multi-media / Megastory

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp và giấc mơ y học tái tạo

TS Nguyễn Thị Hiệp

PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp tìm cách biến những sản phẩm từ phòng nghiên cứu trở nên hữu dụng trong đời sống, góp phần phát triển lĩnh vực y học tái tạo tại Việt Nam.

Năm 2007, cô sinh viên khoa hóa của trường đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM rời Sài Gòn đến Hàn Quốc du học với mong muốn “tiếp tục được học,” nhờ khoản học bổng toàn phần nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành hóa dược đủ để trang trải chi phí và học phí.

Năm 2012, Nguyễn Thị Hiệp hoàn thành luận án tiến sĩ, là một trong những nhà khoa học trẻ không chỉ riêng trong lĩnh vực của mình. Cô hoàn thành cả hai chương trình cao học và tiến sĩ trong năm năm cùng với thành tích đáng nể: 12 bài báo quốc tế và ba sáng chế có giá trị trong các hướng nghiên cứu khác nhau như băng gạc, xương nhân tạo và vật liệu tái tạo mô.

31 tuổi, trở về nước tham gia nghiên cứu và giảng dạy, TS. Hiệp là một trong những nhà nghiên cứu y học tái tạo đầu tiên của Việt Nam. Năm 2021, vị phó giáo sư tuổi 40 này đã có hơn 170 công trình khoa học, gần 80 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín, hơn 70 bài trong kỷ yếu hội nghị quốc tế cùng bốn bằng sáng chế. Nguyễn Thị Hiệp được vinh danh là một trong các nhà khoa học hàng đầu châu Á do tạp chí Asian Scientist bình chọn.

Trong thời gian học và nghiên cứu tại Hàn Quốc, ba lĩnh vực giúp cô hình thành sự nghiệp nghiên cứu ngày nay: Ở ngành hóa dược, cũng như các nghiên cứu sinh khác, Hiệp qua những bước đầu tiên về ứng dụng hóa trong dược phẩm, sau đó là các nghiên cứu nano, điều khiển dược trong tái dược để phân rã thuốc…

Một bước ngoặt với cô khi giáo sư hướng dẫn vốn là một tiến sĩ ngành tái tạo, chuyển cô sang trường y để theo đuổi lĩnh vực này. “Vì nền tảng không phải ngành y, tôi lại bắt đầu với nghiên cứu tế bào, mô, mạch máu, xương, dùng xương cấy ghép lại cho người…, vừa học kiến thức mới vừa hướng dẫn các bạn mới bắt đầu nghiên cứu,” TS. Hiệp kể.

Giáo sư hướng dẫn cô xuất phát là một tiến sĩ ngành tái tạo chuyên nghiên cứu ứng dụng xương tổng hợp, ông quyết định thành lập khoa y học tái tạo, một ngành còn non trẻ ở Hàn Quốc thời điểm đó. Hiệp trở thành cộng sự vừa nghiên cứu vừa xây dựng và là một trong những tiến sĩ đầu tiên tại đây.

Ngành “còn mới tinh” này tiếp cho cô đam mê tìm tòi và mày mò nghiên cứu ngày đêm. Vai trò cộng sự thiết lập một lĩnh vực nghiên cứu mới giúp cô có nhiều kinh nghiệm khi về nước gia nhập phòng nghiên cứu y sinh của đại học Quốc tế – ĐHQG TP.HCM, góp sức cùng nơi đây gầy dựng ngành kỹ thuật y sinh và xây dựng chuyên ngành y học tái tạo còn khá mới mẻ tại Việt Nam.

Đại học Quốc tế lúc đó mới được thành lập chưa đầy mười năm, nơi cởi mở chấp nhận những công nghệ, kiến thức mới và các hướng nghiên cứu mới đã tạo điều kiện để tiến sĩ trẻ như Hiệp tiếp tục công việc sau khi về nước. Năm 2012, dù trường đang tạm ngừng tuyển dụng, hiệu trưởng có giải pháp giữ cô lại bằng một hợp đồng ngắn hạn.

“Điều kiện nghiên cứu trong nước còn khó khăn nhưng quan trọng nhất là tôi cảm nhận đây là môi trường tốt nên quyết tâm bám trụ,” cô nói. Cô cùng người thầy của mình – GS. Võ Văn Tới – lúc đó là trưởng bộ môn Kỹ thuật y sinh (nay đã nghỉ hưu) bắt tay gầy dựng khoa kỹ thuật y sinh và chuyên ngành y học tái tạo.

Thiếu cơ sở vật chất, TS. Hiệp cùng sinh viên đi mượn của đại học Khoa hoa Tự nhiên, đại học Y Dược để nghiên cứu. Thiếu nguồn tài chính, trưởng khoa Tới tìm cách vay tiền mua trang thiết bị xong đi xin dự án nghiên cứu để lấy nguồn trả tiền vay, thay vì đó là tiền công nghiên cứu của cá nhân. “Cố gắng của chúng tôi được bù đắp khi ĐHQG thấy sự quyết tâm đã tài trợ khoản kinh phí 30 tỉ đồng đầu tiên để phát triển khoa kỹ thuật y sinh, riêng mảng y học tái tạo được dành 12 tỉ đồng,” Hiệp kể.

Họ cùng nhau vượt qua các khó khăn trong nghiên cứu. Nền tảng gầy dựng được giúp TS. Hiệp tiếp tục xây dựng uy tín qua các công trình mang tầm quốc gia và quốc tế. Sau bốn năm, năm 2016, cô trở thành một trong ba nhà khoa học trẻ được trao giải Nhà khoa học nữ tài năng 2016 của L’Oréal – UNESCO với đề tài mang tính phát hiện về titanium implant – một vật liệu tốt nhất trong nha khoa phục hồi. Suốt những năm 2016-2020 cô đều được ghi nhận là một trong những nhà nghiên cứu xuất sắc của ĐHQG TP.HCM.

TS Nguyễn Thị Hiệp


Năm 2017, cô tiếp tục giành giải nhất cuộc thi Giải thưởng khoa học ASEAN – Mỹ về giải pháp giảm áp lực y tế nặng nề lên các thành phố lớn.

Năm 2018, TS. Nguyễn Thị Hiệp được vinh danh nhà khoa học nữ trẻ tài năng của thế giới ở giải thưởng quốc tế L’Oréal – UNESCO với công trình “Keo thông minh trong điều trị lành thương” giúp cầm máu, diệt khuẩn và tạm chữa lành vết thương.

Năm 2019, cô được vinh danh trong danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á, theo bình chọn của tạp chí Asian Scientist, là một trong 15 nhà khoa học được nhận giải thưởng này từ 275 đề cử khắp nơi trên thế giới.


“Nghiên cứu khoa học của TS. Hiệp nhắm đến chuyển giao cho cuộc sống. Đây cũng là tinh thần chung của khoa Kỹ thuật y sinh mà TS.Hiệp trong vai trò trưởng khoa kể từ năm 2018,” PGS.TS Trần Tiến Khoa, hiệu trưởng trường đại học Quốc tế – ĐHQG TP.HCM nhận xét.

Ông cho biết khoa Kỹ thuật y sinh của trường hiện quy tụ gần 30 nhà khoa học và các chuyên viên – những người đam mê nghiên cứu đã tạo nên một đội ngũ mạnh tại đây và thu hút nhiều nhà khoa học tên tuổi khác cộng tác.

“Khoa này với nhiều nhà nghiên cứu đạt nhiều thành tích đã tạo nên một tập thể quan tâm tới nghiên cứu khoa học ứng dụng cuộc sống. Riêng nhóm y học tái tạo là ngành mới thu hút nhiều sinh viên quan tâm nghiên cứu những loại thuốc mới, các cách điều trị mới,” người đứng đầu đại học Quốc tế nói với Forbes Việt Nam.

Ông Khoa đánh giá, TS. Hiệp thuộc nhóm nghiên cứu và công bố khoa học có tỉ lệ tương đối cao so với nhiều đồng nghiệp khác. Điểm mạnh của cô là tổ chức được các nhóm nghiên cứu để từ đó cùng nhau cho ra kết quả, cô năng động kết hợp với các bệnh viện để hội đồng y đức đánh giá thử nghiệm sản phẩm có thể hướng đến phục vụ người dân. PGS.TS Trần Tiến Khoa nói: “TS. Hiệp có tính cách quyết liệt, làm hết mình, nhiệt tình và luôn nóng lòng giải quyết cho xong công việc.”

“Mỗi khi tập trung vào nghiên cứu tôi thấy mình như tìm được chính mình” – Hiệp nói. Niềm đam mê giúp cô “làm không thấy mệt,” nhưng sinh viên than thở vui: “một mình cô làm, mười tụi em không theo kịp”. Ngoài việc quản lý khoa cô còn quản lý nhóm hơn 20 nhà nghiên cứu trẻ. Để họ có cơ hội nghiên cứu, cô chạy vạy xin đề tài và nuôi bằng tiền đề tài của chính mình.

Cô cũng quản ba nhóm khởi nghiệp của sinh viên, “dự thi khắp nơi, cũng giải này giải nọ nhưng chưa thực sự có nhà đầu tư lớn vì điều này không dễ.” TS. Hiệp chia sẻ: “Tôi từng trong hoàn cảnh thiếu thốn nên hiểu được, phải làm sao để các bạn trẻ có đời sống kinh tế ổn định thì mới có thể tư duy nghiên cứu khoa học.”

TS Nguyễn Thị HIệp
TS. Nguyễn Thị Hiệp. Ảnh: Hoàng Thông

Khoa Kỹ thuật y sinh của TS. Hiệp là nơi các nhà khoa học đang thực hiện nhiều dự án nghiên cứu về thiết bị, y học tái tạo, AI, xử lý hình ảnh, dùng hình ảnh để chẩn đoán, nghiên cứu mao mạch, những con chip chẩn đoán sớm bệnh tiểu đường, virus nguy hiểm… Họ cũng nghiên cứu bệnh, nghiên cứu giấc ngủ để dự đoán được đột tử, làm những thiết bị ứng dụng như máy đo huyết áp có thể truyền đi xa như sử dụng hệ thống viễn thông truyền tín hiệu.

“Chúng tôi nghiên cứu cả cơ bản lẫn ứng dụng, khoa có nhiều nghiên cứu có thể đưa ra thị trường, công bố khoa học cũng ở vị trí cao trong ĐHQG. Chúng tôi luôn được đánh giá xuất sắc trong cống hiến khoa học, là nhóm nghiên cứu mạnh của ĐHQG TP.HCM,” nhà khoa học nữ  tuổi 40 nói, không giấu niềm tự hào.

TS nguyễn thị hiệp_chỉ số trích dẫn

Hiện cô làm việc với các công ty tìm cách đưa dây chuyền sản xuất băng gạc y tế tiên tiến hỗ trợ quá trình chữa lành vết thương và thúc đẩy tái tạo da từ nghiên cứu của mình. Nhóm của cô cũng tìm đường cho những nghiên cứu có khả năng ứng dụng trong đời sống như chế tạo dung dịch kháng khuẩn từ nguồn gốc thiên nhiên và sử dụng thành chất bảo quản cho sản xuất mỹ phẩm hoặc dùng collagen tạo ra sản phẩm làm đẹp; chai xịt kháng khuẩn, khử khuẩn cho da hoặc vật tư y tế, đồ kháng khuẩn từ nano bạc.

Có một số nghiên cứu hàn lâm cao hơn như chế tạo mực in sinh học, máy in có thể in được da người, nghiên cứu và chế tạo loại vật liệu chính sử dụng trong việc in và tái tạo mô…

Đánh giá về công trình keo chữa trị vết thương của TS. Hiệp, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, điều dưỡng trưởng bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng chăm sóc vết thương là lĩnh vực lớn trong điều trị y khoa, lâu nay các bệnh viện lớn đều sử dụng sản phẩm từ nước ngoài với chi phí đắt đỏ, nên người dân khó có điều kiện tiếp cận.

Là người am hiểu công trình keo dán tiên tiến của TS Hiệp, theo bà Minh, những gì đề án đưa ra và thử nghiệm quy mô nhỏ có tính khả thi. “Nếu đưa vào sản xuất đại trà thành công, trong tương lai gần hàng Việt Nam sản xuất trong nước có thể mở rộng khả năng tiếp cận cho các tầng lớp dân chúng, việc chăm sóc tiên tiến sẽ phổ biến nếu có được nguồn tài nguyên ngay từ trong nước,” bà Minh nói.

TS Hiệp nhớ lại, hồi nhỏ thích tìm hiểu cây lá, sâu bọ, vì sao sâu thành bướm, chất gì làm ra xà phòng, kem đánh răng…? Học giỏi hóa, cô vào đại học sư phạm theo lời khuyên của ba mẹ “chọn nghề nhàn nhã”, nhưng khi thấy bạn bè trường khác làm thí nghiệm, cô nhận ra các phản ứng trong các ống nghiệm mới là điều cô yêu thích.

Bỏ hai năm sư phạm, cô thi vào đại học khoa học tự nhiên. Sợ mình trở thành gánh nặng tài chính của gia đình, Hiệp tìm cách “học chui” để có đủ vốn tiếng Anh. “Thỉnh thoảng bị nhắc này nọ, nhưng nhờ đó tôi theo đuổi việc học, tìm học bổng thực hiện mơ ước nghiên cứu,” cô kể.

Ngành y học tái tạo trong nước, theo cô, nay đã có sự khởi sắc nhiều so với tám năm trước khi cô về nước. Nhiều sản phẩm ứng dụng phổ biến trên thị trường liên quan đến công nghệ thẩm mỹ và thẩm mỹ ứng dụng đã trở thành một thị trường lớn và nhiều tiềm năng cho các nhà nghiên cứu tham gia.

Ở tuổi 40, Hiệp cho biết phần lớn thời gian dành cho nghiên cứu và chuyện trò với hai con gái, không mê shopping cũng không ghiền xem phim. Cô nói: “Tiêu hao năng lượng đúng chỗ để trở thành sức mạnh, không tiêu thời gian nhiều vào những thứ làm năng lượng mất đi.” Theo cô, sự đánh giá của xã hội về vai trò của khoa học nói chung chưa đúng tầm khiến nhiều người trẻ không có nhiều đam mê theo đuổi.

Nhà khoa học nữ lại còn chịu nhiều định kiến xã hội, cách nhìn khắc nghiệt hơn bởi nghiên cứu khoa học là kỳ công và đánh đổi quá nhiều, nhiều người phải bỏ ngang tìm việc khác nhẹ nhàng hơn, thậm chí họ ở nhà nội trợ. “Phần lớn nữ giới miệt mài làm khoa học, có lúc phát hiện mình đã làm quá nhiều, đến lúc nhan sắc không còn, gia đình cũng tan vỡ,” cô tâm sự và nói mình may mắn hơn khi được gia đình đồng hành, chia sẻ.

Hiệp cho biết cũng có lúc bị chùng lại vì những tác động không hay của đời sống, song cô vượt qua nhờ nguồn năng lượng tích cực khi nghĩ về tương lai ngành kỹ thuật mới giúp ích rất nhiều cho xã hội. PGS.TS Trần Tiến Khoa nhận xét: “TS. Hiệp đang ở độ chín muồi để phát triển.”

———————————————

Tựa theo bản in “Giấc mơ tái tạo”, Danh sách 20 phụ nữ truyền cảm hứng, Forbes Việt Nam số 92 phát hành tháng 4.2021.