Trong tiêu dùng, gen Z thường được nhắc đến với các đặc tính nổi trội như: chi tiêu phóng khoáng, khẳng định cái tôi, ưa chuộng kênh thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến; thích khám phá, thích trải nghiệm; ủng hộ những xu hướng sống xanh, sống lành mạnh. Cùng xem các doanh nghiệp đã làm gì để chinh phục khách hàng gen Z?
Nội dung nằm trong khuôn khổ phiên thảo luận thứ hai “Gen Z kích hoạt thị trường” trong sự kiện “Thương hiệu độc đáo để thành công” do Tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức vào ngày 12.12.2024.
Ông Anil Viswanathan, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Mondelez Kinh Đô Việt Nam
Thách thức của thương hiệu là giữ được lòng trung thành của gen Z
Đầu tiên, để hiểu rõ về gen Z, chúng ta cần nhìn nhận thế hệ này vượt xa các khía cạnh như sức mua, kỹ thuật, truyền thông đa kênh, giá trị xanh hay bền vững. Điều quan trọng là phải nhận ra những thách thức khi làm việc với nhóm này. Họ là những khách hàng rất năng động, không đứng yên, luôn thay đổi giữa các giai đoạn từ trẻ con, thanh thiếu niên đến trưởng thành. Việc thu hút sự chú ý của họ đã khó, nhưng giữ được lòng trung thành của họ còn khó hơn rất nhiều.
Gen Z là nhóm được công ty chúng tôi ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm khách hàng rất khó quản lý vì họ tiếp cận với nhiều kênh truyền thông khác nhau, có nhận thức tốt hơn và dễ dàng tiếp cận thông tin toàn cầu. Thách thức lớn nhất là làm thế nào để Mondelez Kinh Đô Việt Nam xuất hiện trong tâm trí của họ và duy trì sự hiện diện lâu dài. Đó chính là hai việc mà công ty tôi luôn trăn trở và theo đuổi. Gen Z là thế hệ khao khát sống trong hiện tại, lạc quan, tích cực và yêu thích môi trường.
Ông Bùi Hoàng Sang, CEO Công ty CP Sữa Quốc tế LOF
Bám sát đặc trưng của từng nhóm khách hàng
Thương hiệu của chúng tôi không phải là thương hiệu trẻ, nhưng gần đây đã được đổi tên từ IDP sang LOF với hình ảnh trẻ trung và tươi mới. Chiến lược xây dựng thương hiệu của LOF hoàn toàn khác với các doanh nghiệp khác tại Việt Nam. Đó là chúng tôi bám sát nhóm đối tượng khách hàng một cách rõ ràng và tập trung. Ví dụ, nhóm tuổi 10-12 là đối tượng mục tiêu của sữa Kun. Để đạt được hiệu quả, chúng tôi thiết kế sản phẩm cho từng nhóm tuổi, từ 10-12, 12-16, 18-30, 30-50, cho cả gia đình và hơn thế nữa. Sự rõ ràng này đã giúp chúng tôi đạt doanh số 8.000 tỷ đồng với lợi nhuận tăng trưởng hai con số.
Ông Phạm Nam Thắng, CEO Công ty CP Phát hành sách TP.HCM (Fahasa)
Hãy làm tốt khâu trải nghiệm cho gen Z
Sách là sản phẩm khá khó bán vì bìa sách không nói đủ nội dung bên trong và trải nghiệm mua sắm với từng thể loại sách là khác nhau. Vì vậy, câu hỏi là phải làm gì khi Gen Z đọc đủ các loại thông tin từ các mạng xã hội, nguồn Internet? Fahasa nghiên cứu kỹ và tạo ra nội dung sâu cho sách: không chỉ trưng trên kệ mà còn thông qua các chuyên đề để khách hàng có thể nán lại ở kệ sách và hấp dẫn họ giúp họ ra quyết định mua sắm dễ hơn.
Fahasa nhìn thấy trải nghiệm mua sắm cực kỳ quan trọng với Gen Z. Họ ra nhà sách trải nghiệm nhiều hơn. Họ dừng lại ở đâu, thích gì, đọc gì… Vì thế ở nhà sách vật lý, chúng tôi chú ý yêu tố về mỹ thuật, thiết kế, mùi hương, ánh sáng… Đây là những điều chúng tôi nhận thấy và điều chỉnh nhanh. Chúng tôi khuyến khích gen Z và nhiều người dân đọc sách. Hiện nay Fahasa rất trân trọng và luôn để sách ở vị trí đẹp nhất, giữ tỷ trọng cao trong mỗi cửa hàng.