Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,5% trong năm nay, thấp nhất trong hơn 30 năm qua.
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% trong năm nay, tốc độ thấp nhất trong hơn 30 năm qua sau khi nước này đối mặt với nhiều thách thức từ sức tiêu thụ yếu, đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại và thị trường bất động sản lao dốc.
Trong kỳ họp thứ năm Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, bắt đầu vào ngày 4.3 và sẽ kéo dài gần như một tuần, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công bố mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của năm nay. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì mức tăng trưởng kinh tế ổn định. Đây là ưu tiên hàng đầu hiện nay đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn trước những thách thức đang gia tăng.
“Đất nước của chúng ta sẽ đối mặt nhiều rủi ro và thách thức hơn nữa, và chúng ta phải tiếp tục nỗ lực để vượt qua chúng,” ông Lý Khắc Cường cho biết trong báo cáo hoạt động của chính phủ.
Các nhà phân tích trước đó đã dự kiến Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 5 đến 5,5% trong năm 2022. Theo Shen Meng, giám đốc ngân hàng đầu tư cửa hàng Chanson & Co ở Bắc Kinh, chính phủ sẽ thực hiện nhiều chính sách kích thích kinh tế hơn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như tiêu dùng và công nghệ để đạt được mục tiêu 5,5%.
Ngoài ra, khi Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba khi Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức vào mùa thu năm nay, duy trì kinh tế ổn định là một nhiệm vụ quan trọng. Năm ngoái, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt mức tăng trưởng 8,1%, vượt qua mục tiêu hơn 6% do chính phủ đề ra.
Feng Chucheng, đối tác sáng lập tại công ty tư vấn Plenum ở Bắc Kinh, cho biết: “Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh giảm mục tiêu tăng trưởng GDP hơn 0,5% chỉ từ cuộc họp trước. Và năm nay, mục tiêu tham vọng hơn giúp định hướng kỳ vọng và tăng lòng tự tin.”
“Nhưng vì lĩnh vực tiêu dùng tăng trưởng thấp và thị trường bất động sản được điều tiết, Trung Quốc cần thêm chính sách nới lỏng hơn và tăng cường đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5%,” ông nói thêm.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn giữ quan điểm bi quan hơn. Bên cạnh thị trường bất động sản hạ nhiệt nhanh chóng, mà theo một số ước tính lĩnh vực này đóng góp tới 1/4 GDP của Trung Quốc, các nhà kinh tế học của Nomura do Lu Ting dẫn đầu cũng chỉ ra chiến lược Zero COVID “ngày càng tốn kém” là lực cản đang tác động rõ ràng đến mức tăng trưởng.
Trong khi đó, Trung Quốc còn có những vấn đề khác cần giải quyết. Dịch bệnh COVID-19 ở Hong Kong đã ghi nhận mức cao kỷ lục gần 60 ngàn ca mỗi ngày, gây quá tải cơ sở y tế và làm gia tăng số lượng người rời bỏ Hong Kong. Ngoài ra, chiến tranh Nga – Ukraine đã làm chao đảo thị trường tài chính, dẫn đến giá hàng hóa tăng cao cùng với các báo cho rằng ông Tập hiện đang suy nghĩ lại về mối quan hệ thân thiết của Trung Quốc với Nga được chính phủ của ông từng mô tả “không có giới hạn.”
Xem thêm: Chiến lược zero COVID của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu 2022
Biên dịch: Gia Nhi