Ngày 29.1, tòa án Hong Kong ra lệnh giải thể China Evergrande Group sau hơn hai năm kể từ khi vỡ nợ, đánh dấu một cột mốc bi thảm đối với Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan), ông từng là người giàu nhất châu Á.
Phán quyết này sẽ bắt đầu một quá trình pháp lý tốn kém và kéo dài nhiều năm khi các chủ nợ nước ngoài chuẩn bị cuộc chiến giành tài sản của nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc.
Thẩm phán Linda Chan đưa ra quyết định ngừng giao dịch đối với China Evergrande Group trên sàn chứng khoán Hong Kong sau nhiều lần trì hoãn trong các cuộc thương lượng với công ty để tái cơ cấu nợ quốc tế. Đây là khoản nợ đầu tiên công ty vay hồi cuối năm 2021 sau khi vỡ nợ trái phiếu bằng đô la Mỹ trong năm đó.
“Công ty cho biết sẽ tái cơ cấu nợ một, hai, ba lần,” Linda Chan nói trong phiên tòa hôm 29.1, “Nhưng công ty chưa thực hiện được… mất niềm tin.” Bà nói thêm ngoài đề xuất tái cơ cấu, công ty “không đưa ra thêm những hành động nào khác.”
Phát ngôn viên của China Evergrande Group không phản hồi yêu cầu bình luận của Forbes. Nhà phát triển bất động sản cùng với các đơn vị cung cấp dịch vụ bất động sản và sản xuất xe năng lượng mới thuộc công ty đều ngừng giao dịch cổ phiếu theo sau quyết định của tòa án.
Tháng 6.2022, Top Shine, nhà đầu tư vào đơn vị bán hàng trực tuyến Fangchebao, gửi đơn đến tòa án yêu cầu giải thể China Evergrande Group với cáo buộc công ty không tôn trọng các thỏa thuận mua lại cổ phần. Mặc dù ban đầu các chủ nợ muốn tái cơ cấu nhưng dường như họ cũng đang mất kiên nhẫn.
Sau vài giờ tòa án ra lệnh giải thể, Linda Chan chỉ định Alvarez & Marsal sẽ tịch thu tài sản của China Evergrande Group và phụ trách trả cho chủ nợ. Alvarez & Marsal cũng đang xem xét số cổ phần của Hứa Gia Ấn tại China Evergrande Group.
Hứa Gia Ấn thành lập China Evergrande Group hồi năm 1996 tại Quảng Châu. Ông sở hữu khoảng 60% cổ phần tại China Evergrande Group. Vốn hóa công ty hiện chỉ còn 2,1 tỉ HKD (270 triệu USD) sau khi giảm 21% vào ngày 29.1 trước khi bị tạm dừng giao dịch.
Nhưng các chuyên gia phân tích cho rằng thách thức chính là liệu các chủ nợ quốc tế có thể tịch thu tài sản trong nước của China Evergrande Group hay không vì tài sản của công ty ở nước ngoài không đủ để trả nợ cho họ.
Brock Silvers, giám đốc đầu tư tại Kaiyuan Capital có trụ sở tại Hong Kong, lưu ý mặc dù những chủ nợ có thể gửi đơn đến tòa án xin kiểm soát tài sản của China Evergrande Group ở Trung Quốc – đất nước có hệ thống tư pháp khác với đặc khu hành chính Hong Kong – theo thỏa thuận hiện hữu giữa thành phố và khu công nghệ Thâm Quyến, nhưng chính quyền có thể sẽ không đồng ý.
“Những tài sản trong nước sẽ rất quan trọng trong nghĩa vụ trả nợ của China Evergrande Group,” ông nói thêm. “Tòa án Thâm Quyến rất khó có thể đưa ra quyết định mang tính chính trị nhằm trao quyền kiểm soát tài sản trong nước cho các chủ nợ nước ngoài.”
Công ty trở thành ví dụ điển hình cho cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc sau khi vỡ nợ hồi năm 2021 do mượn quá nhiều để mở rộng hoạt động kinh doanh. Hiện công ty vẫn chưa xây xong nhiều khu chung cư đã bán trước ở Trung Quốc.
Công ty nhiều lần tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề này nhưng chưa thực hiện được. Đó là nguyên nhân gây ra sự bất ổn xã hội khi người mua nhà biểu tình đòi quyền lợi.
Nicholas Chen, chuyên gia phân tích của công ty nghiên cứu CreditSights tại Singapore, cho biết các trái chủ quốc tế của China Evergrande Group sẽ được trả nợ sau khi thanh toán hết cho tất cả trái chủ và chủ nợ trong nước. Các trái chủ ở nước ngoài hầu như sẽ không nhận lại được gì trong trường hợp giải thể.
Hứa Gia Ấn từng là người giàu nhất châu Á với tài sản ròng trị giá 45,3 tỉ USD. Tài sản của vị doanh nhân này đã giảm hơn 90% xuống còn 3,1 tỉ USD.
Tài sản này không bị lệnh giải thể ảnh hưởng trực tiếp vì tòa án không có thẩm quyền đưa ra quyết định liên quan đến tài sản cá nhân của ông. Tuy nhiên, từ tháng 9.2023, ông bị điều tra cho nhiều tội danh.
Nhiều người đặt cọc mua căn hộ trước khi dự án hoàn thành. Số tiền thu được lên đến gần 5,5 tỉ USD. Đơn vị quản lý bất động sản của China Evergrande Group đã dùng số tiền này để cấp vốn cho các dự án như sản xuất xe điện. Sau nhiều năm thanh toán quá hạn, chính quyền bắt giữ nhiều người phụ trách của doanh nghiệp, bao gồm Peter Xu, con trai út của Hứa Gia Ấn, trong năm 2023.
Shen Meng, giám đốc điều hành ngân hàng đầu tư Chanson & Co tại Bắc Kinh, nói rằng các chủ nợ có thể tịch thu tài sản cá nhân của Hứa Gia Ấn nếu các quan chức kết luận rằng số tài sản ông có được một cách bất hợp pháp.
Biên dịch: Gia Nhi
———————-
Xem thêm:
China Evergrande Group có thêm thời gian để tái cơ cấu nợ
China Evergrande Group bị kiện trong quá trình tái cơ cấu nợ
Cổ phiếu của China Evergrande giảm gần 90% khi giao dịch trở lại
1 năm trước
Evergrande Group nộp đơn xin phá sản ở Hoa Kỳ