Forbes Việt Nam Under 30

U30 Forbes Việt Nam Trần Bảo Khánh: Khác biệt là động lực để dấn thân

Khoác chiếc áo hoodie, sản phẩm làm từ bã cà phê và tre, được sản xuất tại nhà máy của đối tác ở Bình Dương, logo áo gắn tọa độ thành phố Helsinki của Phần Lan – nơi công ty đặt trụ sở chính, Trần Bảo Khánh tới văn phòng Forbes Việt Nam trong chuyến về Việt Nam đầu năm. Gương mặt U30 năm 2020 giới thiệu đó là thời trang mới “ra lò” năm 2022 của Rens – công ty thiết kế giày mà Khánh là đồng sáng lập và là tổng giám đốc. Bắt nhịp xu thế công nghệ mới, Rens kết hợp với đối tác The Sandbox – công ty trò chơi thực tế ảo, mở chiến dịch đưa sản phẩm này đến người dùng trên nền tảng game blockchain.

Phỏng vấn: Tuyết Ân
Thiết kế: Thành Long
Hình ảnh: Duy Lê & nhân vật cung cấp


PV: Chào Bảo Khánh, startup bốn năm tuổi của bạn đã “sống” thế nào giữa giai đoạn đại dịch vừa qua?

Trần Bảo Khánh: Rens vừa hình thành năm 2019 thì gặp ngay giai đoạn đại dịch bùng phát, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng rất may sản phẩm thế hệ đầu của Rens ra mắt năm 2020 sản xuất ở Trung Quốc vẫn kịp giao cho hơn 5 ngàn khách hàng trước khi thế giới phong tỏa trên diện rộng.

Cuối năm 2020 chúng tôi đã kịp chuyển các khâu sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam. Đến nay thì tất cả sản phẩm Rens đều được sản xuất tại Bình Dương. Rens vừa ra mắt thế hệ giày thứ hai cùng sản phẩm mới – áo hoodie, cũng làm từ bã cà phê và tre. Chúng tôi cũng mở văn phòng ở Việt Nam tập trung phát triển giải pháp công nghệ.

Chiếc giày Rens từ bã cà phê có chữ thăng biểu tượng của thương hiệu

PV: Mỗi ngày có hàng ngàn startup ra đời, hàng trăm mô hình kinh doanh mới xuất hiện và vô vàn các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo. Những yếu tố nào khiến một startup “nhập cư” như Rens thu hút được sự chú ý như thời gian qua?

Trần Bảo Khánh: Những người nhập cư không phải da trắng mà startup công nghệ ở Phần Lan rất hiếm nên tôi nghĩ mình may mắn ở trong vị trí này. Rens được truyền thông thế giới quan tâm, là công ty đại diện cho Phần Lan nên khá đặc biệt. Kiểu như người Việt mình nói “nhỏ đến lớn chưa thấy bao giờ”.

Chúng tôi nhận được sự giúp đỡ của những doanh nhân Phần Lan đi trước, những người nhiều kinh nghiệm từ các tập đoàn lớn trên thế giới. Chúng tôi cũng học được nhiều từ môi trường đa văn hóa đa sắc tộc ở Phần Lan, sự giao kết với Việt Nam cũng như với đối tác ở nhiều nước khác. Với tuổi đời còn non trẻ, chưa thể hiểu hết mọi thứ trong quá trình quản lý một công ty bản địa, nhưng chúng tôi đã có được những kinh nghiệm đáng quý mà không phải ai cũng dễ dàng có được.

PV: Rens từng là một điển hình được thảo luận tại diễn đàn Kinh tế Thế giới và báo chí Phần Lan xem giày làm từ bã cà phê sẽ mang thời trang Phần Lan lên bản đồ thế giới. Thực tế hiện nay sao?

Trần Bảo Khánh: Đúng. Rens là số ít nhãn thời trang mới thân thiện môi trường đến từ châu Âu, là nhãn hàng nhỏ nhưng tầm ảnh hưởng của Rens lớn hơn chính nó. Chúng tôi tự hào vì “mình lớn hơn” so với quy mô thực tế của mình rất nhiều. Điều quan trọng là giữ sự khác biệt của thương hiệu bằng sản phẩm độc đáo, dù công ty mình nhỏ nhưng khi thế giới nói đến những thứ làm từ bã cà phê thì phải nói đến Rens.

Tuy nhiên, một nhãn hàng mới phát triển ngay giữa đại dịch là thử thách rất lớn, mình lớn lên được là may mắn. Vừa ra khỏi đại dịch thì gặp khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tức là Rens chưa bao giờ được phát triển theo một chiều hướng bình thường. Vì thế không thể học cách các nhãn hàng lớn đã nhiều năm phát triển trong điều kiện bình thường, thậm chí phát triển rất nhanh. Tìm cách đưa sản phẩm ra thị trường và tạo ra trải nghiệm mới mẻ, khác biệt là cách Rens đang làm.

Vấn đề của thương mại điện tử tiêu dùng hiện không chỉ bị khủng hoảng kinh tế làm trì trệ sức mua mà còn chính ở sự cạnh tranh giữa các “ông lớn” công nghệ đã bóp nghẽn các chiến dịch quảng cáo, khiến những nhãn hàng nhỏ ở giữa bị ảnh hưởng lớn. Chúng tôi tìm phương thức mới phát triển và để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nền tảng mạng xã hội như trước đây trên Meta, Google, Instagram…

Đội ngũ nhân sự đa quốc tịch của Rens Original tại Phần Lan.

PV: Ngày trước Rens lên chiến dịch gọi vốn cộng đồng để khởi nghiệp, còn nay một chiến dịch cho áo hoodie trên nền tảng thực tế ảo, sự thay đổi này do đâu?

Trần Bảo Khánh: Chiến dịch thử nghiệm đầu tiên giữa thời trang hoodie của Rens với The Sandbox là bước đầu cho kỳ vọng tạo ra nền tảng không chỉ cho sản phẩm Rens mà còn bất cứ nhãn hàng tiêu dùng nào khác. Nói cách đơn giản, chúng tôi đang bán hàng trên kênh thương mại điện tử Rens hoặc sản phẩm của chúng tôi là vật phẩm trong game, khách hàng có thể mua ở kênh chính thống hay trải nghiệm ở thực tế ảo. Đưa sản phẩm thời trang như một vật phẩm vào các game thực tế ảo để tăng trải nghiệm người dùng là mục đích của Rens. Trung tâm phần mềm ở Việt Nam tập trung phát triển giải pháp thương mại điện tử trên nền tảng mới Web 3.0.

PV: Hoạt động này khác với mảng sản phẩm thời trang?

Trần Bảo Khánh: Trên nền tảng kinh doanh thời trang của chúng tôi nhưng với cách tiếp cận mới để sản phẩm Rens hướng tới sân chơi xa hơn. Chúng tôi hướng tới các giải pháp ứng dụng Web 3.0, thế hệ các dịch vụ mới trên Internet kết nối dữ liệu phi tập trung để mang lại trải nghiệm người dùng nhanh hơn và được cá nhân hóa. Hướng đi kết hợp giữa thời trang và thực tế ảo thì thị trường chưa có nhiều công nghệ nền tảng, Rens với tiêu chí tạo trải nghiệm kết nối giữa thực tế và thế giới ảo đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ.

Trên thị trường hiện cũng chưa có nền tảng phục vụ các nhãn hàng vừa và nhỏ, Rens phát triển giải pháp công nghệ mới trước tiên để phục vụ cho chính Rens. Thứ hai mình bỏ nhiều công sức phát triển còn với kỳ vọng mở rộng công nghệ ra cho những nhãn hàng lớn hơn mình, những nhãn hàng nhỏ ít cơ hội, mới ra đời hoặc thậm chí chưa ra đời để có thể thay đổi cách tiếp cận người dùng. Nền tảng hiện đang được chạy thử nghiệm với một vài nhãn hàng lớn trên thế giới.

PV: Khánh có thể tiết lộ những nhà rót vốn cho Rens đến hiện tại?

Trần Bảo Khánh: Ban đầu các nhà đầu tư lớn từ Phần Lan, sau có sự tham gia của các nhà đầu tư từ Nhật và Mỹ. Hiện đối tác đầu tư lớn nhất của Rens đến từ Nhật Bản, để thúc đẩy thương mại điện tử trên nền tảng công nghệ mới, đặc biệt cho thị trường giải trí trong game vốn sôi động tại Nhật.

PV: Khởi nghiệp ở nước ngoài, có bao giờ bạn nghĩ sẽ quay về Việt Nam?

Trần Bảo Khánh: Tôi nghĩ điều này luôn tồn tại trong hầu hết những người nhập cư ở một đất nước nào đó, nhất là những người có hoặc tài năng. Những người Trung Quốc và Ấn Độ giỏi giang mà tôi được gặp họ đều muốn quay trở về, vì ở đó có môi trường lớn để có thể cạnh tranh từ Trung Quốc hoặc Ấn Độ để trở nên lớn hơn những công ty của Mỹ hay châu Âu.

Lúc khởi nghiệp, tôi tự thấy mình không thuộc nhóm những người tài giỏi nhất để có thể trở về Việt Nam xây dựng công ty rồi vươn ra tầm quốc tế. Tôi chưa bao giờ làm việc hay học đại học ở Việt Nam nên kinh nghiệm hay mối quan hệ đều không có, vì vậy chọn Phần Lan bởi đó là nơi mình học tập và cuộc sống quen thuộc. Nhưng hiện tại thì mọi thứ đã khác nhiều, nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và có nhiều cơ hội, mình cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm.

PV: Khánh nhận định khả năng hiện thực hóa những cơ hội đó tại Việt Nam như thế nào?

Trần Bảo Khánh: Thử so sánh, việc được ghi nhận trong danh sách U30 của Forbes Việt Nam Forbes châu Âu cùng năm 2020 đã mang đến cho tôi cũng như Rens nhiều cơ hội và nhiều kỳ vọng ở thị trường toàn cầu. Nhưng thử nhìn trong nước hiện nay, gần hơn là một vài bạn trong danh sách U30 năm 2022 của Forbes Việt Nam, họ đã sáng lập công ty ngay tại Việt Nam nhưng mang tầm cỡ thế giới và đi đầu trong lĩnh vực đó trên toàn cầu. Khi thấy họ làm được việc đó, tôi cũng tự hỏi, mình được sinh ra ở đây, là người Việt Nam, liệu mình có thể làm gì đó tương tự từ đây?

Việt Nam đang có cơ hội phát triển nhanh hơn theo dự báo của World Bank, tôi tin mình đang có nhiều cơ hội để trở thành một phần trong sự “nhanh hơn” đó, thay vì cần 20-30 năm nữa để trở thành nước phát triển thì tại sao không là 10-15 năm thôi? Theo tôi, làm sao Việt Nam có thể phát triển nhanh như Nhật hay Hàn Quốc ở những năm 1960, để người dân có thể hưởng được sự sung túc của một nước phát triển trước khi đối mặt với bài toán già hóa dân số.

PV: Một niềm vui nào đó bạn cảm nhận được khi về Việt Nam?

Trần Bảo Khánh: Lâu mới về Việt Nam, ra đường thấy có bạn trẻ mang giày Rens tôi vui lắm. Rồi khi nghĩ Việt Nam có thể không có ngành công nghiệp thời trang phát triển nhưng lại đang có ngành công nghiệp blockchain và các ứng dụng Web 3.0 phát triển mình rất tự hào. Mình được tiếp thêm động lực cho ý chí đưa Rens cùng các nhãn thời trang khác khai thác được lợi thế công nghệ mới này thì Việt Nam tất thành điểm phải đến của các nhãn hàng toàn cầu.

Đồng sáng lập Rens Original Trần Bảo Khánh và Chu Hoàng Sơn trong những ngày đầu ra mắt giày từ bã cà phê năm 2020.

PV: Một cuộc sống thông thường, cách sinh hoạt, vui chơi, giải trí của một người trẻ với Khánh như thế nào?

Trần Bảo Khánh: Thành thật mà nói, tôi cũng có nhiều khác biệt khi khởi nghiệp ở tuổi đời còn trẻ, mình phải hy sinh khá nhiều thứ của một người trẻ bình thường, những cuộc hẹn hò, những cuối tuần tụ tập cùng bạn bè đều rất khó khăn. Một công ty thì đều có vấn đề dù lớn, nhỏ hay vừa, lúc nào cũng phải lo. Khi công ty lớn hơn thì mình không thể là một người tuổi 20 nữa mà liên quan đến nhân viên, gia đình của họ. Ở vị trí này phải hy sinh nhiều thứ. Đôi khi tôi cũng hơi tủi thân, kiểu như bố mẹ hay nói “học nhiều quá mất cả tuổi thơ”, còn mình thì không có tuổi trẻ vì “khùng khùng” khi quyết định startup nên không có được những trải nghiệm như nhiều người trẻ khác.

Nhưng mà bù lại mình có được những kinh nghiệm, những điều thú vị trong công việc mà không phải ai cũng có thể. Nhiều người đi cả một quãng đời dài, cả sự nghiệp cũng chưa trải nghiệm được những gì mình có trong khoảng thời gian ngắn. Đó là điều may mắn. Cho nên theo tôi sự lựa chọn của người trẻ chính là họ muốn sống cuộc đời thế nào, miễn là phù hợp với bản thân và cảm thấy vui thoải, chứ không phải đây là cuộc sống mà tất cả bạn trẻ nên chọn.

PV: Quan điểm phát triển bản thân của Khánh ra sao, nguồn cảm hứng nào chi phối quan điểm kinh doanh của bạn?

Trần Bảo Khánh: Rất đơn giản. Khi còn trẻ có những thành công nhất định thì rất dễ ngủ quên trên chiến thắng. Cách nhanh nhất kéo mình về thực tế là chỉ cần nhìn lên để thấy rất nhiều người trẻ giỏi hơn mình rất xa. Hoặc những người đi trước rất thành công có thể họ đều đã trải qua quá trình như mình, cũng có thể có tuổi trẻ bồng bột, thì sẽ thấy mình cũng không có gì đặc biệt. Theo tôi, giỏi cỡ nào cũng luôn có người giỏi hơn, nên phải luôn phát triển bản thân hôm nay tốt hơn so với hôm qua.

Có một cuốn sách tác động nhiều đến tôi là tự truyện Shoe Dog (Kẻ nghiện giày) của nhà sáng lập Nike – Phil Knight. Ông nói về quá trình cùng các cộng sự gầy dựng Nike – một công ty bán lẻ giày từ Nhật trở thành đế chế khổng lồ hiện tại. Ông chia sẻ từ những khó khăn, sai lầm và thủ thuật kinh doanh cho đến những vấn đề xã hội, những đau thương trong đời sống cá nhân. Tôi nhìn thấy một phần bản thân trong đó và nó ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ kinh doanh của tôi.




Bạn định nghĩa thế nào về sự thành công?

Được tự do cống hiến cho xã hội và xây dựng tương lai tốt hơn hiện tại, theo tầm nhìn bản thân.

Ba cột mốc quan trọng quyết định cách sống và sự nghiệp cho đến nay?

– 1. Quyết định du học Phần Lan; 2. Lập nghiệp như một doanh nhận nhập cư tại Phần Lan; 3. Xây dựng Rens ngay giữa giai đoạn đại dịch.

Ba tính từ miêu tả về bản thân?

Coi trọng tài năng (meritocratic); nhìn xa trông rộng (visionary) và luôn tò mò khám phá mọi lĩnh vực trong cuộc sống (curious).

Ba giá trị bạn đang theo đuổi?

Muốn mình được tốt hơn vào ngày mai so với hôm nay; muốn kết nối Việt Nam và Phần Lan cho tương lai tốt đẹp hơn; muốn góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn cho thế hệ sau.

Nhân vật nào truyền cảm hứng lớn nhất cho bạn?

Thủ tướng đầu tiên của Singapore Lý Quang Diệu, người đặt niềm tin mãnh liệt vào nhân tài. Tôi tin khi Việt Nam phát huy được nhân tài, tận dụng được cơ hội phát triển nhanh hơn thì sẽ đạt được thành quả như Singapore hay Nhật Bản và Hàn Quốc trước đây, để chúng ta trở nên giàu có trước khi tất cả mọi người trở nên già đi!