Khi phát triển ứng dụng bản đồ số cho xe buýt, Lê Yên Thanh không biết rằng sẽ có lúc tùy biến thành ứng dụng hỗ trợ cho 18 tỉnh thành phòng chống đại dịch thế kỷ COVID-19, bước đệm tạo nên một hệ sinh thái và đưa anh vào danh sách Under 30 năm 2022 của Forbes Việt Nam.
Ánh nắng trưa chói chang, cái nóng như thiêu đốt, đứng ở bên đường, Lê Yên Thanh, 19 tuổi, căng mắt nhìn vào dòng xe cộ cuồn cuộn đổ tới. Tiếng còi xe inh ỏi như khoan vào tai, mùi dầu diesel cháy khét cộng với bụi đường xộc vào mũi không khiến cậu sinh viên đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM bận tâm so với mối lo lắng trễ giờ điểm danh.
Hành trình hằng ngày di chuyển bằng xe buýt từ khu nhà trọ tới giảng đường đập vào mắt chàng trai quê An Giang những bất tiện của phương tiện giao thông công cộng giá rẻ, đặc biệt với người mới hay ít sử dụng: nắng mưa, trễ giờ, nhầm tuyến, không rõ vị trí các bến đỗ dừng trả khách. “Tại sao không có một ứng dụng hỗ trợ những người đi xe buýt di chuyển dễ dàng hơn?” Thanh, người mày mò mua sách tự học lập trình từ năm 12 tuổi thầm nghĩ.
Nhưng anh không tìm ra chìa khóa giải quyết vấn đề với kiến thức lập trình tự học trước đó. Mùa hè năm 2013, Thanh và hai người bạn học mày mò viết được ứng dụng giải quyết vấn đề này. Ban đầu ứng dụng dùng cho hệ điều hành Windows Phone, với các tính năng đơn giản như tra cứu và tìm kiếm đường đi bằng xe buýt tại TP.HCM. Giải nhất trong cuộc thi Tin học trẻ TP.HCM sau đó là sự khích lệ tinh thần nhóm phát triển sản phẩm cho phiên bản hệ điều hành Android và iOS.
“Sau nhiều lần nâng cấp, BusMap trở thành ứng dụng hỗ trợ người đi xe buýt chính thống của TP.HCM và hoạt động vì mục tiêu cộng đồng,” Thanh kể. Anh không biết rằng tiền đề đó sau này giúp anh mở rộng thành một hệ sinh thái, giúp anh vàodanh sách Under 30 năm 2022 của Forbes Việt Nam.
Là ứng dụng miễn phí phục vụ cộng đồng, với khoảng 300 lần nâng cấp, hiện BusMap có khoảng hai triệu lượt tải với hàng chục nghìn người sử dụng mỗi ngày. Hỗ trợ ba ngôn ngữ, BusMap là ứng dụng về giao thông công cộng duy nhất ở Việt Nam trên điện thoại đang hoạt động tại bốn tỉnh thành phố lớn là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Bình Dương. Cứ ba người đi xe buýt ở TP.HCM thì có một người sử dụng ứng dụng BusMap, theo thông tin tự bạch.
Tháng 12.2019, BusMap được triển khai thử nghiệm tại thành phố Bangkok và Changmai (Thái Lan) trên cả hai phiên bản Android và iOS. Đại dịch COVID-19 bùng phát khiến việc mở rộng quốc tế tạm hoãn trong hai năm qua. “Dự kiến năm nay sẽ đẩy mạnh trở lại,” Thanh tự tin nói về kế hoạch của mình.
Trước khi BusMap nhận được nhiều giải thưởng công nghệ và khởi nghiệp, nhóm sinh viên trẻ phải đi từng bước dò dẫm. Sau khi xuất hiện phiên bản Windows Phone (hiện đã bị khai tử), đầu năm 2014, nhóm đưa ứng dụng cho hệ điều hành Android lên PlayStore. Năm 2015, nhóm phát triển hoàn thành phiên bản iOS và đưa lên kho ứng dụng App Store.
Năm 2015, nhóm sinh viên triển khai xây dựng phiên bản riêng phục vụ thị trường Hà Nội. Cũng năm đó, BusMap đạt được bước tiến quan trọng khi được kết nối với trung tâm Quản lý giao thông công cộng thuộc sở GTVT TP.HCM. Hai bên đã ký kết hợp tác về việc chuyển giao công nghệ dữ liệu để ứng dụng hoàn thiện các tính năng thân thiện với người dùng như tìm lộ trình di chuyển bằng xe buýt, theo dõi theo thời gian thực xe buýt tới điểm đón.
Những năm đại học, dù ngồi ở giảng đường hay đi thực tập tại các công ty công nghệ lớn như VNG, Google, Thanh vẫn liên tục cập nhật, nâng cấp tính năng của BusMap để ứng dụng thân thiện và nhiều tính năng hơn. Năm 2015, BusMap (phiên bản Android, iOS, Windows Phone và Web) được trao giải thưởng Nhân tài Đất việt. Năm 2019, BusMap tiếp tục nhận giải thưởng Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM – I-star Award 2019 và cũng là nhà vô địch của cuộc thi Viet Startup Contest 2019.
Từng bỏ lỡ cơ hội du học ngành công nghệ ở nước ngoài do giới hạn kinh tế gia đình, năm 2016, Thanh bỏ qua cơ hội lớn thứ hai làm việc tại thung lũng Silicon. Năm thứ tư, khi thực tập tại Google (Mỹ), Thanh được đề nghị ở lại làm việc với mức lương khởi điểm 6.000 đô la Mỹ. Với suy nghĩ “công nghệ thông tin là ngành duy nhất học tập hay làm việc ở Việt Nam không có khoảng cách lớn lắm với nước ngoài,” anh quyết định khởi nghiệp ở Việt Nam.
Khi nhóm sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2016 cũng là lúc cộng sự xây dựng BusMap tản mát, người đi làm cho các tập đoàn đa quốc gia, công ty công nghệ lớn, người đi du học. Thanh là người duy nhất vừa đi làm vừa duy trì hoạt động của BusMap. Anh kể trong tuần chạy theo tiến độ dự án, cuối tuần về ngồi cặm cụi vá lỗi, nâng cấp cho sản phẩm theo phản ánh của người dùng.
Năm 2019, Thanh đứng trước một lựa chọn khó khăn. Với hàng trăm nghìn người sử dụng, chi phí duy trì hoạt động của BusMap (thuê máy chủ, chi phí vận hành…) lúc đó lên đến 100 triệu/tháng, vượt khả năng cá nhân. BusMap xây dựng mô hình phát triển phục vụ cộng đồng không vì lợi nhuận ngay từ ban đầu nên việc chuyển hướng mô hình kinh doanh khó khăn. Chẳng nhẽ khai tử ứng dụng đang được hàng chục nghìn người sử dụng hằng ngày?
Nhìn xung quanh, anh thấy xe buýt là phương tiện của học sinh, sinh viên. Kể cả những người đã tốt nghiệp không dư dả tài chính vẫn cần sử dụng xe buýt đi làm, sau thời gian tìm được công việc thu nhập tốt hơn mới sắm được xe máy. “Tôi cảm thấy không dừng được. Nếu khai tử sẽ không có ứng dụng thay thế,” anh nhớ lại.
Giai đoạn 2016-2018, Thanh tham gia ba công ty khởi nghiệp ở các vị trí khác nhau. Tất cả có một điểm chung là không thành công. Nhưng anh rút ra được các bài học riêng về xây dựng đội ngũ, thăm dò thị trường, quản trị tài chính. Mất vài đêm suy nghĩ, anh quyết định biến BusMap thành hệ sinh thái khởi nghiệp với công nghệ lõi là bản đồ số tự phát triển. Vào giữa năm 2019, công ty BusMap ra đời, sáu tháng đầu tiên Thanh phải bỏ tiền túi để duy trì hoạt động và trả lương cho đội ngũ vừa thành lập.
Tháng 3.2020, BusMap trở thành thành viên của Phenikaa, tập đoàn do doanh nhân Hồ Xuân Năng sáng lập. Phenikaa trải rộng hoạt động từ giáo dục, sản xuất, nghiên cứu công nghệ. BusMap là miếng ghép hỗ trợ tập đoàn phát triển sản phẩm xe tự hành. Được rót 1,5 triệu đô la Mỹ, đổi lại tập đoàn kiểm soát 51% cổ phần, BusMap mang tên mới Phenikaa Mass với định hướng sử dụng công nghệ lõi bản đồ cung cấp các ứng dụng liên quan đến giao thông, di chuyển, tìm kiếm và nhiều giải pháp công nghệ giao thông dành cho khối khách hàng doanh nghiệp.
“Khi mình gia nhập một tập đoàn lớn mình được thừa hưởng về kinh nghiệm, quản trị, khách hàng, định hướng chiến lược… trong khi việc phát triển sản phẩm vẫn do mình làm chủ,” Thanh nói về việc bỏ qua cơ hội rót vốn của các quỹ đầu tư khởi nghiệp. Phenikaa đang phát triển dòng xe tự hành cấp bốn, dòng xe thông minh gõ điểm đầu và điểm cuối là tự tìm đường di chuyển thích hợp trong khu nghỉ dưỡng lớn, khuôn viên trường đại học, với công nghệ lõi bản đồ do Phenikaa Mass cung cấp.
Đi vào hoạt động chưa lâu, Phenikaa Mass trở nên bận rộn. Đang hợp tác với thành phố Đà Nẵng phát triển dự án bản đồ xe buýt, bất ngờ làn sóng đại dịch COVID-19 thứ hai bùng phát ở thành phố du lịch này. Ngày 24.7.2020, sau 99 ngày Việt Nam không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, Đà Nẵng phát hiện ca dương tính liên quan đến nhiều bệnh viện. Diễn biến dịch bệnh ngày càng đáng lo ngại, trong ba tuần sau đó số ca dương tính tăng lên 600, số ca tử vong tăng lên 25. Chính quyền Đà Nẵng muốn có một ứng dụng cung cấp thông tin chính thống cho người dân về tình hình dịch bệnh. Đơn vị nào có khả năng chiến thắng thời gian?
Sau một tuần, Phenikaa Mass bàn giao cho chính quyền Đà Nẵng một nền tảng đáp ứng được đủ các nhu cầu: thống kê số ca bệnh; hiển thị vùng xanh (an toàn), vùng đỏ (nguy cơ cao); các khu vực bị phong tỏa và lộ trình di chuyển thay thế; đường dây nóng tư vấn COVID-19, số điện thoại các bệnh viện lân cận. Trở thành cổng thông tin chính thức công bố dịch bệnh, ứng dụng có một triệu lượt truy cập mỗi ngày, xấp xỉ dân số của địa phương này, góp phần khống chế dịch bệnh sau 1,5 tháng. Học tập kinh nghiệm từ Đà Nẵng, sau đó 17 tỉnh thành trên cả nước phát triển mô hình tương tự, Phenikaa Mass chuyển giao nền tảng miễn phí cho các địa phương này. “Không quan trọng có doanh thu hay không mà ở ý nghĩa xã hội của dự án,” Thanh nói.
Ứng dụng bản đồ số được biết đến nhiều giúp Phenikaa Mass có một sản phẩm thử nghiệm trước khi giới thiệu giải pháp số hóa các phương tiện giao thông công cộng tại các địa phương. Nguồn thu của Phenikaa Mass hiện nay đến từ các khách hàng B2B như Vinbus, Becamex. Từ công nghệ bản đồ số, công ty cung cấp cho khách hàng doanh nghiệp những giải pháp như ứng dụng quản lý xe buýt qua hệ thống GPS về lịch trình di chuyển.
Vóc người tầm thước, khuôn mặt lanh lợi, nụ cười tươi rói, sau vài lời mở đầu câu chuyện, Thanh đã cho thấy là mẫu “con ngoan, trò giỏi.” Sinh ra trong gia đình có cha mẹ là giáo viên toán, Thanh được rèn luyện thói quen tự đọc và tự học từ bé. Niềm đam mê khám phá của Thanh được nhen nhóm từ năm lớp ba khi anh bắt đầu được tiếp xúc với máy tính. Anh không mê chơi điện tử vì “chơi game dở nên không hứng thú.”
Năm lớp sáu, khi gia đình nối mạng Internet, một thế giới mới mở ra với cậu bé ở An Giang. Thanh đọc ngấu nghiến các cuốn tạp chí eChip, PC World và mua sách lập trình đọc để tự mày mò nghiên cứu viết các phần mềm đơn giản, sau đó cũng tự viết giới thiệu “quảng cáo” phần mềm của mình trên các tạp chí công nghệ. Lên cấp ba, thay vì chơi game, cậu học sinh chuyên toán trường Thoại Ngọc Hầu lang thang trên các diễn đàn tin học học hỏi kiến thức. Lớp 11, Thanh đoạt giải ba và năm lớp 12, anh đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi tin học quốc gia.
Khi công nghệ bản đồ số BusMap được biết đến nhiều hơn, Thanh cho rằng đó là lợi thế để Phenikaa Mass cung cấp dải sản phẩm tiếp theo. Chẳng hạn sau khi giúp các địa phương phát triển bản đồ COVID-19 khi đại dịch được kiểm soát, Phenikaa Mass có thể phát triển bản đồ giao thông công cộng, bản đồ du lịch, nhà hàng ăn uống. “Làm sản phẩm phải luôn linh động, làm bản đồ COVID phải sẵn sàng mở rộng ra nhiều lĩnh vực, mình có nhiều dư địa để mở rộng ra sau này,” Thanh nói và cho biết kế hoạch trong năm 2022, Phenikaa Mass đẩy mạnh doanh thu từ các giải pháp công nghệ giao thông và chắc chắn mở rộng thị trường ra nước ngoài.