Ngày 4.7, báo cáo mới của Liên Hiệp Quốc cho biết Trung Quốc vượt xa Hoa Kỳ và các quốc gia khác trên thế giới để dẫn đầu cuộc đua toàn cầu về bằng sáng chế AI.
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Trung Quốc đã nộp hơn 38.000 đơn xin cấp bằng sáng chế cho các phát minh AI tạo sinh kể từ năm 2014. Số lượng này chưa tính những dạng AI khác dùng cho xe tự lái.
Trung Quốc đã nộp nhiều đơn xin cấp bằng sáng chế cho phát minh AI tạo sinh hơn các quốc gia khác. Số lượng này chiếm 70% trong số hơn 50.000 đơn xin cấp bằng sáng chế trên toàn cầu trong thập niên qua.
WIPO là cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc với nhiệm vụ giám sát những vấn đề liên quan đến bằng sáng chế quốc tế và thúc đẩy việc bảo hộ tài sản trí tuệ trên toàn thế giới.
AI tạo sinh là phần mềm trí tuệ nhân tạo có khả năng tạo ra văn bản, hình ảnh, video và âm thanh theo yêu cầu. Các chatbot như ChatGPT của OpenAI và Claude của Anthropic, trình tạo hình ảnh như Firefly của Adobe và thậm chí cả những công cụ khoa học như AI giải cấu trúc protein của Viện Công nghệ Massachusetts, FrameDiff, Google DeepMind, AlphaFold là những phát minh về AI tạo sinh.
Với khoảng 6.300 đơn xin cấp bằng sáng chế kể từ năm 2014, Hoa Kỳ đứng thứ hai. Số lượng này chưa bằng 1/6 tổng số đơn xin cấp bằng sáng chế của Trung Quốc.
Hàn Quốc đứng thứ ba (4.155 đơn xin bằng sáng chế). Nhật Bản đứng thứ 4 (3.409 đơn xin bằng sáng chế) và Ấn Độ đứng thứ 5 (1.350 đơn xin bằng sáng chế). Kế tiếp là Anh (714 đơn xin bằng sáng chế), Đức (708 đơn xin bằng sáng chế), Canada (549 đơn xin bằng sáng chế) và Israel (311 đơn xin bằng sáng chế).
Lê Vũ Văn Anh, phó giáo sư chuyên về luật sở hữu trí tuệ tại Đại học Durham ở Anh, nói với Forbes rằng Trung Quốc nộp số lượng lớn đơn xin cấp bằng sáng chế chắc chắn cho thấy quốc gia này có thế mạnh về năng lực nghiên cứu và phát triển.”
“Tuy nhiên, số lượng nói trên chưa thể phản ánh chất lượng hoặc tác động của những phát minh,” Lê Vũ Văn Anh nói, đồng thời cho biết thêm dữ liệu về đơn nộp xin cấp bằng sáng chế chưa đủ để thấy bức tranh toàn diện về AI tạo sinh của Trung Quốc.
“Chúng ta nên xem xét các chỉ số khác, chẳng hạn như hoạt động khởi nghiệp cho thấy sức mạnh của hệ sinh thái đổi mới,” cũng như tốc độ thương mại hóa bằng sáng chế. Lê Vũ Văn Anh nói rằng về phương diện này, Hoa Kỳ có “môi trường đổi mới mạnh mẽ,” đồng thời chỉ ra nhiều startup AI đang nổi lên ở đó.
Lê Vũ Văn Anh giải thích thêm: “Các quốc gia có chính sách khác nhau cho bằng sáng chế. Trung Quốc ban hành nhiều chính sách trợ cấp, ưu đãi cho nhà phát minh đăng ký bảo hộ bản quyền sáng chế.
Những chính sách này khuyến khích nhà phát minh nộp đơn xin cấp bằng sáng chế. Ngoài ra, bằng sáng chế cũng là một trong những điều kiện cho ai muốn làm việc tại cơ quan nhà nước, giúp thăng chứng hoặc xây dựng danh tiếng.
WIPO cho biết trên toàn cầu, các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc như Tencent, Ping An Insurance Group và Baidu có số lượng bằng sáng chế AI tạo sinh lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại. Những tập đoàn này có số lượng bằng sáng chế gấp nhiều lần so với các công ty khác trong danh sách tốp 10 toàn cầu.
WIPO cho biết trong danh sách tốp 10 toàn cầu, Trung Quốc có sáu công ty, tổ chức với số lượng lớn bằng sáng chế AI, trong đó nổi bật nhất là Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, tổ chức nghiên cứu duy nhất trong danh sách. Tập đoàn công nghệ IBM của Hoa Kỳ đứng thứ năm trong danh sách. Tập đoàn có số lượng bằng sáng chế nhiều nhất so với các công ty của Hoa Kỳ.
Tencent Holdings (2.074 bằng sáng chế)
Ping An Insurance Group (1.564 bằng sáng chế)
Baidu (1.234 bằng sáng chế)
Chinese Academy of Sciences (607 bằng sáng chế)
IBM (601 bằng sáng chế)
Alibaba (571 bằng sáng chế)
Samsung Electronics (468 bằng sáng chế)
Alphabet/Google (443 bằng sáng chế)
Bytedance (418 bằng sáng chế)
Microsoft (377 bằng sáng chế)
WIPO cho biết AI tạo sinh chỉ chiếm 6% số bằng sáng chế AI toàn cầu nhưng số lượng hồ sơ mới xin cấp bằng sáng chế tăng nhanh trong những năm gần đây. Chỉ trong năm 2023, hơn ¼ đơn xin cấp bằng sáng chế AI tạo sinh.
WIPO nói thêm khoảng 18.000 đơn xin cấp bằng sáng chế cho phát minh về dữ liệu video và hình ảnh. Kế tiếp là 13.494 đơn xin cấp bằng sáng chế cho các phát minh về văn bản và 13.480 đơn xin cấp bằng sáng chế cho phát minh giọng nói và âm nhạc.
AI tạo sinh có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực và WIPO cho biết trong tương lai công nghệ này có thể giúp phát triển các loại thuốc mới, hỗ trợ chatbot dịch vụ khách hàng và cải thiện thiết kế sản phẩm cũng như xe tự lái.
WIPO dự báo ngày càng có nhiều bằng sáng chế GenAI sử dụng dữ liệu dựa trên phân tử, gene và protein với tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm 78% trong 5 năm qua. Mặc dù AI tạo sinh xuất hiện được nhiều năm nhưng gần đây công nghệ này mới thực sự phát triển.
OpenAI phát hành trợ lý ChatGPT vào năm 2022 đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng và bắt đầu cuộc chạy đua toàn cầu giữa các công ty phát triển cũng như ứng dụng công cụ AI. McKinsey ước tính nền kinh tế AI tạo sinh đang phát triển có thể đóng góp thêm 4,4 ngàn tỉ USD mỗi năm cho nền kinh tế toàn cầu.
Biên dịch: Gia Nhi
————————
Xem thêm:
Nhiều hãng điện thoại thông minh chạy đua tích hợp AI tạo sinh vào sản phẩm
Gates Foundation tài trợ 48 dự án AI tạo sinh ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình
Databricks mua lại MosaicML để đẩy mạnh ứng dụng AI tạo sinh
10 tháng trước
Google ra mắt mô hình MedLM cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe