). Đây là công nghệ lốp được cho là tăng cường tính năng chống mài mòn, có lực cản lăn thấp trong khi không làm giảm khả năng chống trượt. Nhờ vậy, lốp Sailun được cho phù hợp với các dòng xe điện và xe lai xăng điện (hybrid).

Do nhu cầu xe điện tại Trung Quốc lớn, nhà máy Việt Nam đang xuất ngược các sản phẩm lốp xe điện về chính quốc. Tại Việt Nam, các mẫu xe VF3 và VF5 của hãng VinFast cũng bắt đầu trang bị dòng lốp này.

Quá trình phát triển của Sailun dưới thời chủ tịch Viên Trọng Tuyết có thể miêu tả ngắn gọn bằng hai chữ ‘thần tốc’. Thành lập năm 2002 tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, ‘tay đua’ Sailun đứng vào top 5 nhà sản xuất lốp lớn nhất nước chỉ sau một thập niên, đúng dịp nhà máy ở Tây Ninh đi vào hoạt động.

Theo ông Tào Quốc Cường, Sailun dành khoảng mười năm tiếp theo thẳng tiến lên vị trí thứ hai về doanh số, với số lượng bằng sáng chế dẫn đầu ngành lốp xe Trung Quốc. Trên bình diện toàn cầu, Sailun ở vị trí top 2 công ty tăng trưởng nhanh nhất trong danh sách 25 thương hiệu lốp xe giá trị nhất toàn cầu, do Brand Finance tính toán (Top 25 năm 2024).

Đà tăng tốc mạnh mẽ của Sailun được hậu thuẫn bởi bệ phóng công nghệ và chính sách hợp tác quốc tế khôn ngoan. Chủ tịch Viên Trọng Tuyết xuất thân là giáo sư khoa cơ khí vật liệu tại Đại học Khoa học Kỹ thuật Thanh Đảo, chủ nhiệm dự án khai sinh ra Tập đoàn cơ khí Mesnac năm 2000.

Theo bình chọn của ấn bản khoa học European Rubber Journal, Mesnac là hãng cung ứng máy sản xuất lốp xe số một thế giới tính theo doanh số năm 2023. Sailun ra đời từ dự án trình diễn về công nghệ để phục vụ cho hãng cơ khí Trung Quốc và nhiều đối thủ lớn ngày nay của Sailun đang sử dụng máy móc do “anh ruột’’ Mesnac làm ra.

Ngay tại Việt Nam, Công ty Cao su Đà Nẵng, nhà sản xuất lốp nội địa hàng đầu thị trường, cũng đang sử dụng công nghệ được chuyển giao từ “đứa con cả” của ông Viên Trọng Tuyết.

Nhờ mối quan hệ tương hỗ cùng Mesnac, Sailun đứng đầu ngành công nghiệp cao su Trung Quốc về số bằng sáng chế, dù trên danh nghĩa công ty chỉ chi khoảng 5% doanh thu vào R&D. Nhà máy mới xây của Sailun tại Campuchia có khả năng tự động hóa cao nhất ngành lốp thế giới, có thể hoạt động không nghỉ, như cách nói vui của nhân sự công ty là “đêm không cần bật đèn.”

Với vị thế tiên phong và chủ động nhất ngành lốp Trung Quốc trong việc tiến ra thế giới, Sailun chủ trương hợp tác với các hãng lốp lớn của Âu Mỹ để tận dụng dữ liệu và nguồn quan hệ khách hàng, mở khóa các thị trường này. Điển hình trong số này là mối quan hệ với Cooper, hãng lốp từng lớn thứ hai của nước Mỹ, trong dự án ACTR ở Việt Nam và một dự án khác ở quê nhà.

Trong đó, Sailun nắm toàn bộ công nghệ và sản xuất, còn Cooper với 35% cổ phần, là bên chủ đạo trong bán hàng và tiếp thị. Chiến lược này tiếp tục được áp dụng cho nhà máy đang xây dựng tại Mexico, với sự kết hợp cùng hãng lốp bản địa Tire Direct.

Là một công ty mới nổi, các lãnh đạo của Sailun đều ở độ tuổi khá trẻ. Tất cả các tổng giám đốc của bảy nhà máy của tập đoàn Sailun đều thuộc thế hệ 8X. Chủ tịch Viên Trọng Tuyết và dàn lãnh đạo kỳ cựu cũng lui về hậu trường. Một dàn lãnh đạo mới, trẻ trung hơn được bổ nhiệm từ tháng 1.2023.

Sinh năm 1986, ông Tào Quốc Cường lên nắm giữ vị trí phó chủ tịch phụ trách mảng sản xuất bên ngoài Trung Quốc năm 2023, trên thực tế là vị lãnh đạo cao cấp nhất của tập đoàn đang làm việc tại Việt Nam. Ông đùa rằng: “nhanh tới mức không kịp đào tạo đủ CEO” cho các nhà máy Campuchia, Indonesia và Mexico, sẽ đi vào sản xuất trong thời gian tới.

Viễn kiến của ông Viên Trọng Tuyết không những giúp tập đoàn tránh được lần Mỹ đánh thuế nhập khẩu đối với sản phẩm lốp xe Trung Quốc năm 2018, mà còn chiếm được lợi thế trước các đối thủ chọn đổ tiền vào Thái Lan như Michelin, Bridgestone, Goodyear, Continental.

Hai năm qua, Bộ Thương mại Mỹ đã mở cuộc điều tra bán phá giá nhắm vào mặt hàng lốp xe xuất khẩu từ xứ Chùa Vàng, dự kiến sẽ áp thuế vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.

“Rất nhiều người chất vấn Viên chủ tịch, vì sao lại chọn Việt Nam, thời đó còn kém quá xa Thái Lan,” Tào Quốc Cường cười nói, “Thật ra, ngài ấy đã đoán được Thái Lan sẽ sớm theo chân Trung Quốc chịu áp thuế từ Hoa Kỳ, thay vào đó đổ tiền vào Việt Nam giúp Sailun tranh thủ hàng chục năm ưu đãi.”

Theo ông Cường, số vốn tỉ đô và danh tiếng tại quê nhà khiến cho việc Sailun đầu tư thành công, trở thành người dẫn đường và hỗ trợ cho hàng loạt doanh nghiệp đồng hương theo chân Nam tiến.

Sailun đến Phước Đông, Tây Ninh với tư cách là công ty đầu tiên của khu công nghiệp, khi hạ tầng đường sá, điện nước còn sơ sài lạc hậu. Nay thì khu công nghiệp này đã kín chỗ với hầu hết là công ty Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Không thiếu những dự án tầm cỡ, có quy mô lớn từ hàng trăm triệu đô la Mỹ như Brotex, Billion Industry, Jinyu Tire, Gain Lucky, Hansol, Ilsin…

“Khi chúng tôi mới đến, Việt Nam chỉ mới có vài ba nhà sản xuất lốp từ nước ngoài. Nay thì đã có đến 14 công ty FDI, trong đó có sáu cái tên đến từ Trung Quốc,” Tào Quốc Cường cho biết.

Công suất lớn của Sailun Việt Nam còn tạo làn sóng mở rộng đầu tư khác, hình thành hệ sinh thái hỗ trợ cung ứng nguyên vật liệu cho nhà máy. Có thể kể đến những cái tên như KOLON (cung cấp nylon), Bekaert, Hyosung (sợi thép, dây tanh lốp), Samho (hóa chất), Đại Vạn Phú (tinh dầu)… Cùng với đó còn có hơn 40 nhà cung cấp nguyên liệu cao su trong nước, phần lớn thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).

Cuộc phỏng vấn với vị CEO 8X bị cắt ngang bởi một cú điện thoại chớp nhoáng từ tổ hợp Formosa Hà Tĩnh, thông báo họ đã nội địa hóa thành công loại sợi thép đạt chuẩn cho Sailun, và hy vọng ông Tào giới thiệu để tham gia cung ứng nguyên liệu.

Tào Quốc Cường kết thúc cuộc gọi với vẻ hào hứng, cho biết không chỉ Formosa, dãy dài các nhà cung ứng sẽ còn nối tiếp bởi những cái tên lớn khác. “Chúng tôi đang thuyết phục một số nhà cung ứng nước ngoài chưa có cơ sở sản xuất ở Việt Nam đến đây đầu tư, trước mắt sẽ là BTK, nhà cung cấp nguyên liệu carbon black từ Ấn Độ”.

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh, Sailun là một trong những điểm sáng trong làn sóng đầu tư từ Trung Quốc, là hệ quả trực tiếp và mạnh mẽ từ thương chiến Mỹ–Trung và nhu cầu đa dạng hóa sản xuất trên toàn cầu sau COVID-19.

Năm 2023, đầu tư trực tiếp từ quốc gia láng giềng phía Bắc thăng hạng, tăng 77% so với năm trước, chủ yếu tập trung vào các dự án sản xuất điện tử, năng lượng và sản xuất gia công hàng hóa.

Nhà máy Sailun Việt Nam xây xong năm 2012 đang được tập đoàn gấp rút nâng cấp công nghệ và mở rộng theo mô hình tự động hóa chung của tập đoàn. Mục tiêu là toàn bộ các khâu sản xuất đều được giám sát bằng camera và cảm biến thông minh, được điều chỉnh thông qua bộ vi xử lý trung tâm.

“Công nghệ và tự động hóa giúp cho chúng tôi tối ưu sản xuất, nhờ đó Sailun có giá và thời gian xử lý đơn hàng chỉ bằng một phần ba so với các hãng Âu Mỹ,” vị đại diện tập đoàn Sailun tại Việt Nam tự tin nói.

Dây chuyền nung lốp (curing) tự động trong nhà máy Sailun Việt Nam.

Số liệu cũng góp phần chứng minh sự tự tin này, khi Sailun Việt Nam đang trong quá trình nhận chuyển giao công nghệ lốp công trình OTR cỡ siêu lớn, nâng năng lực từ sản xuất lốp đường kính tối đa 2,6m lên loại 4,6m và nặng trên 6 tấn. Đây là loại mặt hàng có trị giá và lợi nhuận lớn nhất của tập đoàn, với giá bán lẻ hơn 100.000 đô la Mỹ/chiếc.

Ông Tào Quốc Cường bình luận: “Dựa vào công nghệ và giá trị sản phẩm, Sailun không đầu tư vào Việt Nam vì nhân công rẻ, trên thực tế chúng tôi chỉ cần 70% số lượng nhân công so với nhà máy lốp truyền thống. Quan trọng hơn vẫn là vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, nguồn nguyên liệu chiến lược và sự hỗ trợ lâu dài từ chính phủ.”

Phản hồi về những lo ngại về thói quen đầu tư dồn dập nhưng chuyển hướng cũng chóng mặt, thường thấy ở các công ty Trung Quốc, ông Tào phản bác: “Đó là một định kiến lạc hậu, một khi tình thế thay đổi thì Mỹ, Nhật, Hàn hay Đài Loan (Trung Quốc) cũng ‘bỏ của chạy lấy người’ nhanh chẳng thua ai hết’.”

Theo ông, thị trường cần nhìn vào quy mô cũng như danh tiếng của doanh nghiệp như Sailun đang ngày càng lớn và uy tín cũng ngày càng cao, sẽ vô lý khi tin rằng một khoản đầu tư hàng trăm triệu đô la Mỹ sẽ dễ dàng đến rồi nhanh chóng giũ áo bỏ đi.

“Tên gọi của chúng tôi là Sail-un (Sailing in Unification – Cùng nhau ra biển lớn), tôn chỉ của chúng tôi là Tín nhiệm và Chân thành. Hi vọng tất cả đối tác cùng quan tâm đến lợi ích của nhau một cách lâu dài, bền vững,” CEO Sailun nói.

—————————————————————-

Bản in Forbes Việt Nam số 131&132, tháng 7&8.2024