Các trung tâm tài chính quốc tế (IFC) đóng vai trò thiết yếu trong việc thu hút nguồn vốn để hỗ trợ tăng trưởng GDP tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ cần từ 1.000 đến 1.500 tỷ USD để hỗ trợ tăng trưởng GDP trong mức 8-9% giai đoạn từ đây tới năm 2030. Nói cách khác, để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP tiệm cận hai con số, Việt Nam cần đầu tư 2-6 USD cho mỗi một một đô la tăng trưởng.
Do đó, các trung tâm tài chính quốc tế (IFC) có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút nguồn vốn để hỗ trợ tăng trưởng GDP. Đồng thời, tạo ra một sân chơi minh bạch, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, qua đó thu hút các nhà đầu tư chiến lược và dòng vốn dài hạn.
Nội dung trên được đưa ra tại hội thảo “Phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam” do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức với sự tham gia hơn 450 đại biểu ngày 16.1.2025, tại Đà Nẵng. Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư quốc tế từ Thụy Sĩ, Singapore, Mỹ, Trung Đông đã có những tham vấn thực tiễn và quan trọng.
Theo đó, việc xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế tuy có những nguyên tắc cơ bản khá đơn giản, nhưng việc thực thi lại không hề dễ dàng. Theo đó, Việt Nam cần lưu ý các mục tiêu then chốt sau.
Với hơn 20 năm làm giám đốc điều hành quản lý tài sản cho giới siêu giàu tại Credit Suisse và UBS AG (Thụy Sĩ), chuyên gia Babak Dastmaltschi nhận định việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ để tạo dựng sự ổn định của chính phủ. Đây là yếu tố then chốt mà các nhà đầu tư tìm kiếm.
Theo ông, ngoài sự vững chắc của quốc gia và chính sách, Việt Nam cần phải đảm bảo độ tin cậy của hệ thống tư pháp, cũng như khả năng lưu chuyển và rút vốn dễ dàng. Ông khuyến nghị các IFC của Việt Nam có thể trở thành một môi trường thử nghiệm (‘sandbox’) lý tưởng về mô hình hệ thống tư pháp và luân chuyển tiền tệ, thu hút các quỹ đầu tư toàn cầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Ali Ijaz Ahmed, Giám đốc điều hành của quỹ Makara Capital (Singapore), cho biết quỹ đã cam kết đầu tư 250 triệu đô la Mỹ vào Đà Nẵng, mở văn phòng tại Công viên Phần mềm để hỗ trợ sự phát triển của thành phố.
Dưới góc nhìn nhà đầu tư, ông Ahmed cho rằng một IFC không chỉ đơn thuần là cơ sở hạ tầng vật chất, điều quan trọng nằm ở nhân lực quốc tế, vốn và ý tưởng để xây dựng một hệ sinh thái bền vững.
Ngoài khung pháp lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ và hệ thống giáo dục cho lực lượng lao động là những yếu tố cốt lõi khác.
Đặc biệt, ông Ali Ijaz Ahmed nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ (IP). Ông đưa ra ví dụ về một vài công ty khởi nghiệp Việt Nam không thể nhận vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài do thiếu khung pháp lý phù hợp. Do đó, để giải quyết, các công ty này buộc phải chuyển quyền sở hữu trí tuệ sang Singapore, dẫn đến mất giá trị kinh tế cho Việt Nam.
Ông Ahmed cho rằng đây là bài học mà Việt Nam cần rút kinh nghiệm khi xây dựng chính sách cho IFC.
Chia sẻ về các bước đi quan trọng nhằm phát triển trung tâm tài chính quốc tế (IFC), ông Arnaud Ginolin, Giám đốc điều hành của Boston Consulting Group tại Việt Nam, đánh giá, IFC là bước đi chiến lược và cần thiết, nhưng cạnh tranh từ các IFC khác là vô cùng gay gắt.
Theo ông Arnaud, các trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu như London, Singapore, và Hong Kong (thuộc Trung Quốc) cần hàng thập kỷ để đạt được vị trí hiện tại. Ngược lại, rất nhiều trung tâm tài chính khác không thể thăng hạng trong hàng chục năm.
Dẫn chứng các mô hình thành công trên thế giới, ông Ginolin cho biết các IFC này đã đi từ việc tập trung vào một lĩnh vực chuyên môn cụ thể, như tài sản số ở London, hay quản lý tài sản của Singapore hoặc tài chính thương mại trao đổi hàng hóa tại Dubai, đến việc xây dựng một hệ sinh thái tài chính toàn diện và dẫn đầu.
Theo đó, Việt Nam cần cân nhắc lựa chọn con đường phù hợp, không chỉ dựa trên khả năng nội tại mà còn phải tính đến sự cạnh tranh từ các trung tâm tài chính trong khu vực.
Theo ông Ginolin, các IFC tại Đà Nẵng và TP.HCM cần xác định rõ ràng giá trị độc đáo muốn đi theo để phát triển, chẳng hạn như các dịch vụ tài chính nào sẽ là thế mạnh trong 5-7 năm tới.
Tư vấn riêng cho Đà Nẵng, ông Andy Khoo, đại diện của tập đoàn Terne Holdings, một trong các đơn vị cam kết đầu tư phát triển IFC cho thành phố, nhấn mạnh vai trò đặc biệt của Đà Nẵng IFC trong việc bổ trợ cho Hà Nội và TP.HCM.
Trong đó, Hà Nội đóng vai trò trung tâm hoạch định chính sách và điều tiết, và TP.HCM là trung tâm tài chính quốc tế có vai trò phát triển thị trường vốn và tài chính doanh nghiệp.
Theo ông Khoo, với vị trí trung tâm Việt Nam, Đà Nẵng sẽ đảm bảo cân bằng về thu hút và luân chuyển dòng vốn trên cả nước, giảm phụ thuộc vào một trung tâm duy nhất.
Ông Khoo cũng nhấn mạnh, IFC Đà Nẵng cần tạo dựng bản sắc riêng, không chỉ sao chép các mô hình thành công của Singapore hay Dubai, hay trở thành một bản sao của IFC TP.HCM. Cụ thể, cần tập trung vào ba lĩnh vực chính: tài chính xanh, đổi mới FinTech, và tài trợ thương mại.
Ông cũng đề xuất những sáng kiến như phát hành trái phiếu xanh, thiết lập các giải pháp thanh toán kỹ thuật số, và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các giải pháp tài chính thương mại sáng tạo.
Ngoài ra, ông Khoo gợi ý Đà Nẵng có thể thu hút các nhà đầu tư toàn cầu bằng cách xây dựng các cơ sở lưu trữ an toàn (Le Freeport) cho tài sản giá trị cao như vàng và nghệ thuật, cùng với các chính sách ưu đãi thuế và giải quyết tranh chấp thương mại.
Về phía địa phương, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng, cho biết thành phố đang hướng đến việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng theo mô hình hệ sinh thái đa dạng và tích hợp. Mô hình này sẽ tập trung vào ba nhóm dịch vụ tài chính chính, tận dụng nền tảng kinh tế dịch vụ – thương mại và tiềm năng du lịch của thành phố.
Ba nhóm dịch vụ bao gồm: các dịch vụ tài chính quốc tế như thanh toán, thương mại toàn cầu, quản lý rủi ro, giao dịch ngoại hối và tài chính xanh.
Trong đó, các dịch vụ Fintech và TechFin, tập trung vào phát triển phần mềm và nền tảng công nghệ cho thanh toán và giao dịch tài sản mã hóa.
Cuối cùng là các dịch vụ hỗ trợ như kiểm toán, kế toán, tư vấn pháp lý, thuế, hải quan, cũng như các tiện ích cao cấp về nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí, cho thuê và định giá bất động sản.
Đà Nẵng đã dành sẵn hai khu đất sạch, với diện tích tương ứng là 6,17 hecta và 9,7 hecta, để phục vụ việc xây dựng trung tâm tài chính. Những khu đất này sở hữu lợi thế đặc biệt riêng của thành phố về vị trí thuận tiện, cùng cơ sở hạ tầng kết nối hoàn thiện, phù hợp phát triển các khu phức hợp, văn phòng, nghỉ dưỡng cao cấp và các khu dịch vụ công nghệ tài chính.