Gần 1/4 nhà lãnh đạo trong danh sách Những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2022 của Forbes giữ vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị và quyết định chính sách vào thời điểm lạm phát gia tăng, chuỗi cung ứng gián đoạn, khủng hoảng khí hậu đang đe dọa sự ổn định địa chính trị.
Ngoài ra, mặc dù phụ nữ vẫn chiếm tỉ lệ rất thấp trong tất cả cấp chính quyền nhưng quyền lực tổng thể có thể tiếp tục tạo ra mức tác động mạnh mẽ trên chính trường thế giới. Nói chung, những phụ nữ này trực tiếp giám sát hoặc ảnh hưởng đến gần 3 tỉ người và hơn một nửa GDP của thế giới. Nhưng động lực của quyền lực chính trị đang thay đổi do nhiều nhà lãnh đạo phải thích ứng với tình trạng bất ổn ngày càng tăng cùng với mối đe dọa ngày càng cao đối với nền dân chủ.
Sau khi Nga xung đột với Ukraine, châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng có khả năng làm suy yếu vị thế kinh tế trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, EU đoàn kết hơn bao giờ hết trong quyết tâm kiên định của mình để duy trì nền dân chủ. Vì lý do đó, chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đứng đầu danh sách Những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm nay, kế tiếp là chủ tịch ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde.
Cả hai người phụ nữ phải cân bằng giữa việc giải quyết cuộc chiến Nga – Ukraine trong khi kiềm chế lạm phát cũng như chi phí năng lượng đang gia tăng. EU đang đứng trước một thời điểm quan trọng trong bối cảnh chiến tranh sẽ tiếp tục gây ra áp lực kinh tế nghiêm trọng đối với các quốc gia thành viên.
Tương tự như vậy, những người đứng đầu các tổ chức tài chính toàn cầu phải giải quyết cuộc khủng hoảng nợ sắp xảy ra ở những nền kinh tế đang phát triển do tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát gia tăng. Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Ngozi Okonjo-Iweala (xếp thứ 91) và giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva (xếp thứ 12) tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong cung cấp hỗ trợ tài chính cũng như thúc đẩy thương mại trên thế giới do nguy cơ suy thoái toàn cầu gia tăng.
Trên thế giới, cán cân ảnh hưởng chính trị đang thay đổi, khi những người nắm giữ quyền lực chính trị lâu năm từ chức hoặc đối mặt với những thất bại trong bầu cử. Mặc dù Nancy Pelosi vẫn có tên trong danh sách năm nay, nhưng bà tụt hạng đáng kể từ vị trí thứ 15 xuống vị trí thứ 25 sau khi tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện sau gần hai thập niên cầm quyền. Trong khi Thái Anh Văn (Tsai Ing-Wen) ở Đài Loan, hiện đang đảm nhiệm nhiệm kỳ thứ hai trong vai trò lãnh đạo cao nhất tại đây, tụt từ vị trí thứ 9 xuống vị trí thứ 17 do Đảng Dân chủ tiến bộ có những bước thụt lùi trong các cuộc bầu cử gần đây.
Nhưng năm 2022 đánh dấu sự xuất hiện của nhiều nhà lãnh đạo chính trị mới, trong đó có nữ thủ tướng đầu tiên của Ý Giorgia Meloni (vị trí 7). Là người đứng đầu chính phủ cực hữu nhất của Ý kể từ Thế chiến II, Meloni vốn là nhân vật lắm người ưa nhưng cũng có nhiều kẻ ghét khi lên nắm quyền ở một đất nước luôn có nền chính trị bất ổn và sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Tuy nhiên, bà đại diện cho một thành tựu có ý nghĩa quan trọng trong vai trò lãnh đạo nữ vì là nữ lãnh đạo duy nhất nắm quyền một đất nước G20.
Trong khi đó, Xiomara Castro (vị trí 94) tuyên thệ nhậm chức tổng thống Honduras vào tháng 1.2022, trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo quốc gia Trung Mỹ. Đáng chú ý, Castro đã vận động tranh cử tổng thống trên một nền tảng bao gồm bảo vệ và mở rộng quyền của phụ nữ nhưng vẫn chưa thông qua những thay đổi quan trọng về mặt pháp lý.
Mia Mottley (vị trí 98) trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Barbados vào năm 2018 nhưng vào bảng xếp hạng năm nay vì bà trở thành nhà lãnh đạo khí hậu toàn cầu và đấu tranh cho nền dân chủ. Trong nhiệm kỳ của mình, Mottley lên án các nhà lãnh đạo thế giới vì họ đã không giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Có lẽ người mới đáng chú ý nhất vào năm 2022 không phải là nguyên thủ quốc gia hay chính trị gia truyền thống mà thay vào đó là Jina “Mahsa” Amini (vị trí 100) 22 tuổi, đã chết khi bị cảnh sát giam giữ vào đầu năm nay, châm ngòi cho các cuộc biểu tình chính trị lớn nhất ở Iran kể từ Cuộc cách mạng vào năm 1979 Đáng chú ý, những cuộc biểu tình này chủ yếu do phụ nữ xuống đường đòi quyền tự do dân chủ và hiện leo thang thành cuộc cách mạng kêu gọi thay đổi chế độ.
Một nhân vật mới khác trong danh sách, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield (vị trí 82) lạc quan về quyền lực ngày càng cao của phụ nữ trong hệ thống chính trị toàn cầu: “Tôi kỳ vọng những phụ nữ trẻ này sẽ thay đổi thế giới.”
Biên dịch: Gia Nhi
———————————
Xem thêm:
PHỤ NỮ QUYỀN LỰC: JENNY LEE TẠO ĐÒN BẨY ĐƯA CÁC STARTUP THÀNH NGƯỜI KHỔNG LỒ
Lý do MacKenzie Scott là phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2021 của Forbes
Danh sách phụ nữ 50 Over 50: Độ tuổi vàng mới
1 tháng trước
FTA với Mercosur khiến châu Âu chia rẽ1 năm trước
80% phụ nữ quyền lực nhất thế giới trên 50 tuổi1 tháng trước
ECB giảm lãi suất, báo hiệu còn tiếp tục