Công ty FuelCell Energy và Toyota triển khai hệ thống đầu tiên trên thế giới biến khí thải metan thành điện, hydro và nước. Toyota sẽ dùng sản phẩm tại cảng Nam California trong 20 năm tới.
Ngày 7.9, cả hai công ty đều cho biết hệ thống sản xuất năng lượng dùng cho cơ sở logistics của Toyota ở cảng Long Beach, Hoa Kỳ được đề xuất xây dựng vào năm 2017 và hiện hoàn thành, sẽ sớm đưa vào vận hành.
Jason Few, CEO của công ty sản xuất hệ thống điện FuelCell Energy, nói với Forbes rằng hệ thống này được thiết kế để chuyển đổi dòng khí sinh học từ bùn lẫn chất thải nông nghiệp thành 2,3 MW điện, 1.200 kg hydro và 5.299 lít nước mỗi ngày. Hệ thống chỉ chiếm diện tích bằng ba sân bóng rổ.
“Chúng tôi đang sản xuất điện cũng như hydro và nước nhưng không phát thải khí carbon một cách hiệu quả cho Toyota,” Few nói. “Hệ thống này còn nhiều chức năng khác nữa.”
Hệ thống được xây xong đúng thời điểm Hoa Kỳ đang tăng cường sử dụng nhiều nhiên liệu hydro hơn từ các nguồn tạo ra không phát thải CO2. California ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các dự án năng lượng sạch như vậy trong nhiều năm – đặc biệt tại cảng ở Nam California, một trong những nơi ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất nước.
Ngoài ra, chính quyền tổng thống Biden còn ban hành các khoản tín dụng thuế liên bang mới hấp dẫn cho khí hydro được tạo ra từ những nguồn không phát thải CO2 lên tới 3 USD/kg.
Tỉ phú Bill Gates mô tả khí hydro như “Swiss Army Knife” trong “cuộc chiến” nhằm giảm lượng khí thải nhà kính đang gia tăng và khiến trái đất bị nóng lên thông qua quá trình sản xuất điện, lưu trữ năng lượng, sản xuất phân bón, amoniac và thép sạch hơn hoặc làm nhiên liệu cho xe tải, ô tô, tàu thủy và máy bay.
Hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới Toyota sẽ sử dụng khí hydro được tạo ra từ hệ thống trên cho đội xe tải Kenworth chạy bằng pin nhiên liệu tại cảng. Ngoài ra, hãng cũng dùng khí hydro làm nhiên liệu cho những chiếc sedan điện chạy pin nhiên liệu Mirai được vận chuyển bằng tàu từ Nhật Bản đến cảng.
Công ty sẽ sử dụng điện được sản xuất từ hệ thống cho tất cả hoạt động của cảng. Ngoài ra, hãng còn dùng nguồn nước được hệ thống tạo ra để rửa 200.000 xe mới được vận chuyển từ các nhà máy của hãng ở nhiều nơi trên thế giới đến cảng mỗi năm.
Cả hai công ty cho biết Toyota ký hợp đồng sử dụng hệ thống này trong 20 năm và sẽ loại bỏ hơn 9.000 tấn CO2 khỏi không khí mỗi năm. Lượng điện dư thừa mà Toyota không sử dụng sẽ được truyền tới công ty điện lực Southern California Edison để hòa vào mạng lưới điện địa phương.
Hệ thống của FuelCell Energy sử dụng pin nhiên liệu cacbonat nóng chảy hoạt động ở nhiệt độ 600 độ C trở lên. Few nói rằng hệ thống được xây dựng cho Toyota là hệ thống đầu tiên và công ty sẽ tạo ra nhiều hệ thống tiên tiến hơn và bán với giá khoảng 35 triệu USD.
“Chúng tôi nghĩ hệ thống này không chỉ sử dụng tại cảng mà còn ở nhiều nơi khác có nhu cầu về khí hydro và nước. Mỏ khai thác cũng là nơi rất thích hợp để dùng hệ thống này,” ông nói.
Biên dịch: Gia Nhi
————————-
Xem thêm:
CP Group hợp tác với Toyota sản xuất khí hydro từ chất thải của trang trại
Toyota và Redwood Materials hợp tác tái chế pin xe điện
Toyota công bố hệ điều hành xe tự hành mới cạnh tranh với Wolkswagen