Du lịch - Ẩm thực

Vì sao Nhật Bản nên đánh thuế du lịch?

Nhật Bản nổi tiếng với sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, đã trở thành điểm đến hàng đầu của du khách toàn cầu 2024.

Share
this:

Sự hấp dẫn ngày càng tăng của Nhật Bản trong mắt du khách, một phần do đồng yên yếu, đã dẫn đến không ít thách thức.

Khách du lịch UAE ở thủ đô Tokyo của Nhật – Ảnh: Nikkei Asia

Khách du lịch quá đông, gây áp lực lên những điểm nổi tiếng của Nhật. Ví dụ các ngôi đền thanh bình ở Kyoto, Tokyo và Osaka. Không gian vốn được ca ngợi vì giúp du khách tĩnh tâm, nay giá trị đó đã không còn, do đám đông ồn ào cùng phương tiện giao thông quá tải.

Ngoài ra, một số di sản văn hóa cổ xưa, và vẻ đẹp thuần tự nhiên, cũng đang bị đe dọa khi khách du lịch tiếp xúc thường xuyên.

Theo Tổng cục Du lịch Nhật Bản, nước này đón 36,87 triệu khách quốc tế năm 2024, tăng tới 47% so với 2023. Xứ mặt trời mọc đang xem xét lại chiến lược du lịch.

Ngoài địa điểm nổi tiếng ở Tokyo và Osaka, giới chức muốn chuyển hướng du khách tới điểm xa xôi hơn bằng tàu cao tốc. Nhật Bản đặt mục tiêu đến 2030 đón 60 triệu du khách quốc tế, nhưng nếu tình hình này tiếp diễn, khả năng cao mục tiêu sẽ đạt được sớm hơn.

Với nhiều người mê du lịch, thủ đô Tokyo hấp dẫn bởi các tòa nhà cao chót vót, trung tâm mua sắm sôi động và cuộc sống về đêm nhộn nhịp.

Ngoài ra, Tokyo còn là địa chỉ lịch sử, với nhiều ngôi nhà gỗ và chợ địa phương từ xa xưa. Khu vực Asakusa, Ueno và Yanaka phong phú với lễ hội, nghệ thuật và làng nghề thủ công.

Thời gian gần đây, người ghé thăm tăng đột biến cùng với sự phát triển nhiều khách sạn mới.

Theo một số phân tích, du khách tham quan trong ngày và ít mua sắm, thường đóng góp rất hạn chế cho kinh tế địa phương, nhưng gây ra vấn đề về môi trường, bảo tồn di tích và quá tải hệ thống giao thông. Ví dụ tuyến đường sắt Enoden đã đạt giới hạn chịu tải, gây áp lực lên ngân sách.

Thời gian qua, truyền thông xã hội góp phần khiến lượng du khách tăng, nhất là TikTok, Facebook và Instagram. Người đi du lịch thường post các bài về nơi nổi tiếng, vô tình giới hạn và làm lu mờ địa điểm khác.

Một số ý kiến cho rằng, cải thiện cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa gói tour và thay đổi nội dung truyền thông xã hội, Nhật Bản có thể truyền cảm hứng cho khách du lịch khám phá nơi mới, tạo thêm lợi ích kinh tế và thúc đẩy sự gắn kết văn hóa.

Du khách đông quá tải không phải vấn đề mới mẻ ở một số nơi trên toàn cầu, như Barcelona, Venice và Paris. Điều này đe dọa đến hệ sinh thái và đẩy cộng đồng người địa phương ra xa thành phố hơn.

Để cân bằng các vùng và giảm tải những nơi trọng điểm, một số quốc gia châu Âu áp dụng thuế du lịch cho người tham quan, phân biệt cư dân địa phương và du khách.

“Thiên đường du lịch” Kyoto của Nhật Bản – Ảnh: Japan Travel

Tại Nhật, chính quyền thành phố Kyoto sắp tăng thuế lưu trú tại khách sạn lên 63 USD mỗi đêm. Một số nhà hàng áp dụng tương tự, tính giá khác giữa người dân địa phương và du khách. Doanh thu tạo ra có thể phân bổ cho sáng kiến bền vững và bảo tồn di tích văn hóa.

Tuy vậy, việc triển khai hiệu quả đòi hỏi cần truyền đạt rõ ràng, để du khách hiểu chương trình vì lợi ích cộng đồng lẫn chính du khách.

Du lịch Nhật Bản đang ở thời điểm quan trọng. Thách thức lớn nhưng có nhiều cơ hội định hình lại. Đánh thuế những nơi đông và hướng du khách tới những nơi vắng hơn đầy bản sắc văn hóa, còn giúp phục hồi các cộng đồng đang già hóa ở nông thôn. Điều này được đánh giá mang lại trải nghiệm đích thực và bền vững cho thế hệ sau.

(Biên dịch: NVP)