2021 tiếp tục là năm bùng nổ dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Trung Nam Group kịp hoàn thành ba nhà máy điện gió công suất 500MW hưởng giá FiT.
Đồng hồ tích tắc nhích dần về 12 giờ trưa, ông Nguyễn Tâm Tiến, tổng giám đốc Trung Nam Group đẩy cửa bước vào phòng làm việc: “Tôi đang họp ban giám đốc.” Ông Tiến phân trần khi trễ hẹn 40 phút trong cuộc phỏng vấn với Forbes Việt Nam. Vẻ khẩn trương, ngồi xuống, nhấp một ngụm trà, ông nói ngay: “Nói chuyện xong tôi sẽ họp tiếp. Chúng tôi làm việc xuyên trưa.
Sau khi TP.HCM khôi phục hoạt động xã hội, những tháng cuối năm là thời gian bận rộn của ban lãnh đạo Trung Nam khi chạy đua với thời gian giải quyết khối lượng công việc ngưng đọng do lệnh giãn cách xã hội trước đó. Công ty kịp đưa các dự án điện gió với tổng công suất hơn 500MW vào vận hành thương mại.
Vận hành 10 nhà máy năng lượng tái tạo, Trung Nam sở hữu công suất 1.750MW, xấp xỉ bằng công suất thiết kế của nhà máy thủy điện Hòa Bình. Hành trình công ty tư nhân đưa các dự án cán đích – đủ điều kiện được hưởng giá bán điện FiT (Feed in Tariff), giống như cách một cua rơ tham gia cuộc đua nước rút mà kinh nghiệm, sự chuẩn bị và khả năng tăng tốc ở những thời điểm quan trọng giúp Trung Nam vươn lên thành nhà quán quân về sở hữu năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Thành lập năm 2004, Trung Nam hoạt động với năm mảng chính: năng lượng, hạ tầng, xây lắp, bất động sản và công nghiệp điện tử. Với hoạt động kinh doanh ban đầu là xây lắp, công ty này từng tham gia đầu tư, phát triển các dự án thủy điện nhỏ với quy mô khiêm tốn chỉ vài chục MW, không gây được chú ý trên bản đồ năng lượng Việt Nam. Vài năm gần đây khi quang điện và phong điện bùng nổ, doanh nghiệp này nổi lên trở thành nhà đầu tư có tiềm lực, sở hữu đủ loại hình năng lượng tái tạo từ thủy điện nhỏ, trang trại điện mặt trời đến điện gió trên đất liền và điện gió ngoài khơi. Ước tính Trung Nam đã rót số vốn đầu tư hơn hai tỉ đô la Mỹ vào mảng kinh doanh mới này, theo tự bạch của công ty.
một công ty tư nhân kín tiếng bắt đầu được nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông đi kèm những thông tin gây chú ý “khánh thành nhà máy điện gió lớn nhất trên bờ”, “khánh thành dự án điện gió lớn nhất ngoài khơi”, “hoàn thành tổ hợp năng lượng điện mặt trời và điện gió lớn nhất Đông Nam Á.” Tên công ty cũng xuất hiện bên cạnh việc tham gia xây dựng hạ tầng truyền tải điện “đường dây 500kV đầu tiên do tư nhân đầu tư đóng điện thành công.” Do phát triển dự án điện mặt trời ồ ạt, Ninh Thuận biến thành “thủ đô điện mặt trời.” Nhưng hạ tầng lưới điện không theo kịp sự bùng nổ của các dự án, Trung Nam thực hiện “nhiệm vụ chính trị” xây dựng trạm biến áp và đường dây 220/500kV khai thông thế bế tắc, kết nối nhiều nhà máy hòa vào lưới điện quốc gia.
Ngân hàng Thế giới nhận xét Việt Nam là quốc gia mới nổi, đang trở thành nước phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ nhanh nhất thế giới. Nhiều con số thống kê chứng minh nhận định này. Năm 2019, công suất lắp đặt mới điện mặt trời tại Việt Nam đạt 5,3GW, gấp 19 lần mức 108MW cuối năm 2018. Cây đũa thần dẫn đến sự bùng nổ là chính sách ưu đãi mua 9,35 cent/kWh điện mặt trời với các dự án vận hành thương mại trước ngày 30.6.2019.
Chiếm 50% công suất lắp đặt mới tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nhanh chóng vươn lên dẫn đầu khu vực. Sang năm 2020, với chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, Việt Nam đứng thứ ba toàn cầu về công suất năng lượng tái tạo lắp đặt mới, vẫn chủ yếu là điện mặt trời. Với công suất tăng thêm 11,6GW, chỉ xếp sau Hoa Kỳ (32GW) và Trung Quốc (136GW) và đứng trên các quốc gia G7 như Đức, Nhật Bản.
Với những nhà đầu tư điện gió, năm 2021 là quãng thời gian sôi động chưa từng có. Trước đó, năm 2018, Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ giá mua 8,5 – 9,8 cent/kWh (chưa gồm thuế VAT) cho các dự án điện gió đưa vào vận hành thương mại trước 1.11.2021. Phát pháo lệnh này đẩy cuộc đua phát triển năng lượng tái tạo lên tầm cao mới và lần này là cuộc đua diễn ra giữa nhiều nhà đầu tư phong điện, trong đó có Trung Nam. Theo số liệu của bộ Công thương, 146 dự án điện gió, tổng công suất lắp đặt gần 8,2GW đăng ký để hưởng giá FiT trong năm 2021.
Cuộc chạy đua đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam nóng cả trên bờ lẫn ngoài khơi. Cuối năm 2021, thứ trưởng bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết các địa phương đăng ký đạt dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất 110GW, gấp 22 lần mục tiêu 5GW vào năm 2030 theo dự thảo Quy hoạch điện VIII đang chờ phê duyệt. Để thấy được độ lớn của những con số cần nhìn bức tranh rộng hơn. Đầu năm 2021, tổng công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi trên toàn cầu đạt 35GW, tăng gấp đôi trong năm năm qua, theo hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC). Hiện tại, Đức là quốc gia đang dẫn đầu thế giới về điện gió, công suất lắp đặt đạt hơn 60GW, trong đó có 8GW điện gió ngoài khơi.
“Thi công điện gió một dự án phải mất hai năm trở lên để hoàn thành. Đo gió mất một năm, đặt thiết bị mất một năm, trong quá trình đó phải đền bù giải tỏa, nhập thiết bị về lắp đặt,” ông Tiến nói. Trong cuộc hội thảo “Đầu tư về năng lượng tái tạo trong bối cảnh mới” tổ chức đầu tháng 12.2021, ông Trịnh Đức Trường Sơn, giám đốc công ty TNHH MTV Năng lượng Viên An Cà Mau kể dự án của công ty đã gặp rất nhiều khó khăn khi đại dịch bùng phát ở phía Nam. Đầu tiên, các thiết bị siêu trường siêu trọng như tuốc bin gió nhập về cảng nhưng khó thông quan vận chuyển do những quy định giãn cách rất khắt khe của TP.HCM. Tại công trường thi công, công nhân và chuyên gia đều phải có giấy xác nhận âm tính, phải xét nghiệm COVID-19 và cách ly 14 – 21 ngày nếu từ địa phương khác tới, trong khi tiến độ dự án gấp gáp.
Trong quá trình thi công dự án trên biển, vì phải xét nghiệm COVID-19 ba ngày/lần, công nhân phải di chuyển từ sà lan vào trong đất liền, vừa tăng chi phí, vừa ảnh hưởng tiến độ dự án. Khó khăn khiến Viên An Cà Mau không kịp hoàn thành dự án điện gió 50 MW đúng hạn, không được hưởng giá FiT. Bộ Công thương công bố do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, 62 dự án điện gió không hoàn thành đúng hạn để hưởng giá FiT.
“Nên thông cảm với các chủ đầu tư, vì thiên tai, dịch bệnh là bất khả kháng,” ông Tiến nói. Không miễn nhiễm với khó khăn chung nhưng năm qua Trung Nam Group kịp hoàn thành ba dự án điện gió. Tháng 4.2021, công ty khánh thành giai đoạn ba nhà máy điện gió Trung Nam (Ninh Thuận) tăng thêm 48 MW, nâng tổng công suất lên 152 MW. Chạy đua nước rút trong giai đoạn phong tỏa, Trung Nam hoàn thành dự án Điện gió Ea Nam (Đắk Lắk) có công suất 400 MW, dự án điện gió trên bờ có công suất lớn nhất Việt Nam hiện nay. Cuối tháng 10.2021, công ty tiếp tục cán đích, kịp vận hành thương mại dự án Đông Hải 1 (Trà Vinh). Với công suất 100 MW, đây là dự án điện gió trên biển lớn nhất đã hoàn thành tính đến thời điểm hiện nay.
“Với Trung Nam, triển khai nhiều dự án trên bờ, dưới biển cùng một lúc nhưng với sự nỗ lực của toàn bộ đội ngũ, các dự án đều cán đích đúng hạn,” ông Tiến kể về việc công ty cùng lúc phải dàn quân tại nhiều địa phương từ Đắk Lắk, Ninh Thuận tới Bến Tre, Trà Vinh, cả trên bờ lẫn trên biển để thi công các dự án điện gió. Lãnh đạo Trung Nam cho biết điện mặt trời khó nhất là đền bù giải tỏa, còn các tấm pin lắp đặt theo quy chuẩn, một dự án điện mặt trời có thể hoàn thành trong sáu tháng. Việc đặt hàng tấm pin quang năng dễ hơn khi sản phẩm thương mại hóa. Ngược lại, đối với điện gió, việc đền bù giải tỏa ít khi phát sinh phức tạp nhưng thiết bị đặc chủng đặt mua lâu hơn, lắp đặt đòi hỏi tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt, phụ thuộc vào địa hình của dự án.
Hãy tưởng tượng các cột điện gió của Trung Nam trên đất liền có chiều cao 130m, tuốc bin gió có đường kính sải cánh 165m, việc xây dựng cần các đơn vị xây lắp chuyên nghiệp được trang bị cần cẩu khẩu độ và lực nâng lớn, sở hữu các thiết bị vận tải siêu trường, siêu trọng để vận chuyển các thiết bị khổng lồ tới công trường. Việc thi công trên đất liền đã thách thức, thi công trên biển càng thách thức gấp bội khi các cột gió cao 100m, đường kính cánh quạt 145m, thi công lắp đặt phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, trên cao là gió, ở dưới là biển, các thiết bị thi công còn phải chịu được sự ăn mòn của muối biển.
Các cột gió của dự án điện gió Đông Hải 1 (Trà Vinh) trên biển, nằm rải rác cách đất liền từ 3-10km nên việc thi công còn phải giữ an toàn cho tuyến cáp quang quốc tế, luồng di chuyển của tàu thuyền vào ra. “Dự án điện gió Đông Hải 1, những người đi xây công trình đã đối diện với khó khăn chưa từng có,” ông Tiến nói nhưng cho biết: “Nhờ khâu chuẩn bị tốt nên việc Trung Nam chạy đua tiến độ hoàn thành dự án hưởng giá FiT tương đối tốt. Đó là cuộc đua ngoạn mục.”
Trong lĩnh vực điện gió, Trung Nam gặp nhiều khó khăn làm chậm nhịp độ thi công. Nhưng ông Tiến cho biết: “Trung Nam là đơn vị tư nhân, vận chuyển cũng mình, lắp đặt cũng mình, đầu tư xây dựng cũng mình. Nên mình có thể huy động toàn nguồn lực cho việc thực hiện dự án.” Trung Nam đã đầu tư 180 triệu đô la Mỹ cho thiết bị chuyên dụng phục vụ hoạt động vận chuyển, xây lắp nên hoàn toàn chủ động đẩy tiến độ nước rút, điểm khác biệt lớn với các nhà đầu tư khác phụ thuộc vào công ty xây dựng bên ngoài.
Trước khi được nhắc đến với các dự án năng lượng tái tạo, hoạt động kinh doanh chính của Trung Nam là xây lắp, hạ tầng và bất động sản. Khởi đầu với hoạt động xây lắp, Trung Nam từng thực hiện các dự án hạ tầng lớn như nút giao thông cầu vượt ngã ba Huế (Đà Nẵng), một trong các nhà đầu tư góp vốn xây dựng cầu Bạch Đằng – cây cầu huyết mạch nối Hải Phòng với Quảng Ninh. Tên tuổi Trung Nam được biết đến rộng rãi khi trở thành tổng thầu Dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) của TP.HCM – tên gọi khác phổ biến hơn là “dự án chống ngập 10 ngàn tỉ.”
Trong lĩnh vực bất động sản, hiện tại công ty tư này phát triển các dự án bất động sản công nghiệp, đô thị và du lịch nghỉ dưỡng tại một vài địa phương. Tại khu công nghệ cao Đà Nẵng, Trung Nam có nhà máy lắp ráp bo mạch, linh kiện dùng sản xuất thiết bị trong ngành điện tử như điện thoại, laptop và các sản phẩm y tế. Dù kinh doanh trải rộng đa ngành nhưng các mảng hoạt động của Trung Nam Group ít nhiều gắn liền hoặc được bổ trợ từ hoạt động truyền thống là xây lắp.
Trong dự án mới nhất vừa khánh thành, suất đầu tư điện gió ngoài khơi của Trung Nam lên đến 2 triệu đô la Mỹ/MW tại dự án Đông Hải 1. Để cân đối bài toán tài chính, Trung Nam đã chuyển nhượng cổ phần ở một số dự án: Công ty thoái 49% cổ phần công ty điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc công suất 204MW cho công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT), Trung Nam chuyển nhượng 35% cổ phần Điện gió Trung Nam (TNWP) cho Hitachi Sustainable Energy (Hitachi SE).
Ông Tiến nói công ty giữ nguyên tắc chỉ chuyển nhượng cổ phần cho các đối tác là công ty 100% vốn Việt Nam hoặc những nhà đầu tư nước ngoài có nguồn vốn rõ ràng đến từ các quốc gia có quan hệ hữu hảo với Việt Nam. “Trung Nam là doanh nghiệp tư nhân nói được làm được. Với mình không có chuyện bán lúa non. Tôi nói với Hitachi nếu họ chuyển nhượng cổ phần cho bên thứ ba tôi sẽ mua lại,” ông Tiến khẳng định.
Với mục tiêu xây dựng để khai thác, không xây dựng để bán (built to sell) Trung Nam đầu tư thiết bị từ các công ty hàng đầu thế giới như Enercon, Siemens, Sany. “Các dự án được đầu tư thiết bị tốt nhất dù suất đầu tư cao nhưng giảm chi phí vận hành bảo dưỡng,” ông Tiến lý giải. Là nhà đầu tư tư nhân đã tham gia xây dựng hạ tầng lưới điện góp phần giải cứu các dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận, ông Tiến cho rằng đã đến lúc đầu tư cho công nghệ, tích trữ để đem đến nguồn cung ổn định khi cả điện gió, điện mặt trời lệ thuộc vào thời tiết.
Nhà đầu tư năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam nhận xét Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các cam kết cắt giảm khí thải CO2 tại COP26 nên năng lượng tái tạo tiếp tục được quan tâm đầu tư mạnh mẽ thời gian tới. Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng nhiều loại hình năng lượng truyền thống như thủy điện, điện khí, điện than vẫn có vai trò nhất định nhằm khắc phục điểm yếu thiếu ổn định của năng lượng tái tạo: “Về nguyên tắc năng lượng tái tạo như đám con nít chạy vòng tròn muốn ổn định phải có vài người lớn chạy cùng. Ngành năng lượng cũng vậy, phải có ‘người lớn’ chạy nền. Nếu toàn bộ năng lượng tái tạo, hoạt động sẽ phụ thuộc vào thời tiết sẽ rất lộn xộn.”
Chờ Quy hoạch điện VIII ban hành, Trung Nam dự định vẫn mở rộng đầu tư năng lượng tái tạo mục tiêu đạt 5GW vào năm 2030, tăng gấp đôi vào năm 2045. “Cuộc đua điện gió mình đã cán đích ngoạn mục. Mình sẽ tiếp tục phát triển các dự án theo chính sách và quy hoạch ngành năng lượng,” lãnh đạo Trung Nam nói.
Theo Forbes Việt Nam số 101, tháng 1.2022
3 năm trước
Năng lượng vượt bất động sản về thu hút vốn FDI2 tháng trước