Trong số 200 công ty trong danh sách Asia’s 200 Best Under A Billion năm 2022, 8 cái tên tiêu biểu được Forbes nhấn mạnh vào động lực phục hồi hậu COVID-19.
Khi các lệnh hạn chế phòng COVID-19 trên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương được gỡ bỏ và người dân thích ứng với điều kiện bình thường mới, danh sách Asia’s 200 Best Under A Billion (200 doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 tỉ USD tốt nhất châu Á) thường niên năm 2022 của Forbes cho thấy sự dịch chuyển sang chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu.
Trong khi các công ty dược và chăm sóc sức khỏe nổi lên vào năm 2021, các doanh nghiệp may mặc, đơn vị vận hành trung tâm thương mại, nhà hàng, thiết bị điện tử tiêu dùng và giải trí, bên cạnh những công ty khác đã hưởng lợi từ việc thế giới quay trở lại cuộc sống bình thường hậu đại dịch COVID-19.
Danh sách năm 2022 bao gồm 75 công ty đã góp mặt từ những năm trước đó, thể hiện khả năng phục hồi trong môi trường kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng. Đơn cử như Aspeed của Đài Loan có chín năm liên tiếp gia nhập danh sách Asia’s Best Under A Billion của Forbes.
Sau đây là 8 cái tên tiêu biểu nắm bắt được động lực tăng trưởng kinh tế hậu đại dịch COVID-19.
Bafang Electric
Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, xe đạp trợ lực điện (E-bike) ngày càng phổ biến khi mọi người sử dụng xe đạp như loại hình giải trí và di chuyển thay thế các phương tiện khác. Hưởng lợi từ xu hướng này, doanh số bán hàng của công ty sản xuất động cơ điện và pin điện tử Bafang Electric có trụ sở tại Tô Châu (Trung Quốc) trong năm 2021 tăng 90%, còn lợi nhuận thuần đạt mức tăng trưởng 50%. Trong thời gian gần đây, Bafang Electric đã khánh thành nhà máy sản xuất mới tại Ba Lan để đáp ứng thị trường châu Âu.
Dollar Industries
Khi hoạt động giao thương và nguồn cung vật liệu phục hồi sau đại dịch COVID-19, doanh số của công ty may mặc Ấn Độ Dollar Industries trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2022 tăng trưởng 30% và lợi nhuận thuần tăng 72%. Bên cạnh mở rộng sang dòng sản phẩm thời trang dành cho phái nữ, công ty gần đây cũng mở thêm nhà máy sợi và kho hàng.
Gift Holdings
Gift Holdings, vận hành chuỗi nhà hàng phục vụ món mì Ramen Nhật Bản ghi nhận doanh thu đạt 124 triệu USD, tăng trưởng 22% khi xứ sở mặt trời mọc gỡ bỏ các lệnh hạn chế phòng dịch COVID-19 và đưa khách hàng trở lại. Trong năm 2021, Gift Holdings sở hữu hệ thống 602 nhà hàng, gồm 147 điểm do công ty trực tiếp sở hữu, tăng từ 519 nhà hàng vào năm 2020.
Globe International
Doanh thu của hãng sản xuất trang phục, giày dép và ván trượt Globe International tăng 75%, đạt 199 triệu USD từ ba thị trường chính gồm quê nhà Úc, Bắc Mỹ và châu Âu, khoản thu lớn nhất công ty này từng ghi nhận. Globe International đang bán sản phẩm tại hơn 100 quốc gia trên thế giới.
JYP Entertainment
Việc nới lỏng các lệnh hạn chế phòng dịch COVID-19 đã thúc đẩy doanh số từ các buổi biểu diễn ca nhạc và sự kiện offline của công ty giải trí Hàn Quốc JYP Entertainment, với mức tăng trưởng 34% và lợi nhuận thuần tăng gấp đôi trong năm 2021. Các nghệ sĩ trực thuộc JYP Entertainment bao gồm hai nhóm nhạc K-pop 2PM (nam) và Twice (nữ).
Sappe
Trong năm 2021, thương hiệu đồ uống Thái Lan Sappe đạt doanh thu 108 triệu USD, tăng trưởng 12% khi các thị trường xuất khẩu phục hồi sau đại dịch COVID-19. Sappe hiện xuất khẩu sản phẩm sang 98 quốc gia trên thế giới. Công ty cũng bắt đầu sản xuất các sản phẩm làm từ dầu cọ và cần sa để mở rộng danh sách sản phẩm.
Sido Muncul
Doanh thu của công ty sản xuất thảo dược và thực phẩm chức năng đặt tại Indonesia Sido Muncul trong năm 2021 tăng 21% lên 281 triệu USD, với xu hướng người dân quan tâm hơn đến sức khỏe thể chất và tinh thần sau đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhu cầu dành cho các sản phẩm F&B của công ty.
The Hour Glass
Nhà bán lẻ đồng hồ cao cấp The Hour Glass có trụ sở tại Singapore ghi nhận doanh thu và lợi nhuận thuần lần lượt tăng 40% và 86% trong năm 2021, khi các khách hàng tìm cách chi tiêu tiền sau khoảng thời gian phải ở nhà vì dịch COVID-19. The Hour Glass, bán sản phẩm của các thương hiệu đồng hồ như Rolex, Patek Philippe và Audemars Piguet, đặt 50 cửa hàng cao cấp ở khắp châu Á – Thái Bình Dương.
PHƯƠNG PHÁP TÍNH.
Danh sách này xác định các công ty ghi nhận kết quả kinh doanh bền vững trong thời gian dài từ nhiều số liệu tài chính khác nhau. Forbes đã chọn 200 trong tổng số 20.000 công ty đại chúng với doanh thu hằng năm từ 10 triệu USD đến dưới 1 tỉ USD tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các công ty chưa xếp hạng trong danh sách này, được lựa chọn dựa trên điểm ACT chính thức tổng hợp từ các yếu tố kinh doanh trong thống kê như khoản nợ, doanh số và tăng trưởng tỷ suất lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) của 1-3 năm tài chính gần nhất, và lợi nhuận trên vốn (ROE) cao nhất trong 5 năm qua. Ngoài ra, phương pháp cũng áp dụng thông tin định lượng, như loại trừ các công ty gặp vấn đề nghiêm trọng về quyền quản trị, kết quả kiểm toán đang ngờ, gây ra lo ngại về môi trường, khó khăn trong quản lý hoặc vướng vào vấn đề kiện tụng. Danh sách cũng không bao gồm các công ty trực thuộc chính phủ và công ty con. Tiêu chí lựa chọn cũng đảm bảo sự đa dạng về mặt địa lý của các công ty ở khắp khu vực Đông Nam Á. Danh sách năm 2022 sử dụng báo cáo kết quả kinh doanh cho cả năm, dựa trên số liệu thống kê đã được công bố tính đến ngày 11.7.2022.
Nam Long, Hải An và Đông Hải Bến Tre vào danh sách Best Under A Billion 2022 của Forbes Asia
Biên dịch: Minh Tuấn