Vice Media Group đã chính thức đệ đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án và đang tiến hành đàm phán để tìm chủ sở hữu mới.
Vào ngày 15.5, Vice Media Group đã đơn xin bảo hộ phá sản theo chương 11 trong Luật Phá Sản Hoa Kỳ, khi công ty truyền thông số này sẽ được bán lại cho các chủ nợ, dẫn đầu là Fortress Investment Group và Soros Fund Management. Thông tin này đánh dấu sự sụp đổ của Vice Media, công ty từng có định giá 5,7 tỉ USD từ các nhà đầu tư vào năm 2017.
Theo đơn xin bảo hộ phá sản đệ trình lên tòa án quận phía Nam New York, Vice Media đã định giá tài sản và các khoản nợ từ 500 triệu – 1 tỉ USD. Cũng theo hồ sơ, Fortress Investment Group là chủ nợ lớn nhất của Vice Media với khoản vay gần 475 triệu USD.
Trích dẫn từ thông cáo báo chí của Vice Media, New York Times đưa tin, các chủ nợ đã đưa ra lời đề nghị trị giá 225 triệu USD để mua lại Vice Media, tiếp quản phần lớn tài sản và khoản nợ của công ty. Theo một phần trong thỏa thuận, các chủ nợ đồng ý cho Vice Media vay thêm 20 triệu USD để duy trì hoạt động trong khoảng thời gian tiến hành thỏa thuận tiếp quản. Dự kiến, thỏa thuận này sẽ được thông qua trong hai đến ba tháng tới, trừ khi Vice Media nhận được lời đề nghị tốt hơn.
Trước thời điểm đệ đơn xin bảo hộ phá sản, Vice Media từng được định giá 5,7 tỉ USD vào năm 2017, trước đó từ chối lời đề nghị tiếp quản trị giá 3,5 tỉ USD từ tập đoàn Disney năm 2016. Tuy vậy, Vice đã không thể tạo ra lợi nhuận trong nhiều năm qua và thậm chí còn hạ dự báo doanh thu của năm 2022 xuống 100 triệu USD.
Hồi tháng 4.2023, công ty thông báo tiến hành đợt cải tổ quy mô lớn, bao gồm ngừng sản xuất chương trình Vice News Tonight và cắt giảm nhân sự.
Vice Media đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo sau BuzzFeed thông báo dừng hoạt động hoàn toàn bộ phận tin tức, trong bối cảnh các công ty truyền thông số chật vật với việc thị trường quảng cáo suy giảm và khó khăn của nền kinh tế.
Trong thông cáo báo chí được nhiều đơn vị truyền thông đưa tin, hai CEO Bruce Bixon và Hozefa Lokhandwala cho biết thỏa thuận bán Vice Media sẽ “tiếp thêm động lực và giúp công ty tăng trưởng trong dài hạn. Việc này cũng nhằm bảo vệ tính chân thực của báo chí và sáng tạo nội dung, những điều đã giúp Vice trở thành thương hiệu đáng tin cậy dành cho giới trẻ.”
Biên dịch: Minh Tuấn