Công nghệ

Trung Quốc thu hẹp khoảng cách về trí tuệ nhân tạo với Mỹ

4 ngày trước
Nguồn: Nikkei Asia

Theo một số báo cáo, Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách với Hoa Kỳ về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI). Hai quốc gia này đang cạnh tranh để dẫn đầu thế giới.

Share
this:

Nikkei Asia đã xem khoảng 30.000 bài báo nghiên cứu được Hội nghị về hệ thống xử lý thông tin thần kinh (NeurlPS), Hội nghị quốc tế về học máy (ICMR) và Hội nghị quốc tế về biểu diễn học tập (ICLR) tiếp nhận từ năm 2020 đến 2024. Chỉ có khoảng 20% – 30% trong số hàng chục nghìn bài báo gửi tới các hội nghị này được chấp nhận, do quá trình lựa chọn khắt khe.

Robot GoMate vừa được GAC ra mắt - Ảnh: Hi Tech Mail
Trung Quốc đẩy mạnh nghiên cứu AI nhưng năm qua – Ảnh: Hi Tech Mail

Trong số 50 tổ chức đóng góp nhiều nhất vào năm 2024, có 14.766 tác giả từ Hoa Kỳ. Trung Quốc thứ 2 với con số 8.491, tăng 8 lần trong 4 năm qua.

Trong 10 tổ chức đóng góp nhiều nhất thì có 6 ở Hoa Kỳ và 2 ở Trung Quốc. Đứng thứ nhất là Google, nhưng đáng chú ý vị trí số 2 thuộc về đại học Thanh Hoa của Trung Quốc. Đại học Bắc Kinh đứng thứ 6. Top 10 còn những cái tên đình đám khác như đại học Stanford, Microsoft và Meta.

Top 20 đáng chú ý có đại học quốc gia Singapore đứng thứ 12 và viện khoa học công nghệ tiên tiến Hàn Quốc thứ 13.

Bất ngờ là Nhật Bản không có tổ chức nào trong top 50. Viện nghiên cứu Riken đứng thứ 64 và đại học Tokyo thứ 71.

Năm 2020, Hoa Kỳ độc chiếm từ vị trí thứ nhất đến thứ 7, và có 13 trên 20 tổ chức hàng đầu. Sau đó Trung Quốc đẩy mạnh nghiên cứu AI cấp quốc gia, theo kế hoạch đề ra năm 2017, với mục tiêu trở thành trung tâm AI toàn cầu năm 2030.

Từ 2020 đến 2024, số lượng tác giả ở đại học Thanh Hoa và đại học Bắc Kinh có báo cáo được chấp nhận tăng 3 – 4 lần. Đại học Chiết Giang, nơi mới thành lập 1 trung tâm AI hợp tác với Alibaba, chứng kiến số lượng tác giả có bài được hội nghị chấp nhận tăng từ 34 năm 2020 lên 906 năm 2024.

Các tổ chức của Nhật Bản cũng chứng kiến sự gia tăng, nhưng chậm hơn so với đồng nghiệp Trung Quốc. Viện Riken và đại học Tokyo lần lượt có 188 và 171 tác giả năm 2024, gấp đôi số lượng năm 2020.

Rất ít nhà nghiên cứu Nhật Bản từng học tập tại Hoa Kỳ – môi trường AI tiến tiến và phát triển sớm nhất toàn cầu. Bên cạnh đó Nhật Bản cũng chưa thật sự mạnh mẽ thu hút tài năng ngoại quốc. Đây có thể là một trong số các nguyên nhân của sự tụt lại.

Phân tích từ Nikkei cũng cho thấy sự gia tăng số lượng nhà nghiên cứu trên mỗi bài báo, do cần xử lý nhiều thông tin hơn.

Ông Hidenori Tanaka từ trung tâm khoa học não bộ của Đại học Harvard chia sẻ: “Nghiên cứu AI hiện nay, bảo mật và nguồn nhân lực là cần thiết nhất. Do đó, sẽ khó tiến hành hơn nếu không duy trì mối gắn kết với cộng đồng cụ thể. Ví dụ công ty lớn hoặc tổ chức nổi tiếng.”

(Biên dịch: NVP)