Magazine

Tốc độ sử dụng tài sản trong đại dịch của những người giàu nhất thế giới

COVID-19 đã mang lại nỗi đau khủng khiếp, suy sụp kinh tế, căng thẳng địa chính trị – và sự gia tăng tài sản nhiều nhất trong lịch sử nhân loại. Vì sao đại dịch này lại biến thành nguyên nhân để vui mừng, chứ không phải là mối lo?

Share
this:

Ngày 18.3.2020, HOA KỲ CÓ CA TỬ VONG THỨ 150 liên quan đến virus Corona, đồng thời cố gắng, cùng với thế giới, đánh giá chính xác tình hình. Các chỉ số thị trường chính giảm 5% sau khi tăng 6% vào ngày hôm trước. Người dân tiệc tùng không kiểm soát ở Florida trong khi các quan chức quyết định đóng cửa biên giới với Canada. Forbes chốt danh sách tỉ phú thường niên lần thứ 34, đã tạo ra bức tranh tổng thể về tài sản thế giới đúng thời điểm loài người chìm trong 12 tháng rối loạn nhất kể từ Thế chiến thứ hai.

Năm tiếp theo, 150 người đã tăng lên thành 550.000 người; khoảng ba triệu linh hồn đã vĩnh viên ra đi trên toàn thế giới. Hàng chục triệu việc làm cùng hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ biến mất. Làm việc từ xa trở thành chuyện bình thường. Các khu vực ngoại ô từ chỗ buồn tẻ biến thành nơi mọi người tìm về. Cái chết của George Floyd gây ra cuộc đấu tranh liên quan đến chủng tộc và công bằng xã hội. Cuộc bầu cử tổng thống thử thách các chuẩn mực dân chủ. Tuy nhiên, cùng lúc đó, nhiều cá nhân, ngành công nghiệp và đầu tư lại phát triển mạnh.

Một năm sau khi ngẫu nhiên tạo nên bức tranh toàn cảnh đó, Forbes lại tiến hành đánh giá danh sách tỉ phú, đo lường những thay đổi của năm qua đối với những người đứng trên đỉnh của xã hội. Kết quả đầy bất ngờ.

Trong 12 tháng qua, có thêm 493 người trên toàn thế giới vào danh sách tỉ phú của Forbes – tức là cứ 17 giờ lại có một tỉ phú mới. Giá trị tài sản tăng đã kéo mức chốt danh sách tăng lên, sau nhiều lần giảm trước đó, quay trở lại mốc mười tỉ đô la Mỹ. Trong bối cảnh tình trạng bất an kinh tế lan rộng, lại có rất ít tỉ phú rơi vào tình trạng tồi tệ hơn về mặt tài chính: Chỉ 61 người bị loại khỏi danh sách vì những lý do khác ngoài lý do họ đã qua đời, biến tỉ lệ phần trăm số người bị loại khỏi danh sách năm nay thành thấp nhất từ trước tới nay.

Forbes ước tính hiện có 2.755 tỉ phú trên toàn cầu, tăng từ 2.095 người năm ngoái và khái niệm người giàu ngày càng giàu hơn chưa bao giờ phù hợp hơn: Tổng giá trị tài sản của họ là 13,1 ngàn tỉ đô la Mỹ – tăng 5,1 ngàn tỉ đô la Mỹ, mức tăng kinh ngạc so với khi bắt đầu đại dịch.

Những con số này sẽ tạo ra vô số kinh ngạc và điều đó cũng dễ hiểu. Không thể tin được tổng tài sản trên thế giới đã tăng thêm năm ngàn tỉ đô la Mỹ trong trận đại dịch mà cả thế giới đều bị bao vây bởi sợ hãi, bệnh tật. Chủ nghĩa tư bản tạo ra sự thịnh vượng, vốn dựa trên một cộng đồng nhỏ và không bình đẳng trong xã hội, cuối cùng lại nâng mọi chiếc thuyền lên. Tuy nhiên, trong giai đoạn COVID-19, sự chênh lệch kinh tế quá nhiều được cho là mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự xã hội hiện đại.

Nhưng khi vaccine kỳ diệu xuất hiện giúp mọi người hình dung quá trình trở lại trạng thái bình thường, các yếu tố thúc đẩy gia tăng tài sản gợi lên một cảm xúc khác: tinh thần lạc quan. Di sản tích cực lâu dài nhất của đại dịch sẽ trở thành yếu tố tăng tốc, nén quá trình thay đổi cần nhiều thập niên trở thành hiện thực sau một năm. Những người siêu giàu mới, người ủng hộ cơ hội, hoặc thiếu cơ hội, chưa bao giờ cảm thấy khác biệt hơn, trông khác hơn hoặc hành động khác hơn. Rất đáng giá để dành một chút thời gian suy luận lý do.

Chúng ta đang ở những bước ngoặt hiếm xảy ra nhất. Vaccine sẽ tràn ngập khắp hành tinh cùng thời điểm nền kinh tế toàn cầu dường như sẵn sàng phục hồi. Phản ứng ban đầu đối với sự gia tăng số lượng tỉ phú vào năm 2021, khi mà một người mới có tổng tài sản nhiều hơn 70% so với bất kỳ số liệu nào được ghi nhận trước đây, chủ yếu nghiêng về phẫn nộ. Tuy nhiên, các xu hướng cơ bản lại cho chúng ta thấy được lộ trình dẫn đến sự giàu có hơn cho tất cả mọi người. Giờ đây chúng ta chỉ cần đủ can đảm để khai thác lộ trình này, giống như đã từng tận dụng bất kỳ điều gì sót lại sau trận dịch hạch kéo dài một thế kỷ.

Trong phần lớn lịch sử loài người, tài sản giàu có được truyền từ đời này qua đời khác. Một thế kỷ trước, John D. Rockefellers và Henry Fords khởi động kỷ nguyên khởi nghiệp đầu tiên, thành công đó biến thành sự giàu có của gia đình. Danh sách Forbes 400 đầu tiên về những công dân Hoa Kỳ giàu có nhất, vào năm 1982, vẫn có đầy đủ các thế hệ con cháu của họ, cũng như rất nhiều thành viên gia tộc Mellon, DuPont và những người tương tự – khoảng 63% trong danh sách người giàu đầu tiên đó được thừa kế. Nhiều người còn lại có nền tảng gia đình giàu có, như kiểu của Rupert Murdoch hoặc Donald Trump.

Cuộc cách mạng công nghệ đã thay đổi tình trạng đó, ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Đến năm 2002, khoảng 52% trong số các tỉ phú toàn cầu của Forbes là tự thân lập nghiệp, trong đó có 59% là người Mỹ. Cách đây mười năm, tổng số đó đã tăng lên 69% trên toàn thế giới.

493 thành viên mới trong giai đoạn COVID-19 năm 2021 đều tự vươn lên: 84% trong số họ là tự lập nghiệp (trong đó 90% người Mỹ), tăng con số tỉ phú tự thân lên 72% trong tổng số – đều là những con số kỷ lục.

Những người như Whitney Wolfe Herd, người trao quyền cho phụ nữ khi hẹn hò qua ứng dụng; Tyler Perry, người bắt đầu sản xuất phim và chương trình truyền hình của riêng mình ở Atlanta vì không ai đem đến cơ hội thành công cho ông ở Hollywood; và Ugur Sahin, người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ đến Đức, sở hữu BioNTech đã giúp sản xuất vaccine COVID-19 trong vài tháng chứ không phải nhiều năm – tất cả đều thể hiện sự năng động của họ, chứ không phải sự giàu có được thừa kế từ gia đình.

Cơ hội bắt nguồn từ sự năng động, như những tỉ phú mới đã chứng minh. Một thập niên trước, khoảng thời gian trung bình để một người Mỹ trở thành tỉ phú, theo dữ liệu của Forbes, là 18 năm. Lịch sử cho thấy, đó là tốc độ cực kỳ nhanh. Đối với 88 tỉ phú Mỹ tự lập mới của năm nay, con số đó giảm đáng kể, xuống còn 13 năm.

Khả năng nhanh chóng chuyển các ý tưởng thành tài sản khổng lồ giúp sân chơi được bình đẳng. Mã (tài nguyên trí tuệ) chiếm ưu thế hơn vốn (tài nguyên tích lũy). Với thế hệ trước, sự giàu có thuộc về những người may mắn hoặc nhanh chóng được đảm bảo tài chính; ngày nay, người có ý tưởng tốt sẽ chọn nguồn tài trợ nào mà họ muốn nhận.

Cơ hội gia tăng đó đã thay đổi diện mạo của một tỉ phú. Mặc dù phụ nữ tiếp tục gặp khó khăn hơn nhiều so với nam giới trong việc nhận được tài trợ cho các ý tưởng hay, nhưng họ vẫn ổn định và hiện chiếm 11% tỉ phú toàn cầu, 12% tỉ phú Mỹ và 13% tỉ phú mới, tất cả đều nhận được giá trị tài trợ cao. Quan trọng hơn, các doanh nhân nữ hiện chiếm 4% tổng số tỉ phú, cao hơn gấp đôi so với năm năm trước.

Và mặc dù tại Hoa Kỳ, tỉ lệ thành công cao vẫn là người da trắng, nhưng tầng lớp kinh doanh giàu có toàn cầu ngày càng phản ánh chính thế giới. Chỉ riêng Trung Quốc (gồm cả Hong Kong), đã có thêm 210 tỉ phú trong năm qua. Trong khi đó có 19 gương mặt mới đến từ Ấn Độ, 14 người từ Nhật Bản và nhiều gương mặt mới ra mắt từ bảy quốc gia châu Á khác, và người da màu chiếm phần lớn trong số các tỉ phú mới trên toàn thế giới.

Những tỉ phú tài năng hơn, năng động hơn, đa dạng hơn này làm thế nào để điều hành công ty của họ? Bằng nhiều cách. Forbes đã ký hợp đồng với JUST Capital, công ty đo lường tư cách công dân của doanh nghiệp, để đánh giá thành tích công dân của 88 tỉ phú tự thân mới của Hoa Kỳ. Chúng tôi chọn các công ty đã tăng khối tài sản hàng tỉ đô la Mỹ và dựa trên mức trung bình của ngành, tính toán từng điểm số dựa trên cách họ đối xử với công nhân, khách hàng và môi trường, cùng các yếu tố khác. Kết quả cho thấy, những tỉ phú mới này không chỉ thành lập hoặc điều hành các công ty xếp hạng trên trung bình ở ba yếu tố nêu trên, mà họ còn cải thiện ở từng hạng mục khi so sánh với các tỉ phú mới của 10 năm trước.

Lấy ví dụ trường hợp của Chris Britt, người trong tám năm đã xây dựng Chime thành một trong những ngân hàng kỹ thuật số lớn nhất thế giới. Trong một ngành công nghiệp thu phí thường tạo ra bất tiện cho những người cần nó nhất, Britt đã giành lấy thị phần trong thời kỳ đại dịch bằng những động thái thể hiện khách hàng là trung tâm, rủi ro thấp.

“Chúng tôi đang ở tuyến đầu,” ông nói. “Chúng tôi thấy người Mỹ căng thẳng như thế nào.” Tận dụng hồ sơ khách hàng, Chime thoải mái giúp mọi người nhận các khoản tiền kích cầu của họ mà không mất phí và cung cấp bảo vệ thấu chi thông qua một chương trình có tên SpotMe. (Thường thì các công ty cho vay ngắn hạn sẽ cho vay khoản tiền kích cầu với lãi suất cao ngất ngưởng lên tới 650%.)

Britt cho biết, những chính sách thân thiện với khách hàng như vậy giúp ông tuyển dụng được những nhân viên giỏi hơn – bảng lương của ông đã tăng gấp ba lần lên 800 người trong một năm – dẫn đến lợi nhuận tốt hơn. “Bạn làm đúng những điều đó, với mô hình kinh doanh tốt, các cổ đông sở hữu sẽ quản lý tốt.”

Có vẻ đúng là vậy. Tính đến tháng 9.2020, Chime được các nhà đầu tư mạo hiểm định giá 14,5 tỉ đô la Mỹ, với cổ phần của Britt trị giá 1,3 tỉ đô la Mỹ.

Vẫn còn nhiều tỉ phú mới đang cố gắng hỗ trợ nhân viên của họ. Mat Ishbia, CEO 41 tuổi của United Wholesale Mortgage, trải qua 12 tháng đầy kinh ngạc, khi hàng triệu người thay đổi nơi sinh sống hoặc tái thế chấp với lãi suất thấp kỷ lục. Anh cũng chưa bao giờ nhận đầu tư hoặc hợp tác với đối tác nào. Vì vậy anh và gia đình sở hữu 100% công ty đang lâm vào “đại dịch.” Khi niêm yết công ty vào tháng một năm nay thông qua SPAC, nâng giá trị tài sản ròng của mình vào thời điểm đó lên 12,6 tỉ đô la Mỹ, anh trích ra 35 triệu đô la Mỹ cổ phiếu cho 8.000 công nhân của mình.

Cựu cầu thủ bóng rổ bang Michigan cho biết: “Tất cả chúng tôi đã cùng nhau chiến thắng với tư cách là một công ty.” Thật ra, xét ở mức độ nào đó, trích cho nhân viên khoảng 1/4 trong số 1% – trung bình khoảng 4.000 đô la Mỹ – khi bạn đang sở hữu 99,7% số tài sản gần trăm tỉ là điều có vẻ cực kỳ tầm thường. Nhưng dù sao đó cũng là điều tiến bộ. Khi xem xét danh sách Forbes 400 ban đầu từ năm 1982, bạn sẽ thấy hàng trăm nhà đại tư bản không cho nhân viên của họ điều gì ngoài khoản chi theo trách nhiệm pháp lý.

Những tỉ phú khác lại chú ý phát triển quê hương của họ, bao gồm Jeff Lawson, đồng sáng lập của công ty kinh doanh truyền thông đám mây đang phát triển mạnh Twilio, lọt vào danh sách năm nay với con số 2,2 tỉ đô la Mỹ. Thung lũng Silicon chứng kiến nhiều công ty và nhà lãnh đạo rời khỏi Bay Area, đáng chú ý nhất là Elon Musk và Larry Ellison. Lawson cảm thấy ông phải có nghĩa vụ với cộng đồng của mình, đó là yếu tố khác được JUST Capital đo lường. Vì vậy, vào tháng 1.2020, ông công khai tuyên bố công ty của ông sẽ ở lại San Francisco.

Một người ủng hộ phát triển vì cộng đồng khác, Dan Gilbert, người sáng lập Rocket Mortgage, có giá trị tài sản ròng tăng vọt lên 50 tỉ đô la Mỹ trong năm ngoái, gần đây đã cam kết trích 500 triệu đô la Mỹ từ công ty và quỹ cá nhân của mình để hỗ trợ những cư dân có thu nhập thấp của Detroit, nơi ông đặt trụ sở chính, bao gồm xóa sổ nợ thuế đất của 20.000 chủ nhà. Gilbert nói với Forbes: “Cam kết của chúng tôi với Detroit là chắc chắn.”

Mọi sự tăng tốc này đi kèm với nhận thức rõ ràng của những người ở đỉnh cao nhất về các nghĩa vụ đi kèm với thành công tột độ – và những hậu quả có thể xảy ra, từ chế độ thuế trưng thu đến bất ổn xã hội, có thể xảy ra nếu họ không hành động. Không khó để đoán được tương lai – lòng vị tha, trong trường hợp này, phản ánh sự tư lợi. Nói chuyện với nửa tá thành viên trong nhóm thành viên mới năm 2021, cùng một số tỉ phú trẻ hơn, có thể thấy rõ sự thay đổi thái độ sau đại dịch.

John Arnold cảm nhận được sự thay đổi khi đại dịch xuất hiện. Mặc dù con đường giành được khối tài sản ước tính 3,3 tỉ đô la Mỹ của ông – giao dịch các hợp đồng năng lượng thay cho công ty Enron đã sụp đổ – sẽ không mang lại cho ông bất kỳ giải Nobel nào, nhưng ông và vợ, Laura, đã dành cả thập niên qua để tạo ra kế hoạch nhằm tối đa hóa tác động của họ.

Ông cho biết, “lợi ích là được nhìn thấy 100 năm thịnh vượng của nước Mỹ.” Báo động về tình trạng và vị thế của hoạt động từ thiện ở Hoa Kỳ ngày nay, ông đã tập hợp một số nhà từ thiện, học giả và những người đứng đầu các tổ chức New York vào tháng 1.2020, đặt ra một câu hỏi: Làm thế nào chúng ta có thể khiến những người đang sở hữu hàng ngàn tỉ đô la Mỹ hành động nhiều hơn, nhanh hơn, với nhiều trách nhiệm hơn?

Họ phát triển sáng kiến này thành tổ chức Sáng kiến tăng tốc cho từ thiện. Các mục tiêu chính của tổ chức: 142 tỉ đô la Mỹ trong quỹ tư vấn cho nhà tài trợ hay còn gọi là DAF, cho phép các nhà tài trợ nhận trước phần khấu trừ cho phần tiền ký thác trong các quỹ cộng đồng hoặc các công ty dịch vụ tài chính, ngay cả khi không có sự ủy thác hoặc chưa có báo cáo về thời gian hoặc cách thức sử dụng số tiền đó cho các mục đích tốt đẹp; và các doanh nghiệp cố gắng thực hiện các yêu cầu cho đi tối thiểu hằng năm bằng cách giảm trừ phần chi phí đó trong báo cáo.

Nhưng Arnold cũng cảm thấy giới siêu giàu cần phải làm nhiều hơn nữa. Vì vậy, ông là tỉ phú đầu tiên thực hiện lời hứa Cho đi khi còn sống – công khai cam kết mỗi năm dành ít nhất 5% giá trị tài sản ròng cá nhân của mình cho những mục đích tốt – do nhóm hoạt động Global Citizen sắp xếp. Việc chỉ góp tiền trong DAF hoặc một quỹ từ thiện nào đó vẫn chưa đủ, và những người giàu có cũng không nên tích lũy tiền của họ và cho đi sau. Arnold nói trong cuộc phỏng vấn đầu tiên về sáng kiến này: “Các vấn đề này cũng phức tạp. Hãy để thế hệ này xử lý các vấn đề của thế hệ này.”

Khái niệm Cho đi khi còn sống có sự cấp bách về thời gian hơn so với cam kết Giving Pledge, đã thúc đẩy các tỉ phú công khai cam kết cho đi một nửa tài sản của họ khi còn sống – hoặc sau khi họ chết. Arnold, người cũng ký cam kết Giving Pledge, nói: “Không nhất thiết phải thúc đẩy hoạt động cho đi trong thời gian ngắn.” Khá nhiều tỉ phú mới mà Forbes đã nói chuyện, mặc dù bày tỏ sự ủng hộ chung đối với cam kết Giving Pledge và tính cởi mở của cam kết này, nhưng cũng nỗ lực thực hiện những gì họ có thể làm ngay lập tức.

Trong 12 tháng qua, người phụ nữ giàu thứ ba thế giới, MacKenzie Scott, gia nhập danh sách Tỉ phú của Forbes vào năm ngoái sau khi ly hôn với Jeff Bezos của Amazon, đã thực hiện hành động đáng chú ý trong lịch sử hoạt động từ thiện gần đây. Thay vì quyên góp tiền vào một quỹ nào đó, Scott đã thuê cố vấn tạo dữ liệu để bà có thể dùng tiền của mình giúp đỡ nhiều người nhất hiện nay. Sau đó, vào tháng 7 và tháng 12, bà viết 500 tấm séc một cách minh bạch, tổng trị giá 5,8 tỉ đô la Mỹ, không có điều kiện ràng buộc, cho những người thụ hưởng ở tất cả 50 tiểu bang, nhiều người trong số họ hoàn toàn ngạc nhiên khi số tiền được chuyển đến.

Scott viết trong một tuyên bố công khai: “Đại dịch là quả bóng tàn phá cuộc sống của những người Mỹ vốn đang gặp khó khăn.” (Bà không trả lời phỏng vấn kể từ khi ly hôn.) “Đồng thời, đại dịch cũng gia tăng đáng kể số tài sản của các tỉ phú.”

Chắc chắn đại dịch đã gia tăng sự giàu có của Jared Isaacman, CEO của Shift4 Payments, đối thủ cạnh tranh của Square, tập trung vào các nhà hàng và khách sạn. Một năm đầy thăng trầm đã đưa anh đi từ việc chuẩn bị cho đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng đến nỗi lo lắng liệu khách hàng – và công ty của mình – có tồn tại được hay không, rồi lại trở thành một công cụ không thể thiếu cho nhóm khách hàng của anh, để rồi cuối cùng lại tiến hành IPO.

Sau khi rung chuông tại sở Giao dịch chứng khoán New York, đạt mức tài sản ròng 1,4 tỉ đô la Mỹ, Isaacman, 38 tuổi, đã viết séc trị giá 100 triệu đô la Mỹ cho bệnh viện nghiên cứu Nhi khoa St. Jude. Động lực của anh giống hệt Scott. Anh đã cho đi ngay sau khi đạt được sự giàu có vô cùng. Thay vì thành lập quỹ, anh chuyển tiền đến những người đang làm điều tốt đẹp. Anh làm vậy một cách minh bạch. Và anh làm điều đó với quy mô lớn, sau khi trải qua giai đoạn suýt nữa phải sụp đổ công việc kinh doanh khiến anh nhận ra biết bao nhiêu người đã bị tổn thương. “Nếu trước khi đại dịch xảy ra, bạn hỏi tôi: ‘Anh có thể tưởng tượng mình viết séc trị giá 100 triệu đô la Mỹ không?’ tôi sẽ không có câu trả lời.”

Rồi đến trường hợp của Isaacman, người sở hữu và lái máy bay chiến đấu MiG của riêng mình, đã áp dụng một số đòn bẩy. Anh tuyên bố sẽ dẫn đầu sứ mệnh đầu tiên vào không gian, hợp tác với SpaceX của Elon Musk. Anh sẽ mang theo nhân viên tuyến đầu của bệnh viện St. Jude và cả nhà tài trợ ngẫu nhiên của St. Jude – với hi vọng sẽ huy động được thêm 200 triệu đô la Mỹ cho bệnh viện. Anh thậm chí còn yêu cầu Musk, người vẫn luôn là nhà từ thiện hào hiệp cho đến thời điểm này, cam kết với bệnh viện St. Jude.

Sự xuất hiện của virus Corona khiến nhà nghiên cứu miễn dịch học Tim Springer suy nghĩ về quy mô. Hai mươi năm trước, ông kiếm được 100 triệu đô la Mỹ khi thành lập một công ty công nghệ sinh học và đổi lại, ông đã thực hiện các hình thức quyên góp thường thấy của những người đạt mức độ giàu có đó: tài trợ cho các vị trí nghiên cứu tại trường y Harvard và bệnh viện nhi Boston. Ông cũng đầu tư khoảng năm triệu đô la Mỹ vào công ty khởi nghiệp nhỏ Moderna – và số cổ phần trong công ty đã đưa ông vào danh sách Tỉ phú năm nay với tài sản ròng 2,2 tỉ đô la Mỹ.

Springer đã bỏ ra 30 triệu đô la Mỹ để thành lập viện Protein Đổi mới, tổ chức phi lợi nhuận tạo ra công cụ và cung cấp kiến thức chuyên môn cho các nhà nghiên cứu và doanh nhân công nghệ sinh học. Nhưng thời điểm cấp bách này khiến ông suy nghĩ lại về công việc từ thiện. Ông cho biết vào cuối năm nay, ông sẽ công bố khoản quyên góp lớn hơn. Ông tỏ ra bình tĩnh về điều đó, và nói có thể ông sẽ “thêm một số 0 nữa.”

Và đó mới chỉ là khởi đầu. “Tôi muốn cho nhiều tiền hơn. Đó là động lực thúc đẩy tôi thành lập công ty ngay bây giờ,” ông nói. “Nếu tôi thành công như tôi mong muốn, với quy mô của mọi thứ, chúng tôi có thể thêm một số 0 nữa.”

Và nếu việc bắt đầu kinh doanh chỉ nhằm tạo ra những khoản tiền từ thiện trị giá hàng tỉ đô la Mỹ nghe có vẻ khó tin, hãy xem xét trường hợp của Sam Bankman-Fried, 29 tuổi, người đang làm chính xác điều đó. Bankman-Fried có lẽ là tỉ phú mới thú vị nhất trên thế giới, người lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX cách đây hai năm, tạo ra khối tài sản lớn – 8,7 tỉ đô la Mỹ – nhanh hơn bất kỳ tỉ phú nào dưới 30 tuổi, kể cả Mark Zuckerberg.


Sam Bankman-Fried,
“Chủ nghĩa hảo tâm hiệu quả”

“Tôi muốn tìm ra cách để tôi có thể có tác động tích cực nhất đến thế giới,” người đàn ông 29 tuổi nói. Anh hứa sử dụng hầu như toàn bộ số tài sản 8,7 tỉ đô la Mỹ của mình vào những mục đích tốt đẹp mà anh tin tưởng.

Từ Carnegie đến Rockefeller, Gates đến Buffett, hoạt động từ thiện luôn là sản phẩm phụ của tinh thần kinh doanh. Bankman-Fried chắc chắn là tỉ phú đầu tiên mà tinh thần kinh doanh là sản phẩm phụ của hoạt động từ thiện. Anh tuân theo một triết lý có tên là Chủ nghĩa hảo tâm hiệu quả, được đúc kết trong thập niên qua và áp dụng logic hợp lý để tối đa hóa điều tốt đẹp. Bankman-Fried nói: “Chủ nghĩa này dành cho những người thích toán học và những người thích cho đi.”

Những người theo Chủ nghĩa hảo tâm hiệu quả cố gắng định lượng mọi thứ, ví dụ như mỗi mạng sống được cứu sẽ được đo lường bằng mỗi đô la. Hoặc việc nào cấp bách hơn: dập tắt bệnh sốt rét hay các công nghệ độc hại tiềm ẩn? Hay liệu một sinh viên MIT xuất sắc tên Sam có nên theo đuổi ước mơ của mình và trở thành một nhà hoạt động vì quyền động vật hay không.

Bankman-Fried kể, một trong những nhà lãnh đạo của phong trào Chủ nghĩa hảo tâm hiệu quả, giáo sư William MacAskill, 34 tuổi, ở Oxford, từng nói với anh: “Thành thật mà nói, anh nên đến phố Wall và để chúng tôi làm việc này. Anh không phải là người truyền bá tư tưởng tốt nhất mà chúng tôi tìm thấy.”

Nhiệm vụ đã hoàn thành. Bankman-Fried đã tạo ra nguồn tài sản khổng lồ mà anh hứa hẹn sẽ sử dụng gần như toàn bộ cho những gì mà anh xem là điều tốt đẹp chung. (Anh nói rằng anh sẽ chỉ giữ một ít phần trăm cho riêng mình, và thậm chí như vậy cũng đã là quá nhiều. “Nếu dùng lý do này để biện minh cho việc mua một vài chiếc du thuyền, thì khá tệ.”)

Và mặc dù hiện tại anh cũng đã đặt cược, hỗ trợ một vài sáng kiến từ thiện và ủng hộ năm triệu đô la Mỹ cho cuộc bầu cử của Tổng thống Joe Biden (Những người theo Chủ nghĩa hảo tâm hiệu quả như Bankman-Fried không phân biệt nhiều giữa tổ chức phi lợi nhuận và chính trị; họ chỉ xem xét kết quả), anh dự kiến sẽ bắt đầu tăng tốc sau năm năm nữa, khi anh giàu có hơn.

Lý do duy nhất khiến anh không cho đi càng nhanh càng tốt là vì muốn cẩn trọng và chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp, khi anh nhìn thấy một “cơ hội bất thường.” Bankman-Fried nói: “Khi nhận thấy cơ hội, mọi người đều có xu hướng hết sức thận trọng. Hãy cược hết đi.”

Thực ra, chúng ta đang ở một thời điểm rất đặc biệt trong lịch sử và những người ở tầng cao nhất nâng khối tài sản của chính họ lên mức khó tin nếu xét đến một năm tồi tệ mà tất cả đã trải qua. Những thay đổi xảy đến nhanh hơn những gì chúng ta nghĩ vào tháng ba năm ngoái. Bây giờ không phải là lúc để các tỉ phú thế giới, hay bất kỳ ai trong chúng ta, trở nên thận trọng.

Biên dịch: Quỳnh Anh

(*) Theo Forbes Việt Nam số 93, phát hành tháng 5.2021.