ECOCERES là công ty khởi nghiệp tách ra từ Tập đoàn kinh doanh khí đốt Towngas của tỉ phú Lý Triệu Cơ (Lee Shau Kee), chuyên sản xuất SAF – nhiên liệu hàng không thân thiện với môi trường từ mỡ động vật và dầu ăn đã qua sử dụng. Công ty này đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất SAF hàng đầu thế giới vào cuối năm 2025.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp hàng không trên toàn thế giới nỗ lực giảm tác động đến khí hậu, nhiều hãng bay đã đưa ra cam kết tăng cường sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (Sustainable Aviation Fuel – SAF). Ecoceres – kỳ lân công nghệ có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), tách ra từ Tập đoàn khí đốt Hong Kong & China Gas của tỉ phú Lý Triệu Cơ (Lee Shau Kee) và nhận hậu thuẫn tài chính từ Quỹ đầu tư tư nhân Bain Capital, là doanh nghiệp được thành lập để đáp ứng nhu cầu tăng lên dành cho loại nhiên liệu tái tạo này.
Ecoceres chuyên chuyển hóa các nguyên vật liệu như mỡ động vật và dầu ăn đã qua sử dụng thành nhiên liệu tái tạo. Sản phẩm SAF của công ty có khả năng giảm đáng kể lượng khí thải carbon trong ngành hàng không, lên đến 90% so với nhiên liệu máy bay truyền thống từ dầu hỏa. Đồng thời, Ecoceres cũng đang nghiên cứu các phương pháp chuyển hóa những nguyên vật liệu thô khác thành SAF để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành hàng không, nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Dẫu Ecoceres có quy mô khiêm tốn hơn nhiều so với những tên tuổi lớn như doanh nghiệp Neste của Phần Lan, nhưng chủ tịch điều hành Matti Lievonen khẳng định công ty sẽ tạo nên sự khác biệt. Trong một buổi phỏng vấn trực tuyến, ông Lievonen, cựu chủ tịch kiêm CEO tại Neste, cho biết Ecoceres định vị mình trở thành doanh nghiệp đạt năng suất cao nhất thị trường vào cuối năm 2025, khi nhà máy mới tại Malaysia đi vào hoạt động với công nghệ tiên tiến hơn. Malaysia hiện là đất nước sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Indonesia. Phế phẩm từ dầu cọ chính là vật liệu để sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).
Theo Matti Lievonen, khi hoàn thành vào cuối năm 2025, đây sẽ là nhà máy thứ hai của Ecoceres, bên cạnh cơ sở hiện có tại Giang Tô, Trung Quốc. Dự án này được kỳ vọng giúp công ty nâng công suất sản xuất SAF lên 85%, vượt xa mức trung bình toàn ngành là 40-55%.
Với nhà máy mới đi vào hoạt động, Ecoceres đặt mục tiêu tăng sản lượng SAF từ 100 ngàn tấn năm 2023 lên 700 ngàn tấn, qua đó nâng thị phần toàn cầu từ 20% năm 2024 lên hơn 30%. Mục tiêu này được đưa ra trong bối cảnh Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo sản lượng SAF toàn cầu sẽ đạt 2,1 triệu tấn vào năm 2025.
“Ecoceres đang đi đầu trong việc mang đến giải pháp hỗ trợ ngành hàng không giảm đáng kể lượng khí thải carbon và giúp mọi người tận hưởng những chuyến bay thân thiện với môi trường,” Matti Lievonen tuyên bố.
Ecoceres thành lập vào năm 2008, khởi đầu từ một dự án về nghiên cứu và phát triển tinh chế sinh học (biorefining) thuộc Hong Kong & China Gas, tên gọi quốc tế của Towngas – tập đoàn kinh doanh khí đốt duy nhất ở Hong Kong (Trung Quốc). Năm 2021, Ecoceres tách ra hoạt động độc lập và huy động thành công 108 triệu USD trong vòng series A từ Kerogen Capital, quỹ đầu tư tư nhân do các thành viên thuộc bộ phận về năng lượng và tài nguyên thiên nhiên của JPMorgan đồng sáng lập.
Năm 2023, Towngas bán lại 21% cổ phần trong Ecoceres cho Bain Capital, theo thỏa thuận định giá công ty ở mức gần 1,5 tỷ USD. Tính đến tháng 6.2024, Towngas còn 44% cổ phần trong Ecoceres.
Công ty khởi nghiệp này đang cân nhắc phát hành cổ phiếu tại châu Âu vào năm 2026. Theo Bloomberg đưa tin hồi tháng 1.2025, trích dẫn các nguồn tin giấu tên, Ecoceres có thể huy động từ 500 triệu đến một tỷ USD từ đợt IPO này với định giá vào khoảng năm tỷ USD. Công ty từ chối đưa ra bình luận về thông tin này.
Ecoceres là một trong ngày càng nhiều công ty tham gia sản xuất SAF – loại nhiên liệu được Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) đánh giá là “giải pháp khả thi nhất” giúp ngành hàng không cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ngành hàng không hiện chiếm khoảng 2,5% tổng lượng phát thải toàn cầu và con số này có thể còn tăng khi nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không tiếp tục mở rộng. Điều này khiến bài toán trung hòa carbon trở thành một trong những thách thức lớn nhất của ngành, đặc biệt khi lĩnh vực này đòi hỏi lượng nhiên liệu khổng lồ cho các chặng bay dài.
Nhờ gia tăng sản lượng, công ty được hưởng lợi khi Liên minh châu Âu (EU) áp dụng quy định mới yêu cầu nhiên liệu máy bay phải chứa ít nhất 2% SAF kể từ năm 2025 và nâng lên mức 70% vào năm 2050. Matti Lievonen tiết lộ phần lớn doanh thu của Ecoceres đến từ hoạt động phân phối nhiên liệu SAF tại thị trường châu Âu, nơi công ty có các khách hàng như hãng hàng không Đức Lufthansa.
Mở rộng sản xuất cũng sẽ giúp Ecoceres theo kịp nhu cầu gia tăng tại Mỹ và châu Á, những thị trường lần lượt đóng góp doanh thu lớn thứ hai và ba của công ty. Khác với châu Âu, Mỹ hiện chưa có quy định bắt buộc nào về sử dụng SAF mà chỉ đưa ra các chính sách ưu đãi để khuyến khích sử dụng nhiên liệu tái tạo này. Trong khi đó, Singapore dự kiến yêu cầu các chuyến bay khởi hành từ đảo quốc sư tử phải sử dụng hỗn hợp nhiên liệu máy bay với tỉ lệ 1% SAF vào năm 2026 và tăng lên 5% vào năm 2030. Hong Kong (Trung Quốc) cũng sẽ đề ra mục tiêu về việc sử dụng SAF.
Hồi tháng 11.2024, ngân hàng HSBC Hong Kong (Trung Quốc) đã ký thỏa thuận nhập nhiên liệu SAF từ Ecoceres cho các chuyến bay của hãng hàng không Cathay Pacific khởi hành từ đặc khu hành chính này.
Tiềm năng là vậy, nhưng thực tế lại khác. Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, SAF hiện chỉ chiếm chưa đến 0,1% lượng tiêu thụ nhiên liệu máy bay. Một trong những rào cản lớn nằm ở chi phí. Bộ Năng lượng Mỹ ghi nhận giá của SAF cao hơn từ hai đến mười lần so với nhiên liệu truyền thống, tùy thuộc vào nguyên liệu đầu vào và công nghệ sản xuất. Thêm vào đó, nguồn cung nguyên vật liệu như mỡ động vật và dầu ăn đã qua sử dụng còn tương đối hạn chế.
Để tháo gỡ nút thắt về nguồn cung, Ecoceres đang thử nghiệm các nguyên vật liệu thô khác cho việc sản xuất SAF. Một nhân tố đầy hứa hẹn là Carinata, loài thực vật với hoa màu vàng tươi có thể phát triển ở những vùng đất kém màu mỡ và được dùng để bảo vệ đất đai thay vì sản xuất lương thực. Lievonen cho biết Ecoceres đang phát triển công nghệ để chiết xuất dầu từ Carinata và chuyển đổi thành SAF.
Bên cạnh đó, công ty cũng phát triển công nghệ có tên gọi “alcohol to jet” (ATJ), kỹ thuật chuyển hóa cồn thành nhiên liệu đủ mạnh để cung cấp cho máy bay. Hiện tại, Ecoceres đã thành công biến chất thải nông nghiệp thành cồn, nhiên liệu thay thế xăng dầu và có thể giảm 80% lượng khí thải carbon.
“Ecoceres có đội ngũ R&D gồm 100 nhân sự phụ trách về công nghệ ATJ, nguyên vật liệu thô mới và những thứ khác. Để thành công, công ty cần phải thích nghi và đa dạng hóa việc kinh doanh nhiều hơn nữa. Chúng tôi muốn dẫn trước các đối thủ cạnh tranh,” Matti Lievonen khẳng định.
Biên dịch: Quỳnh Anh