Tài chính

Vàng tiếp tục là tài sản an toàn giữa bối cảnh bất ổn toàn cầu

18 giờ trước
Nguồn: The Star

Thời gian gần đây, nhu cầu mua vàng tăng lên đều đặn khi chính sách thương mại của Hoa Kỳ gây ra nhiều sự xáo trộn.

Vàng đang tăng giá do nhu cầu dự trữ cao - Ảnh: CNN

Share
this:

Giới phân tích cho rằng, vàng là tài sản dự trữ an toàn chống lại bất ổn kinh tế, do đó giá có thể tiếp tục lên cao.

Vàng đang tăng giá do nhu cầu dự trữ cao - Ảnh: CNN
Vàng đang được nhiều ngân hàng trung ương thu mua như tài sản dự trữ an toàn. Ảnh: CNN

Ông Stephen Innes từ SPI Asset Management cho rằng, các ngân hàng trung ương ở châu Á và Trung Đông đang tích lũy vàng đều đặn. Đằng sau điều này là mục tiêu đa dạng hóa tài sản, giảm phụ thuộc vào trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ và USD.

Ngày 22.4, giá vàng tăng giá lên mức kỷ lục 3.499 USD/ounce. Như vậy 1 năm qua, giá vàng tăng 26%.

Ông Innes giải thích tiếp: “Các tài khoản tiền thật đang chuyển từ nợ công có lãi suất âm sang tài sản cứng không sinh lời nhưng ổn định. Đây là sự tái cân bằng chiến lược giữa các quỹ công, quỹ vĩ mô và danh mục đầu tư có giá trị ròng cao. Giá vàng tăng cao không ngừng là vậy.”

Tuy nhiên ông Innes lưu ý: “Chúng ta đang trong siêu chu kỳ thanh khoản. Sự thống trị của các ngân hàng trung ương đang dần trở lại, uy tín chính sách của Hoa Kỳ bị giám sát chặt chẽ hơn và sự mệt mỏi về tiền pháp định đang tăng tốc.”

Ông Innes dự đoán trong trung hạn, giá vàng có thể lên tới 4.000 USD/ounce. Đây không phải cú nhảy vọt, mà sự phản ánh hợp lý việc liên tục luân chuyển vốn vào tài sản cứng.

Khi được hỏi nếu đàm phán thuế giữa Hoa Kỳ và đối tác tiến triển, giá vàng có hạ không? Ông Innes đáp không chắc chắn, bởi vấn đề không chỉ ở thuế quan mà còn là lãi suất, Fed và chính sách tiền tệ.

Ông Christopher Wong, chuyên gia ngoại hối của OCBC cho rằng, giá vàng tăng đáng kể thời gian qua một phần đến từ đồn đoán ông Trump muốn cách chức Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Lời đe dọa của ông Trump làm suy yếu nguyên tắc độc lập của Fed, tạo ra nguy cơ chính trị hóa chính sách tiền tệ Hoa Kỳ. Bất kỳ sự gia tăng nào về phí bảo hiểm rủi ro, đều củng cố thêm thị trường vàng.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hoa kỳ vừa dự báo, nợ trên GDP sẽ tăng từ 100% lên 156% trong 30 năm tới. Chi phí lãi suất sẽ tăng lên mức kỷ lục 5,4% GDP.

Ông Wong lưu ý, điều này làm dấy lên lo ngại về sự ổn định bền vững của nợ dài hạn mà Hoa Kỳ đang sở hữu, làm trầm trọng thêm câu chuyện phi USD hóa, và thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng như biện pháp phòng ngừa rủi ro.

Vị chuyên gia của OCBC chia sẻ tiếp: “Chính sách tiền tệ toàn cầu tiếp tục nghiêng về hướng ôn hòa. Các ngân hàng trung ương vẫn đang nới lỏng tiền tệ. Từ góc độ cấu trúc trung hạn, động lực thúc đẩy giá vàng vẫn nguyên vẹn.”

(Biên dịch: NVP)