Kinh nghiệm dịch chuyển từ hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn được chia sẻ bởi ông Binu Jacob – tổng giám đốc Nestlé Việt Nam với bài trình bày mang chủ đề “Từ tuyến tính đến tuần hoàn”.
Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam Binu Jacob phác thảo tổng quan về lợi ích và các hiệu quả lâu dài của kinh tế tuần hoàn dựa trên kinh nghiệm của Nestlé khi chuyển đổi sang mô hình sản xuất tuần hoàn, với chu trình sản xuất khép kín, tiết kiệm nguyên liệu và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo ông, con người đang phá vỡ chu trình tái tạo tự nhiên và gây ra sự thay đổi khí hậu khi xả rác thải ra môi trường. Theo báo cáo của bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có khoảng 900 bãi rác chôn lấp vào năm 2020 và 70% trong số đó chưa được xử lý. Môi trường tự nhiên không thể xử lý những rác thải này, tác động tiêu cực đến khí hậu, làm thay đổi hệ sinh thái và đe dọa sự sống của con người.
Ông Binu Jacob nhận định, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp hiện nay là một phần của vấn đề này. Nhiều doanh nghiệp trong Fortune 500 đã cam kết đạt mức cân bằng carbon vào năm 2050. Tuy nhiên, 40% các doanh nghiệp đã cam kết nhưng vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để thực hiện cam kết đó.
Lý do được đưa ra bao gồm: 1. Vấn đề chi phí và sự không đồng thuận của cổ đông; 2. Người tiêu dùng vẫn chưa quan tâm đến sản xuất bền vững. Tuy nhiên, thực tế là các doanh nghiệp này đã sai lầm.
Hiện nay, người tiêu dùng đã có ý thức cao hơn về môi trường, xã hội và sức khỏe, không chỉ ở các thị trường phát triển mà ở cả các thị trường đang phát triển. Chẳng hạn, 13% người tiêu dùng Việt Nam đã đặt yếu tố môi trường và tác động xã hội lên hàng đầu, 66% cho biết họ quan tâm đến sức khỏe; 40% xem việc sản xuất bền vững thuộc trách nhiệm doanh nghiệp, ngang với các quốc gia phát triển như Hàn Quốc.
Ông Binu Jacob nói: “Người tiêu dùng mong đợi các doanh nghiệp, thương hiệu cùng với chính phủ dẫn dắt sự hình thành nền sản xuất bền vững, và các doanh nghiệp phải dẫn đầu trong việc chuyển đổi này.”
Việc chuyển đổi nhằm giảm thiểu sự lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường, đạt được mục tiêu bền vững sinh học. Các doanh nghiệp có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi bằng cách thiết kế sản phẩm, quy trình sản xuất và mô hình kinh doanh mới, hướng tới sử dụng tài nguyên bền vững và tối đa hóa giá trị của chúng.
Kinh nghiệm, theo ông Binu Jacob, có thể bắt đầu bằng những nghiên cứu đối với cơ chế tự nhiên để tạo ra sản phẩm có vòng đời sử dụng kéo dài lâu hơn. Một trong những lựa chọn của Nestlé là hợp tác với công ty tái chế Duy Tân (Duy Tân Recycling) để tái chế vỏ chai nhựa PET và sử dụng làm chai đựng nước nhãn hiệu Lavie.
Nestlé Việt Nam cũng đưa khái niệm tuần hoàn vào chuỗi giá trị cà phê bền vững. Ông Binu Jacob cho biết công ty hiện thu mua 25% sản lượng cà phê Việt Nam, thúc đẩy canh tác và cung ứng có trách nhiệm. Một số thành quả như trẻ hóa 63.000 héc ta cà phê già cỗi và tổ chức 330.000 buổi đào tạo về canh tác cà phê bền vững. Nhờ đó, thu nhập của nông dân tăng 30-100% nhờ áp dụng các mô hình xen canh hợp lý.
Công ty cũng đầu tư nghiên cứu cho ra giống cà phê khi trồng trọt có thể tiết kiệm được 40-60% nước tưới, 20% lượng phân hóa học/thuốc trừ sâu và tỷ lệ hấp thụ carbon của cây cao hơn nhưng cho lượng khí thải thấp hơn.
Nestlé Việt Nam cũng cam kết sản xuất có trách nhiệm với chương trình “Không rác thải chôn lấp” vào năm 2015. Theo đó, 65% nước thải được tái chế và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng nước uống, khối lượng nước tái chế đạt 112.000 m3/năm.
Cà phê xay dư thừa và bã cà phê được dùng làm chất đốt, chiếm 74,4% nguyên liệu cho lò hơi. Cát còn lại sau khi đốt được nén làm gạch để dùng trong xây dựng; tro sau đốt làm phân bón sinh học thuộc loại tốt nhất, cung cấp lại cho nhà nông.
Công ty cải tiến công nghệ sản xuất bằng cách chuyển từ đóng gói đa lớp sang đơn lớp. Họ cũng chuyển đổi 40% nguồn điện sản xuất sang năng lượng tái tạo, giảm 30% lượng nước sử dụng cho sản xuất và giảm phát thải hơn 12.600 tấn CO2/năm.
Tổng giá đốc Nestlé Việt Nam cho rằng, để nâng cao nhận thức về sản xuất tiêu dùng bền vững, doanh nghiệp cần phải hiểu thấu đáo các yếu tố: Đầu tiên, các hoạt động của con người ngày càng gây ra nhiều vấn đề về môi trường hơn. Kế đó, người tiêu dùng đang rất hy vọng các doanh nghiệp và chính phủ sẽ chịu trách nhiệm về tính bền vững trong sản xuất.
“Doanh nghiệp cần chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và kinh tế tuần hoàn bắt đầu từ tư duy, lãnh đạo và hành động đúng đắn. Sự hợp tác của nhiều bên và tận dụng tiềm năng công nghệ sẽ là chìa khóa thành công cho quá trình chuyển đổi này,” ông Binu Jacob đúc kết.
——————————————–
Xem thêm:
Doanh nghiệp cần xem giảm phát thải là lợi thế cạnh tranh
Forbes Việt Nam khai mạc Hội nghị Phát triển Bền vững 2023
Forbes Việt Nam khai mạc Hội nghị Kinh doanh tạo tác động 2022
Thỏa thuận JETP tạo đòn bẩy 15,5 tỉ USD cho chuyển đổi xanh
Thực thi kinh tế tuần hoàn là đầu tư bền vững cho tương lai
Doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội: Hướng đi của tương lai
1 năm trước
1 năm trước
Vàng từ trái phiếu xanh