Vượt qua tác động từ đại dịch COVID-19, Tony Fernandes không ngừng nỗ lực vực dậy tài chính của AirAsia với hãng hàng không mới tại Cambodia và siêu ứng dụng về du lịch.
Tony Fernandes, người đã gầy dựng AirAsia thành hãng hàng không giá rẻ với phương châm “Tất cả mọi người đều có thể bay”, từng rơi vào cuộc khủng khoảng từ đại dịch COVID-19 khi ngành hàng không gần như tê liệt. Sự bùng phát của COVID-19 buộc ông Fernandes phải dừng hoạt động công ty con AirAsia Japan vào năm 2020 và bán lại liên doanh AirAsia India cho Air India và đối tác Tata Group.
Dưới tác động từ đại dịch lên ngành hàng không, một số nhà phân tích đã đặt ra câu hỏi về khả năng duy trì hoạt động cho hãng hàng không có trụ sở tại Kuala Lumpur của Tony Fernandes, khi AirAsia báo cáo thua lỗ nặng nề và nợ nần chồng chất vào thời điểm đỉnh dịch. Nhưng khi phần lớn các lệnh hạn chế đi lại được gỡ bỏ và hoạt động du lịch trong khu vực Đông Nam Á bùng nổ trở lại, AirAsia nằm trong số những hãng bay tại châu Á ghi nhận hệ số sử dụng ghế (load factor) tăng cao và gần như toàn bộ đội bay đã quay trở lại bầu trời.
Tận dụng khoảng thời gian tạm ngưng hoạt động, Tony Fernandes đã đẩy nhanh kế hoạch phát triển AirAsia thành tập đoàn cung cấp các dịch vụ đa dạng về lữ hành và phong cách sống.
Đầu năm 2022, AirAsia đổi tên thành Capital A để thể hiện việc đa dạng hóa các mảng kinh doanh bên cạnh lĩnh vực hàng không, với ông Fernandes đảm nhiệm vị trí CEO (Tony Fernandes cho biết hàng không vẫn là mảng kinh doanh cốt lõi của công ty mới).
Capital A lấy siêu ứng dụng của AirAsia, giải pháp one-stop shop (cửa hàng một điểm đến) giúp khách hàng đặt vé máy bay và cung cấp những dịch vụ khác, như đặt phòng khách sạn, vé phà, giao đồ ăn, gọi xe và bảo hiểm, làm nhân tố quan trọng. Ông Fernandes mong muốn siêu ứng dụng này sẽ có được thành công như những siêu ứng dụng khác tại Đông Nam Á là Grab và GoTo.
Capital A chính thức ra mắt siêu ứng dụng này vào năm 2020 và liên tục phát triển, mở rộng quy mô sang các thị trường mới. Công ty cũng hợp tác với Google để phát triển để phát triển những tính năng của siêu ứng dụng.
Tony Fernandes cũng có những động thái để giúp Capital A có nền tảng tài chính ổn định hơn. Hồi tháng 3.2022, Capital A hoàn tất thỏa thuận tái cơ cấu nợ cho AirAsia X, công ty con chuyên về tuyến bay đường dài, giúp hãng hàng không này tích lũy 33 tỉ ringgit (7,9 tỉ USD) từ khoản dự trữ trước đó để thanh toán nợ. Trước đó, tháng 11.2021, AirAsia đã được các cổ đông cấp khoản vốn mới trị giá 974,5 triệu ringgit (217 triệu USD).
Ông Fernandes không bỏ bê mảng kinh doanh chủ lực của Capital A là hàng không. Vào tháng 12.2022, doanh nhân người Malaysia thông báo thành lập liên doanh AirAsia Cambodia, hãng hàng không thứ năm của AirAsia tại Đông Nam Á. AirAsia Cambodia sẽ bắt đầu vận hành thương mại vào nửa cuối năm 2023 sau khi hoàn tất thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động.
Tony Fernandes và Kamarudin Meranun đã trải qua một cuộc hành trình trong việc phát triển AirAsia. Năm 2001, bộ đôi nhà sáng lập này mua lại AirAsia, khi ấy là hãng bay non trẻ và phát triển thành một trong những hãng hàng không giá rẻ hàng đầu Đông Nam Á.
Thành công của AirAsia đã giúp ông Fernandes, bắt đầu sự nghiệp từ Virgin Music của tỉ phú Richard Branson, sau đó có 12 năm làm việc cho Warner Music, được Forbes vinh danh với giải thưởng “Doanh Nhân Xuất sắc nhất Châu Á năm 2010” (Forbes Asia’s Businessman of the Year) và cùng Kamarudin Meranun lọt vào danh sách 50 người giàu nhất Malaysia.
Cả Tony Fernandes và Kamarudin Meranun đều đã rời khỏi danh sách này vào năm 2021 khi giá cổ phiếu của AirAsia giảm do đại dịch COVID-19.
Tony Fernandes tập trung nhiều vào Malaysia và các quốc gia lân cận tại Đông Nam Á, khu vực mang lại kết quả kinh doanh tốt hơn phần lớn nơi khác trên thế giới, để phát triển công ty. “Chúng tôi thực sự đang để lại dấu ấn tại Đông Nam Á,” vị tỉ phú 58 tuổi chia sẻ, đồng thời cho biết muốn thành lập nhiều liên doanh tại các quốc gia trong khu vực nhất có thể trước khi nghỉ hưu.
“Chúng tôi thực sự đang để lại dấu ấn tại Đông Nam Á.”
Mặc dù mọi hãng hàng không đang gặp khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao, Fernandes nhận định tình hình kinh doanh đã được cải thiện, với việc nâng giá vé máy bay giúp AirAsia giúp giảm thiểu tác động của chi phí nhiên liệu tăng, bên cạnh việc nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ và ngành hàng không không còn cạnh tranh khốc liệt về giá như trước đây.
Trong bối cảnh giá nhiên liệu máy bay tăng cao, chạm ngưỡng kỷ lục 175 USD/thùng, trước khi dừng lại ở mức 130 USD/thùng vào đầu tháng 2.2023, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết ngành hàng không đang duy trì đà phục hồi ổn định, đặc biệt tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương với lưu lượng hành khách trong năm 2022 tăng 363% so với một năm trước.
Tuy lợi nhuận trong quý 4.2022 đã cải thiện đáng kể, nhưng các vấn đề từ đại dịch vẫn còn đó. AirAsia ghi nhận yêu cầu hoàn tiền vé máy bay có giá trị 2,1 tỉ USD từ các khách hàng bị hủy chuyến bay trong thời điểm bùng phát dịch. Capital A cho biết đã hoàn trả tiền vé cho 94% khách hàng bằng phiếu ưu đãi, song một vài khách hàng lại muốn nhận tiền mặt.
Mảng kinh doanh số là yếu tố quan trọng cho kế hoạch phát triển Capital A của Tony Fernandes, với siêu ứng dụng của AirAsia đang cạnh tranh với những gã khổng lồ đã khẳng định tên tuổi là Grab Holdings và GoTo. Điều này không làm ông nản chí, khi khẳng định rằng AirAsia, khai khai thác đường bay đến 10 quốc gia Đông Nam Á, có thể “trở thành công ty du lịch số phát triển phát triển mạnh mẽ”.
Tony Fernandes đặt niềm tin vào việc siêu ứng dụng này có hãng hàng không riêng, điều mà những đối thủ cạnh tranh khác không có, và có thể đặt chuyến đi đến một vài trong số những điểm du lịch nổi tiếng nhất trong khu vực, chẳng hạn như Siem Reap (Cambodia) và Boracay (Philippines).
Ông Fernandes kỳ vọng siêu ứng dụng, cũng cung cấp các dịch vụ tài chính, sẽ nâng cao hiệu quả kinh doanh của AirAsia. BigPay – công ty con của Capital A hoạt động trong lĩnh vực Fintech tuyên bố có tỷ giá hối đoái tốt nhất cho việc chuyển tiền. “Chúng tôi phát triển Fintech, lĩnh vực trọng tâm tiếp theo của siêu ứng dụng khi khách hàng đi du lịch,” ông cho biết.
“Chắc chắn họ có rất nhiều lợi thế,” Nirgunan Tiruchelvam, giám đốc bộ phận tiêu dùng và nghiên cứu Internet làm việc tại Singapore của Aletheia Capital, nhận định về hoạt động gần đây của Capital A. Tiruchelvam có đôi chút hoài nghi về khả năng thành công của một hãng hàng không khi cạnh tranh với những tên tuổi lớn trong lĩnh vực Fintech. Theo Nirgunan Tiruchelvam, việc một hãng hàng không chuyển đổi sang ứng dụng cung cấp dịch vụ du lịch và phong cách sống là “điều chưa từng có tiền lệ.”
Để đảm bảo thành công, Capital A đang mở rộng sang thị trường đang phát triển. Các dịch vụ trực tuyến như đặt tour du lịch, thương mại điện tử và dịch vụ tài chính khác đang trở nên phổ biến với 650 triệu người dân tại Đông Nam Á. Siêu ứng dụng này ghi nhận 12 triệu lượt người dùng hằng tháng và Teleport, công ty con về logistics của Capital A có Lazada, Shopee và Zalora nằm trong số các khách hàng, đang nắm bắt cơ hội từ sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử tại Đông Nam Á.
Tony Fernandes cũng đặt niềm tin vào thị trường Cambodia để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của công ty. AirAsia khai thác chuyến bay đầu tiên từ Kuala Kumpur, Malaysia đến Cambodia từ năm 2005 và nay kỳ vọng việc thành lập AirAsia Cambodia sẽ đưa quốc gia này trở thành trung tâm hoạt động. AirAsia đã hình thành những trung tâm hoạt động tại Kuala Kumpur, Jakarta, Manila, cho phép các liên doanh hoạt động ở thị trường nội địa vận chuyển hành khách đến những nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
AirAsia Cambodia là liên doanh của Capital A với công ty Sivilai Asia có trụ sở tại Phnom Penh, Cambodia. Trong đó, Capital A nắm 51% và 49% thuộc về Sivilai Asia. Vissoth Nam, doanh nhân người bản địa từng làm việc tại ngân hàng Trung ương Cambodia và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sáng lập Bar Menaka đặt tại Phnom Penh và nhà hàng lẩu Angkor Meas ở Siem Reap, hiện điều hành hãng hàng không này trong vai trò CEO.
AirAsia sẽ khai thác bốn máy bay thân hẹp Airbus A321 trong năm đầu hoạt động và cả hai công ty đều có kỳ vọng lớn. “Tăng cường tính liên kết bên cạnh đưa ra mức giá tốt nhất chắc chắn sẽ thúc đẩy nhu cầu đi lại bằng đường hàng không,” Vissoth Nam, 32 tuổi, cho biết.
Với ngôi đền Angkor Wat nổi tiếng tại Siem Reap, Cambodia từng là điểm đến nổi tiếng trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Theo Bộ Du lịch Cambodia, trong năm 2022, nước này chào đón 6,6 triệu khách quốc tế, đạt doanh thu 1,8 tỉ USD. Với việc Trung Quốc mở cửa biên giới sau gần ba năm phòng COVID-19, Cambodia sẽ đón nhận làn sóng khách du lịch từ quốc gia tỉ dân tăng cao.
Ông Fernandes nhận định AirAsia có thể dễ dàng tăng gấp đối số lượng khách du lịch từ Trung Quốc và vận chuyển hành khách từ Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. “Chúng tôi không gặp khó khăn để tăng thêm hành khách từ 21 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đến Cambodia. Chúng tôi tự tin sẽ tạo ra lợi nhuận, vì AirAsia là thương hiệu nổi tiếng tại Cambodia,” Tony Fernandes cho biết.
Đại dịch COVID-19 từng đẩy Capital A rơi vào khủng hoảng tài chính, báo lỗ 6,3 tỉ ringgit (1,4 tỉ USD) trong hai năm 2020 và 2021. Công ty sẽ báo cáo kết quả kinh doanh cho năm 2022 vào cuối tháng 2.2023. Mặc dù tình hình kinh doanh của Capital A trong quý 4 vừa qua đã ghi nhận dấu hiệu khởi sắc, ngân hàng MayBank dự báo khoản lỗ của công ty trong năm 2022 là 2,9 tỉ ringgit (646 triệu USD), tăng từ 2,8 tỉ ringgit (624 triệu USD) vào năm 2021.
MayBank dự án công ty tiếp tục báo lỗ 700 triệu ringgit (156 triệu USD) trong năm 2023 và 258 triệu ringgit (57,5 triệu USD) vào năm 2024. Năm gần nhất công ty có lãi đã từ năm 2018.
Nhà phân tích của Maybank, Samuel Yin nhận định việc AirAsia có thể nhanh chóng đón đầu xu hướng nhu cầu đi lại phục hồi là nhờ hãng hàng không này đã có quyết định đúng đắn khi duy trì hợp đồng thuê máy bay trong thời điểm dịch bệnh.
Ngược lại, các đối thủ cạnh tranh như Batik Air of Indonesia và Malaysia Airlines lại gặp khó khăn trong việc tăng cường đội bay để đáp ứng lưu lượng hành khách tăng trở lại sau khi đã cắt giảm số tàu bay trong hai năm qua, Yin cho biết.
Tuy đã triển khai trở lại đội bay với 150 chuyên cơ và dự kiến vận hành thêm 52 tàu bay vào cuối năm nay, AirAsia vẫn gặp phải vấn đề về kiểm toán. Tháng 10.2022, công ty kiểm toán Ernst & Young đưa ra sự hoài nghi về khả năng AirAsia tiếp tục hoạt động, dấy lên quan ngại công ty gặp khó khăn lớn về tài chính, nằm trong nhóm công ty thuộc diện cảnh báo (PN17) trên sàn giao dịch Bursa Malaysia.
Quan ngại về việc AirAsia thuộc diện PN17 bắt nguồn từ động thái thoái vốn của công ty con AirAsia X. Hồi tháng 11.2022, ông Fernandes cho biết tình trạng PN17 “chưa hẳn đã thể hiện chính xác triển vọng và khả năng kinh doanh” của Capital A, song công ty đang thực hiện những bước cần thiết để khắc phục việc này như một phần quan trọng trong quá trình phục hồi hậu COVID-19. Ông kỳ vọng công ty sẽ xóa được nhãn PN17 vào nửa cuối năm 2023. Trong lúc này, Tony Fernandes đang tiến hành hợp nhất các công ty con tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và AirAsia X thành một doanh nghiệp duy nhất với tên gọi AirAsia Aviation Group.
Tony Fernandes kỳ vọng sẽ tiến hành tái cấu trúc hơn nữa để đưa công ty lên một tầm cao mới, với kế hoạch thực hiện bốn đợt niêm yết cổ phiếu trong một vài năm tới để tách hoạt động ra khỏi Capital A. Nhóm này gồm siêu ứng dụng, Teleport, BigPay và Asia Digital Engineering – công ty con về bảo dưỡng, sửa chữa và trùng tu máy bay. “Với vị thế của một tập đoàn, Capital A sẽ không có giá trị thực sự. Do đó, tôi sẽ tách công ty ra,” ông Fernandes cho biết.
Mặc dù các lĩnh vực kinh doanh ngoài hàng không chưa tạo nhiều sức hút trong thập niên qua, Fernandes vẫn nhìn nhận siêu ứng dụng của AirAsia và Teleport có tiềm năng phát triển lớn, với kỳ vọng tăng số lượng vận chuyển từ 8 triệu USD trong năm 2022 lên con số 94 triệu vào năm 2024. Nhằm đón đầu nhu cầu dành cho thương mại điện tử đang bùng nổ, AirAsia sẽ bổ sung ba chuyên cơ vận chuyển A321 trong quý 1.2023. Ông Fernandes mong chờ “Những dòng máy bay thân hẹp này sẽ củng cố mạng lưới vận chuyển của Teleport và giải quyết nhu cầu của thị trường Đông Nam Á và toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Từ đó dễ dàng kết nối các đơn vị sản xuất, xuất khẩu và thương mại điện tử.”
Sau khi huy động thành công 50 triệu USD từ các nhà đầu tư vào tháng 12.2022, Teleport đang rục rịch mở rộng mạng lưới giao hàng xuyên biên giới trên toàn Đông Nam Á, nhằm thiết lập một trung tâm hậu cần tại Cambodia ngay khi AirAsia Campuchia nhận giấy phép vận hành. “Chúng tôi mong chờ được tham gia thị trường logistics tại Cambodia với các sản phẩm vải dệt và thực phẩm. Chúng tôi có thể đưa vào mạng lưới của công ty tại Trung Quốc và Đông Nam Á,” ông cho biết.
Tiruchelvam nhận định, khách hàng không hài lòng khi bị dời và hủy chuyến bay vào thời điểm dịch COVID-19 có thể trở thành vấn đề đối với quản trị thương hiệu, song đây là điều thường thấy trong ngành hàng không nói chung. “Mọi người sẽ quen với những điều kiện bay không như ý muốn khi AirAsia tiếp tục hoạt động như hãng hàng không giá rẻ so với các đối thủ cạnh tranh,” Tiruchelvam cho biết.
Tony Fernandes đồng ý rằng AirAsia đã chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 và hủy nhiều chuyến bay trong những tháng gần đây do thiếu chuyên cơ. Mọi người không nhận ra rằng khi không hoạt động trong một thời gian dài, máy bay sẽ trở nên cũ kỹ và gặp trục trặc. Có những trường hợp chúng tôi bán vé máy bay nhưng lại thiếu chuyên cơ, do bộ phận kỹ thuật không có đủ thời gian để đưa máy bay hoạt động trở lại,” ông thừa nhận.
Ông tự tin ngành hàng không có thể nâng cao dịch vụ khách hàng. “Yếu tố quan trọng nhất nằm ở sự giao tiếp. Phải giải quyết nhiều thứ là điều khó khăn, nhưng chúng tôi đang nỗ lực thực hiện. Sau cùng, trong tháng 2.2023, Capital A đã dừng hoạt động chatbot Ava và thay thế bằng Ask Bo, với công ty hứa hẹn sẽ “chủ động và nắm bắt tâm lý khách hàng” hơn. Ask Bo sẽ có các tính năng mới, như cập nhật lịch trình bay theo thời gian thực và bổ sung ngôn ngữ gồm tiếng Việt và tiếng Nhật.
2 năm trước
Phục hồi kinh tế: Cần nhìn xa hơn đại dịch1 tháng trước