Nhân vật

Tim Springer tặng 210 triệu USD cho nghiên cứu y học

1 năm trước
Tác giả Gigi Zamora

Giáo sư và doanh nhân Tim Springer hi vọng những đóng góp của mình sẽ thúc đẩy hơn nữa sáng kiến đổi mới trong lĩnh vực y khoa.

Share
this:

Giáo sư đại học Y Harvard (HMS) và doanh nhân Tim Springer, người trở thành tỉ phú nhờ khoản đầu tư sớm vào hãng sản xuất vaccine Moderna, đã quyên tặng số tiền 210 triệu USD cho viện Đổi mới Protein (Institute for Protein Innovation – IPI), một tổ chức phi lợi nhuận độc lập chuyên nghiên cứu khoa học protein. IPI đưa ra thông báo chính thức về số tiền trên vào ngày 24.5, mặc dù khoản đóng góp này đã được Springer, vợ Chafen Lu và những người con thực hiện từ tháng 12.2020.

Theo thống kê của Forbes, Tim Springer (75 tuổi), giáo sư hai ngành hóa sinh học và dược học phân tử tại đại học Y Harvard với 46 năm giảng dạy, sở hữu khối tài sản 1,9 tỉ USD. Ông đồng sáng lập IPI vào năm 2017 và trước đó đã đóng góp 40 triệu USD vào tổ chức này.

“Tôi thành lập IPI với nền tảng của một tổ chức nghiên cứu protein và và kháng thể, giúp các nhà khoa học khám phá và tạo ra phương pháp điều trị mới cho nhiều năm tới. Khoản đóng góp của tôi sẽ hiện thực hóa tầm nhìn này. IPI là dự án mang tính kế thừa của tôi và nhìn nhận vai trò của các kháng thể đơn dòng trong quá trình khám phá và nghiên cứu của mình,” Springer chia sẻ trong thông cáo báo chí.

IPI tập trung vào nghiên cứu, cung cấp công cụ dựa trên protein và kháng thể cho các nhà khoa học. Tổ chức này không sử dụng kháng thể lấy từ chuột và động vật trong phòng thí nghiệm, thay vào đó tạo ra kháng thể và protein tổng hợp, sau đó cung cấp cho các nhà khoa học để tiến hành nghiên cứu. Chia sẻ với Forbes, Tim Springer nhận định “Protein là nền tảng của sự sống và chúng tôi ghi nhận kháng thể là công cụ tuyệt vời để nghiên cứu chức năng của Protein.”

Theo Springer, khoản đóng góp của ông sẽ giúp IPI mở rộng quy mô hoạt động, nghiên cứu ra những công nghệ mới và tuyển dụng các giáo sư có năng lực hơn. Ông cho biết sẽ quyên tặng bằng số cổ phần trong nhiều công ty công nghệ sinh (biotech) học khác nhau, bao gồm cả Moderna.

Tim Springer là cổ đông sáng lập của Moderna, với số tiền đầu tư ban đầu 5 triệu USD có được thành công trong dự án kinh doanh trước đó và nắm hơn 5% cổ phần sau khi công ty phát hành cổ phiếu vào tháng 12.2018. Năm 1993, ông thành công ty biotech LeukoSite, đưa lên sàn chứng khoán năm 1998 và bán lại cho Millenium Pharmaceuticals với thỏa thuận trị giá 635 triệu USD. Thỏa thuận này giúp Springer sở hữu số cổ phần trị giá 100 triệu USD trong Millenium Pharmaceuticals.

Sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ tại đại học Cambridge, Anh, Tim Springer đã cùng César Milstein – cố nhà nghiên cứu hóa sinh người Anh gốc Argentina, từng nhận giải thưởng Nobel cho công trình nghiên cứu về cấu trúc kháng thể, thành lập IPI. Sau khi trở về Mỹ, Springer tiếp tục quá trình nghiên cứu của ông với Milstein, nhưng công nghệ cần thiết chỉ có ở các công ty hoạt động vì lợi nhuận. Điều này trở thành động lực để ông mở rộng khả năng tiếp cận công nghệ này sang lĩnh vực phi lợi nhuận.

Ken Fasman, chủ tịch và CEO của IPI nhìn nhận khoản đóng góp từ Springer sẽ mang đến sự thay đổi đáng kể, khi tổ chức này có thể đương đầu với nhiều thách thức hơn nữa trong khoa học protein mà các tổ chức khác như viện nghiên cứu và doanh nghiệp về y khoa không thể làm được.”

Tim Springer, hiện nằm trong ban lãnh đạo của IPI, là người có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực biotech. Bên cạnh Moderna, ông còn có cổ phần trong Selecta Biosciences, Scholar Rock và Morphic Therapeutic. Springer cũng là nhà sáng lập và nhà đầu tư của hai công ty tư nhân gồm Seismic Therapeutics và Tectonic Therapeutics.

IPI không phải là nơi nhất cho hoạt động thiện nguyện của Tim Springer. Ông có các khoản tài trợ tại đại học Y Harvard, bệnh viện nhi Boston và đại học California–Berkeley.

Tim Springer là một trong số ít giáo sư trở thành tỉ phú. Năm 2020, Robert Langer, giáo sư ngành kỹ thuật hóa học tại MIT trở thành tỉ phú sau khi cũng đầu tư vào Moderna. David Cheriton, giáo sư ngành khoa học máy tính tại đại học Stanford có được danh hiệu tỉ phú nhờ vào khoản đầu tư ban đầu vào Google.

Biên dịch: Minh Tuấn