Ung thư sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu hơn 25 ngàn tỉ USD từ năm 2020 đến năm 2050, theo nghiên cứu được công bố hôm 23.2 trên tạp chí JAMA Oncology.
Đây là một gánh nặng tài chính to lớn cộng với thiệt hại nặng nề về con người, cho thấy cần phải đầu tư vào nỗ lực ngăn chặn căn bệnh này.
Các nhà nghiên cứu ước tính ung thư gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 25,2 ngàn tỉ USD từ năm 2020 đến năm 2050, tương đương với khoản thuế hằng năm 0,55% trên GDP toàn cầu.
Các mô hình kinh tế, dựa trên dữ liệu từ 29 bệnh ung thư ở 204 quốc gia và vùng lãnh thổ chiếm hơn 99% dân số thế giới, đánh giá những chi phí khác nhau liên quan đến tử vong cùng với bệnh tật do ung thư gây ra bao gồm chi phí điều trị, mất sức lao động và năng suất làm việc, cũng như thất nghiệp.
Chi phí, được tính theo giá trị của đồng đô la Mỹ trong năm 2017, không giống nhau ở các nước, trong đó Trung Quốc (6,1 ngàn tỉ USD), Hoa Kỳ (5,3 ngàn tỉ USD) và Ấn Độ (1,4 ngàn tỉ USD) — hiện là ba quốc gia đông dân nhất thế giới — chiếm gần một nửa gánh nặng tài chính toàn cầu.
Chi phí cũng không giống nhau giữa các loại ung thư khác nhau, như ung thư khí quản, phế quản và ung thư phổi (3,9 ngàn tỉ USD) cao hơn 56 lần so với chi phí liên quan đến ung thư trung biểu mô (69 tỉ USD), loại ung thư ít tốn kém nhất trong nghiên cứu.
Ung thư khí quản, phế quản, lẫn phổi, cùng với chi phí liên quan cho ung thư ruột kết và trực tràng (2,8 ngàn tỉ USD), ung thư vú (2 ngàn tỉ USD), ung thư gan (1,7 ngàn tỉ USD) cũng như bệnh bạch cầu (1,6 ngàn tỉ USD), chiếm một nửa chi phí liên quan đến bệnh ung thư trên toàn cầu, các nhà nghiên cứu cho biết.
Những quốc gia giàu có hơn chịu tổn thất kinh tế lớn liên quan đến ung thư, với khoảng 12,8 ngàn tỉ USD, tương đương 0,72% tổng GDP và hơn 10.000 USD/người. Các nhà nghiên cứu cho biết, gánh nặng tài chính ít hơn nhiều ở các quốc gia có thu nhập thấp, tổng cộng ước tính khoảng 168 tỉ USD, tương đương 174 USD/người và khoảng 0,26% GDP. Con số này được đưa ra cho dù trên thực tế những nước đó chiếm hơn 85% dân số thế giới và chịu gánh nặng chính về chi phí cho bệnh ung thư.
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gần 10 triệu ca tử vong do ung thư vào năm 2020. WHO cho biết khoảng một phần ba số ca tử vong do ung thư có liên quan đến hút thuốc, chỉ số khối cơ thể cao, uống rượu, ăn ít trái cây lẫn rau quả cũng như thiếu hoạt động thể chất.
Ung thư luôn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Bên cạnh bệnh tim, ung thư là căn bệnh duy nhất giết chết nhiều người Mỹ hơn COVID-19 trong vài năm qua. Mặc dù số ca tử vong ở Hoa Kỳ đang giảm nhưng ung thư có thể vẫn sẽ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong thời gian tới.
Ung thư có thể là một căn bệnh phức tạp để điều trị. Các nhà nghiên cứu cho biết những kết quả này có thể giúp nhà hoạch định chính sách nhìn thấy bức tranh tổng thể hơn và đưa ra những biện pháp phòng ngừa, tăng cường sàng lọc cũng như chẩn đoán, tiếp cận lẫn phát triển phương pháp điều trị tốt hơn, các sáng kiến để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư, chẳng hạn như đánh thuế thuốc lá cùng với cấm hút thuốc nơi công cộng.
Năm ngoái, Tổng thống Joe Biden thực hiện lại sáng kiến phòng ngừa ung thư “moonshot” mà trước đó ông dẫn đầu thực hiện khi còn là phó tổng thống, với mục tiêu giảm 50% tỉ lệ tử vong do ung thư trong 25 năm tới.
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm
Nuôi cấy nấm ký sinh trên côn trùng: Đột phá về nghiên cứu điều trị ung thư
Ô nhiễm không khí do nhiên liệu hóa thạch gia tăng ung thư phổi ở người không hút thuốc
1 năm trước
Anh nỗ lực phòng chống bệnh lao